Theo miêu tả trên báo Hà Giang Online, đèo Mã Pì Lèng (có âm đọc Mã Pí Lèng) là tên gọi của cung đường đèo hiểm trở thuộc Hà Giang, dài khoảng 20 km, nằm trên
con đường Hạnh Phúc nối liền thành phố Hà Giang, huyện Đồng Văn và thị trấn Mèo Vạc.
Mã Pì Lèng gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “sống mũi con ngựa” theo nghĩa đen, nói rộng ra miêu tả sự hiểm trở của đỉnh núi, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Con đường đèo uốn lượn qua những vách núi, vượt qua đỉnh Mã Pì Lèng ở độ cao 2000 mét, dưới chân là vực sâu sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pì Lèng và một bên là Săm Pun (Sam Pun), nơi có cột mốc biên giới và cửa khẩu thông sang Điền Bồng, Trung Quốc.
Con đường đèo như dải lụa quanh co uốn khúc lượn theo sườn núi, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm hẳn là một thử thách lớn với những ai ưa mạo hiểm. Sau khi vượt qua những con dốc, du khách đặt chân lên đỉnh Mã Pì Lèng sẽ ngỡ ngàng giữa không gian hùng vĩ của núi rừng hiện lên trên nền trời sáng trong. Không gì có thể lột tả được hết cái trùng điệp ngàn tầng ngàn lớp của núi, cái trắng xóa huyền ảo của mây, cái thẳm sâu hun hút của vực, với dòng sông Nho Quế xanh ngắt dưới chân núi.
Đặc biệt, mỏm đá nhô ra từ một vị trí thuộc khu vực đèo Mã Pì Lèng chính là nơi cảm nhận được trọn vẹn sự hùng vĩ bao la của núi rừng miền biên giới phía Bắc. Du khách tưởng như đang ở giữa lưng chừng trời, “chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi”, ngắm hình sông thế núi vời vợi, niềm vui tưởng chừng lan tỏa, du khách cảm nhận được vẻ đẹp vô cùng của đất nước quê hương.
Nói về lịch sử của con đèo huyền thoại, báo Du lịch Việt Nam viết: Từ trước những năm 1960 hơn 8 vạn người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng (Trời).
Nhằm mục đích giúp vùng núi tiến kịp vùng xuôi, năm 1959, sau 5 năm kể từ năm hòa bình lập lại ở miền Bắc Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Khu ủy Việt Bắc quyết định mở đường Hà Giang - Đồng Văn - Mèo Vạc. Con đường này, về sau mang tên
Đường Hạnh Phúc, được khởi công vào ngày 10/ 9/ 1959 với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc anh em Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định.
Dưới đây là một số hình ảnh về bức tranh hùng vĩ của núi rừng nhìn từ đỉnh Mã Pì Lèng:
Nguồn ảnh: DutchTa (Flickr)
Nguồn ảnh: Phambaongoc75 (Flickr).
Nguồn ảnh: Gavin White (Flickr).
Nguồn ảnh: Tu-geo (Flickr).
Nguồn ảnh: Lê Thanh Sơn (Flickr).
(Theo Bảo Bình - Soha/Dulich)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.