Tỷ giá trung tâm tăng hơn 1%, Phó Thống đốc NHNN nói gì?

Lê Thúy Thứ năm, ngày 13/06/2019 19:32 PM (GMT+7)
Theo Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Đến ngày 6/6, tỷ giá trung tâm tăng 1,03% so với cuối năm 2018. Đồng thời, NHNN cũng đã tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
Bình luận 0

Chiều nay 13/6, Ngân hàng Nhà nước đã họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019.

Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018

Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong những tháng đầu năm 2019, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý...

img

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng

Năm 2019, NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.

Kết quả, tính đến ngày 10/6/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 5,17% so với cuối năm 2018, thanh khoản của hệ thống TCTD được đảm bảo, thông suốt. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 5,75% so với cuối năm 2018.

Về vấn đề này, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tín dụng đối với hầu hết các lĩnh vực ưu tiên đều tăng khá.

img

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế

Tính đến cuối tháng 5/2019, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 13%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 14,33%. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,04%; Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5%; Tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 4,11%. 

Ngoài ra, các chương trình tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, TTCP như cho vay hỗ trợ giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, nhà ở xã hội,...cũng được các TCTD tiếp tục triển khai quyết liệt. Tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với định hướng của NHNN.

Đồng thời, các TCTD đã tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như: Hạ lãi suất cho vay ngắn hạn xuống còn 6%/năm để hỗ trợ các doanh nghiệp thu mua lúa gạo; hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại tại các tỉnh/thành phố đang có dịch số tiền 357 tỷ đồng (thông qua các biện pháp: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ 68 tỷ đồng, Miễn, giảm lãi vay 13 tỷ đồng; Cho vay mới: 275 tỷ đồng); Chủ động làm với UBND tỉnh Gia Lai (tỉnh có thiệt hại lớn nhất) để bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người trồng tiêu.

Cũng trong 6 tháng đầu năm nay, Thống đốc NHNN ký ban hành Quyết định số 12/QĐ-HĐQT nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo. Theo đó, kể từ ngày 01/3/2019, NHCSXH nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo từ 50 triệu đồng/hộ lên 100 triệu đồng/hộ vay, kéo dài thời hạn cho vay từ 60 tháng lên tối đa 120 tháng.

Từ khi áp dụng mức vay mới (1/3/2019), doanh số cho vay hộ nghèo đến cuối tháng 5/2019 đạt 4.016 tỷ đồng, doanh số cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đạt 10.937 tỷ đồng.

Tỷ giá trung tâm tăng hơn 1%, NHNN can thiệp khi cần thiết

Thông tin về chính sách điều hành lãi suất, lãnh đạo NHNN chi biết, trong nửa đầu năm nay, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, ổn định các mức lãi suất điều hành; chỉ đạo TCTD rà soát, cân đối tài chính, tiết giảm chi phí để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý, nỗ lực giảm lãi suất cho vay khi điều kiện cho phép trên cơ sở đảm bảo an toàn tài chính.

Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay về cơ bản tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6-9%/năm, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

img

Toàn cảnh buổi thông tin kết quả hoạt động ngành Ngân hàng 6 tháng đầu năm 2019

Đối với tỷ giá, NHNN đã điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước. Về cơ bản, thị trường tương đối ổn định, tỷ giá diễn biến bám sát điều kiện thị trường; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đến ngày 6/6, tỷ giá trung tâm ở mức 23.060 VND/USD, tăng 1,03% so với cuối năm 2018; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.408 VND/USD, tăng 0,90% so với cuối năm 2018; tỷ giá niêm yết của Vietcombank ở mức 23.355/23.475VND/USD, tăng 0,86%/0,99% so với cuối năm 2018.

Đồng thời, NHNN cũng đã tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi để mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.

img

NHNN sẽ có biện pháp can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối.

Trong nửa cuối năm, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành nghiệp vụ thị trường mở, điều tiết thanh khoản của các tổ chức tín dụng ở mức hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ. Điều hành công cụ dự trữ bắt buộc đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ và mục tiêu chính sách tín dụng.

Bên cạnh đó điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; kết hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại hối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem