Ba ngày trước, hai em học sinh ở Nghệ An rủ nhau nhảy sông tự tử vì sợ cha mẹ quở trách sau những lần trốn học đi chơi.
Thư tuyệt mệnh một em viết: “Con xin lỗi, bây giờ con nhận ra thì đã muộn rồi. Chừng này tuổi rồi mà vẫn chưa làm được gì để giúp cha mẹ. Con xin lỗi, xin lỗi cha mẹ nhiều lắm. Cho nên, con sẽ ra đi để cha mẹ được bình yên và hạnh phúc... Nếu có thể đánh đổi tính mạng của con cho cha mẹ được sống tốt hơn thì con sẽ bằng lòng làm chuyện đó. Hãy hứa với con rằng cha mẹ phải sống thật tốt đến trăm tuổi nhé! Cha mẹ đừng tìm và đừng lo lắng gì cho con cha mẹ nhé. Con xin lỗi”.
Đó không phải là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến câu chuyện đau lòng như thế ở lũ trẻ và cả người lớn.
Đó là sự quẫn bách.
Một điều bình thường với người này, có thể là tuyệt lộ với người khác, tùy thuộc vào nhiều yếu tố.
Thắt lòng tang lễ ba người tử vong trong nhà ở Thủ Đức. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Sáng nay, một trong những nghi vấn nguyên nhân cả nhà tự tử chết ở Thủ Đức, là sự quẫn bách bởi món nợ 30 triệu đồng không trả nổi. Họ không có cách nào để thoát ra.
Hồi tôi còn nhỏ, ở quê, xứ trồng nho và hành tỏi, thuốc trừ sâu nhà nào cũng sẵn, thỉnh thoảng lại có vụ tự tử vì buồn vợ, giận chồng, thất tình thời mới lớn. Tất cả những con người ấy khi quẫn bách đều không thể, không thể nghĩ được rằng nếu thoát được thời gian ấy, có thể vài giờ, có thể nhiều tháng sau, họ sẽ khác.
Anh bạn thất tình uống thuốc rầy không thể biết là nếu anh sống, ngày mai có thể anh có một mối tình đẹp hơn mối tình đầu; cái gia đình vừa chết sẽ không biết rằng nếu biết họ cùng quẫn dường ấy, sẽ có nhiều bàn tay giúp đỡ.
Hai em bé ở Nghệ An sẽ không chết nếu trước đó có một ánh nhìn ấm áp hay vòng tay ôm chúng vào lòng nói con trốn học đi chơi là sai lắm, đừng thế nữa, vì ba mẹ yêu con. Và nói rồi thì sai chúng đi giặt cái áo của cha hay rửa cái nồi giúp mẹ.
Điều đó có lẽ ai cũng có thể biết và nói rất hay nhưng chúng ta đã không làm.
Nhưng hơn cả điều đó, chúng ta sau đó phán xét và nói về những cái chết do nông nổi, những cái chết ngu. Chưa bao giờ ta hỏi lòng rằng vì sao chúng ta không biết sự cùng quẫn của người bên cạnh, để giờ phải hoặc giận họ bồng bột, hoặc giận chính mình giá mà ngày ấy mình biết trước điều đó.
Vâng, chúng ta là những kẻ cao thượng thông thái muộn màng.
Chúng ta may mắn và có quyền phán xét.
Nhưng suy cho cùng, chúng ta đã không đủ thấu hiểu và yêu thương người cần yêu thương - người mà lẽ ra chúng ta có bổn phận yêu thương và thậm chí hy sinh.
Sẽ rất dễ để làm một người hào phóng hay bao la tình nhân ái với tha nhân, nhận những tụng ca. Nhưng hình như ai cũng từng quên hoặc chưa đủ yêu thương với người ở cạnh mình, của mình, bên mình.
Và như vậy, những cái chết kia không vì cùng quẫn, mà còn vì sự vô tâm vào đúng khi họ cần ta nhất - dù họ không nói ra, hoặc họ thấy không có quyền nói ra.
Sự cô đơn giết chết họ, chứ không phải cơn cùng quẫn.
Bạn tôi hôm nay nói không chỉ có những người kia, tình yêu đôi khi cũng chết vì sự vô tâm kiểu đó, không cần lý lẽ!
Đức Hiển (Pháp luật TPHCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.