Mất điện thoại, mẹ lạc con
|
Để tránh bị lạc đường, nhầm địa điểm thi, thí sinh và người nhà nên tìm hiểu thông tin ở các bàn tiếp sức mùa thi. |
Sáng 7.7, nhóm sinh viên tình nguyện (SVTN) Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội đã mất cả một buổi sáng để đưa bà Phan Thị Mừng ở xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, Thái Nguyên đi tìm con gái là Đỗ Thị Kim Ngân, đi thi đợt 2 vào trường này. SVTN Nguyễn Diệu An - người trong nhóm chở bà Mừng ra bến xe Mỹ Đình tìm con cho biết:
“Sáng 7.7, bọn em ngồi tiếp sức mùa thi ở điểm thi Khương Đình thì gặp bác Mừng khóc mếu đi tìm con. Lúc đi từ Thái Nguyên xuống Mỹ Đình, 2 mẹ con bị mất điện thoại. Chiều tối qua, bác ấy đi mua cơm về cho con gái nhưng không nhớ đường về phòng trọ nên đi lạc. Con gái bác ấy chờ lâu, không cách nào liên lạc được nên bỏ phòng trọ đi tìm mẹ khắp nơi. Bác ấy chờ con cả đêm hôm qua không thấy”.
Nhờ sự hỗ trợ của nhóm sinh viên tình nguyện, bà Phan Thị Mừng tới bến Mỹ Đình tìm con. Sau đó cả công an khu vực Mỹ Đình cũng vào cuộc, thông báo trên loa về việc tìm người nhà và hỏi lái xe về trường hợp của Kim Ngân. Gần trưa ngày 7.7 mới có manh mối khi một lái xe taxi Âu Lạc cho biết có một cô gái trùng với mô tả đã lên xe taxi về hướng Thái Nguyên.
Điểm khó khăn là bà Mừng không nhớ bất cứ số điện thoại nào của người nhà ở Thái Nguyên và bạn bè của con, vì thế các SVTN phải nhờ tới tổng đài, gọi điện về xóm, xã và được biết đúng là Kim Ngân quay về quê tìm mẹ. Sau khi có thông tin mẹ còn ở Hà Nội, Kim Ngân lại bắt xe quay xuống. Gặp bà Phan Thị Mừng vào khoảng 13 giờ ngày 7.7, bà mừng mừng tủi tủi nói: “Nhờ các cô các bác, tôi mới tìm được cháu nhanh như vậy”.
Theo bà Mừng, người ở quê về phố rất dễ bị lạc đường: “Tôi ra tới đường cái, thấy đường nào cũng giống nhau, xe cộ chạy vun vút nên không định hướng được”.
Những sự cố lạc đường, lạc con này rất nhiều phụ huynh gặp phải. Tuy nhiên, thời buổi điện thoại di động, chỉ lạc phút chốc nhưng cũng khiến cả nhà…mất tinh thần.
Anh Phan Tuấn Anh, từ huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) đưa con đi thi đợt 2 ở điểm thi xã Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội) nhưng khi lên xe ôm thì người con đọc điểm thi ở xã Trung Văn, còn anh lại nhầm sang Trung Yên.
“Lúc đó máy điện thoại của tôi lại hết pin, nhờ bác xe ôm cho mượn máy điện thoại thì không nhớ nổi số máy của con nên phải gọi tới 6-7 cuộc điện thoại về nhà mới liên lạc được với con để biết địa chỉ. Riêng tiền xe ôm với tiền điện thoại đi lòng vòng chiều 6.7 lên tới gần 400.000 đồng. Bố con gặp nhau rồi mà vẫn run”- anh Tuấn Anh kể.
Một cốc bia, mất năm học
Tại điểm thi Trường THPT Lý Thường Kiệt (Hà Nội), trong đợt thi thứ nhất, các phụ huynh cùng đợi con đi thi đều lắc đầu trước trường hợp một phụ huynh và thí sinh ở Hưng Hà (Thái Bình). Sau môn thi toán, cậu con trai hồ hởi cho biết làm rất tốt, có thể đạt được 9 điểm. Để chúc mừng con trai, ông bố kéo một đồng hương nữa uống cốc bia rồi về nhà người đồng hương này ngủ. Do có chút hơi men, cộng với phòng máy lạnh nên ngủ say, tới gần 15 giờ, thí sinh này mới thức giấc và chạy tới điểm thi vừa lúc trống báo hết giờ.
Tại nhiều điểm thi, không hiếm trường hợp thí sinh tới từ lúc… tờ mờ sáng. Ông Vũ Đình Vinh - phụ huynh em Vũ Hoàng Yến, thi vào Học viện Báo chí Tuyên truyền cho biết ở quê, những người có kinh nghiệm đưa con em đi thi đều dặn phải đi sớm để tránh tắc đường.
Thực tế tại Hà Nội, trong đợt thi thứ nhất, hàng trăm phụ huynh đưa con đến điểm thi tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội bị muộn giờ làm thủ tục dự thi. Lý do là đoạn đường Cầu Diễn, Nhổn đang thi công, bị tắc đường cục bộ hơn 1km. Nhiều phụ huynh quá sốt ruột phi xe tràn lên vỉa hè, vượt qua các vật cản là bãi cát, gạch nhưng vẫn bị muộn giờ.
Nếu độc giả, các thí sinh và phụ huynh gặp những câu chuyện hay hoặc những trường hợp bất thường trong kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2013, hãy cung cấp thông tin cho báo điện tử Dân Việt qua đường dây nóng 09 03 21 88 77, hoặc 04. 38489820. Email: baodanviet@gmail.com.
Phạm Thanh - Bích Ngọc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.