Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018: Trường “hot”… hạ nhiệt

Việt Phương – T.A Thứ bảy, ngày 14/07/2018 06:05 AM (GMT+7)
Không còn điểm chuẩn cao ngất ngưởng, 29 – 30 điểm vẫn trượt ĐH, mùa tuyển sinh năm nay, đúng như dự đoán của các chuyên gia giáo dục, điểm chuẩn các trường “top” trên sẽ hạ nhiệt, các trường “top” dưới sẽ bước vào cuộc đua khốc liệt hơn nhiều năm trước để có thí sinh.
Bình luận 0

Trường “top trên” điểm lẹt đẹt

   Chưa năm nào, kết quả thi THPT quốc gia lại khiến dư luận quan tâm nhiều như mùa thi năm nay. Lý do là kể từ khi 2 kỳ thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH được gộp vào làm 1, đây là lần đầu tiên có những “kỷ lục buồn” như: Không có thí sinh nào đạt điểm tuyệt đối; chỉ có 2 thí sinh được 10 điểm môn toán, trên 80% thí sinh được dưới trung bình môn sử… và đương nhiên, mặt bằng chung phổ điểm cũng thấp hơn so với các năm trước.

 Đây là tín hiệu không vui đối với các trường ĐH, CĐ trong việc dựa vào kết quả này để chọn lựa những thí sinh phù hợp cho mình để đào tạo. Việc hạ điểm nhận hồ sơ kèm theo hạ điểm chuẩn trúng tuyển là điều nhất định phải làm.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Nội. Ảnh: V.P

Năm 2017, điểm chuẩn vào trường ĐH Y Hà Nội cao nhất là 29,25 điểm (ngành y đa khoa). Các ngành còn lại đều giao động từ 26 đến 28 điểm trừ y tế cộng đồng và dinh dưỡng- 24 điểm. Nhiều năm trước, tình trạng thí sinh đạt 29 – 30 điểm vẫn trượt vào trường Y cũng đã từng làm nóng dư luận. Năm nay, Trường ĐH Y Hà Nội tuyển 1.120 chỉ tiêu, trong đó có 15% chỉ tiêu mỗi ngành cho diện tuyển thẳng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Tú – Phó hiệu trưởng trường này đã phải khẳng định: “Đương nhiên, điểm chuẩn năm nay của trường sẽ giảm!”

Một trong những trường thuộc “top” được nhiều học sinh giỏi săn đón là ĐH Ngoại thương cũng đã công bố điểm nhận hồ sơ rất “khiêm tốn”, Cụ thể, nếu như năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường có khoa lên tới 28,25; thấp nhất cũng phải là 24,25 (cơ sở Hà Nội). Cơ sở TP.Hồ Chí Minh cũng ngất ngưởng với 28,25 cho tổ hợp A00. Các tổ hợp còn lại lấy điểm chuẩn là 27,25… nhưng năm nay, trường chỉ công bố điểm sàn xét tuyển là 20,5.

Bà Phạm Thu Hương - Trưởng phòng Đào tạo (Trường ĐH Ngoại thương) nhận định: Điểm thi THPT quốc gia và phổ điểm năm nay đều thấp, nên rất có thể điểm chuẩn năm nay của trường sẽ thấp hơn năm ngoái theo xu hướng chung của các trường.

Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng vừa công bố điểm nhận hồ sơ chỉ 8 điểm tất cả các ngành học. Trong khi đó, mức điểm trúng tuyển năm 2017 của trường này không có khoa nào dưới 23 điểm, mức cao nhất là 27 điểm. Ông Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng ĐH cũng khẳng định: “Điểm chuẩn trúng tuyển năm nay sẽ giảm nhất là những ngành có điểm chuẩn cao của các năm trước có thể giảm từ 1 – 2 điểm”.

“Top dưới” sẽ khốc liệt hơn?

Việc điểm thi thấp, điểm sàn đã bỏ khiến nhiều nguy cơ sẽ dẫn đến việc các trường top dưới và giữa gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xét tuyển đủ chỉ tiêu ở mùa tuyển sinh năm nay. Các chuyên gia cũng lo ngại rằng, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý chung của dư luận khi đánh giá chất lượng của trường qua điểm số đầu vào.

Với điểm thi như năm nay, những trường ĐH ở “top đầu” sẽ rất khó để đảm bảo được chất lượng thí sinh đầu vào của mình. Đặc thù của các trường này có các đòi hỏi đặc biệt, nhiều thí sinh nộp hồ sơ nhưng chỉ lấy một số ít. Cho dù việc phổ điểm cho dù có đẹp đi chăng nữa, thì việc một kỳ thi cho 2 mục đích chỉ có lợi cho các trường đại học ở phân khúc thấp cho tới giữa”.

TS Lê Viết Khuyến

Một giảng viên tại Trường ĐH Cần Thơ nhận định: “Chúng ta nên xem kỳ thi THPT quốc gia này là kỳ thi tốt nghiệp trước khi coi nó là kỳ thi ĐH, cần phải xem xét rõ nó  đã phục vụ tốt mục tiêu là “chuẩn đầu ra” cho khối THPT hay chưa?

 Nếu ta xem đây là kỳ thi tốt nghiệp thì chỉ nên ra đề theo 4 mức như sau mức 1: 20 câu (4 điểm); mức 2: 10 câu (2 điểm tiếp theo); mức 3: 10 câu (2 điểm tiếp nữa); mức 4: 10 câu cuối.

Theo tôi, đề thi như năm 2017 là khá ổn, có chăng chỉ cần tăng độ khó lên một chút, như câu hỏi khó mức 4 thay vì để 4, 5 câu thì tăng lên 10 câu. Việc tuyển sinh ĐH thì hãy để cho các trường ĐH tự giải quyết. Đâu cần phải ra đề quá khó để phục vụ một nhu cầu tuyển sinh. Đề khó quá, điểm đầu vào không cao, dư luận lại ái ngại vì điểm đầu vào quá thấp, chất lượng của trường lại bị đặt dấu chấm hỏi?”

“Đơn cử như ĐH Cần Thơ tôi đang giảng dạy năm vừa rồi đề dễ như vậy nhưng có ngành chỉ lấy 15,5 thôi, năm nay đề khó hơn có khi lại còn thấp xuống 13, 14. Dư luận ái ngại bởi tâm lý chung nước ta đánh đồng điểm đầu vào với chất lượng của trường mà ít quan tâm tới kiểm định thực tế”.

Giáo sư Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GDĐT) cho rằng, việc xét điểm từ kỳ thi THPT quốc gia chỉ nên dừng ở mức như một kỳ thi sơ khảo đối với các trường ĐH. Sau đó, từ số người chọn ra đó, thi tiếp một kỳ thi thứ 2 do trường tổ chức, sẽ vừa đảm bảo được đầu vào của các trường đại học, vừa giảm sự tốn kém, lãng phí không đáng có.

“Ví dụ như trường có chỉ tiêu 300 người nhưng có tới 20.000 người đăng ký vào trường. Dùng điểm THPT quốc gia để chọn ra 1000 người, rồi tổ chức một kỳ thi tiếp theo để chọn ra 300 người thì sẽ rất dễ dàng trong việc tuyển sinh”- ông Khuyến cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem