Tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại thấp nhất nước, làm sao giữ được vai trò đầu tàu kinh tế?

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 12/05/2021 10:16 AM (GMT+7)
Các chuyên gia cho rằng với tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại hiện nay chỉ 18% sẽ khó phát triển được. Nếu giữ quan điểm thành phố (TP) giàu thì giữ bớt lại để san sẻ cho các tỉnh thành nghèo hơn thì không phù hợp.
Bình luận 0

Mới đây, UBND TP.HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 lên 23% thay cho mức 18% như hiện nay.

Tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại thấp nhất cả nước

Lãnh đạo TP.HCM cho biết TP là địa phương có tỷ lệ đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước (khoảng 27%) nhưng tỷ lệ tổng chi ngân sách trên tổng thu ngân sách trên địa bàn lại thuộc diện thấp nhất cả nước. 

Cụ thể, từ năm 2017, tỷ lệ phân chia nguồn thu cho ngân sách của TP.HCM giảm từ 23% xuống còn 18%. Trong khi đó, nhu cầu vốn để chi đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và nhu cầu kinh phí để đảm bảo các chính sách, chế độ ngày càng tăng cao, gây áp lực cho ngân sách TP.

Tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại thấp nhất nước, làm sao giữ được vai trò đầu tàu kinh tế? - Ảnh 1.

Đóng góp ngân sách lớn nhất nước nhưng tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại, lại thấp nhất cả nước.

UBND TP.HCM cho biết TP đã xây dựng đề án "Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025", tổ chức trên 30 cuộc họp và xây dựng trên 12 kịch bản tỷ lệ điều tiết theo phương pháp nghiên cứu khoa học. 

Kết quả, TP nhận thấy phương án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết 23% cho giai đoạn 2022 - 2025 như giai đoạn 2011 - 2016, là tối ưu, đảm bảo đáp ứng được tất cả tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí số thu ngân sách nộp về Trung ương tăng so với trường hợp vẫn giữ nguyên tỷ lệ điều tiết 18%.

Thành ủy TP.HCM đã có tờ trình kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận chủ trương điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23%.

Vấn đề tỷ lệ ngân sách TP.HCM được giữ lại được quan tâm vài năm trở lại đây. Các chuyên gia cho rằng với tỷ lệ ngân sách được giữ lại chỉ ở mức 18%, rất khó để TP.HCM có thể phát triển cơ sở hạ tầng và không tương xứng với vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

TS. Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho biết: TP.HCM có lực lượng lao động, GDP địa phương dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ thu ngân sách của TP.HCM cũng dẫn đầu và cao gấp nhiều lần các tỉnh thành khác, riêng TP.HCM đã chiếm khoảng 1/4 nguồn thu ngân sách cả nước.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất với TP.HCM hiện nay là những ràng buộc về thể chế từ Trung ương và tỷ lệ ngân sách được giữ lại. Ông Vũ Thành Tự Anh cho rằng việc này sẽ khiến TP.HCM khó thực hiện những mục tiêu trong tương lai, nhất là đầu tư cho các lĩnh vực mới đang là thế mạnh như dịch vụ, tài chính - bảo hiểm - ngân hàng, logistics.

Giàu thì giữ lại ít là không phù hợp

GS.TS Sử Đình Thành thẳng thắn với tỷ lệ ngân sách TP.HCM đang được giữ lại hiện nay chỉ 18% thì không thể nào phát triển được. Ông cho rằng nếu giữ quan điểm TP giàu thì giữ bớt lại để san sẻ cho các tỉnh thành nghèo hơn thì không phù hợp. 

"Phần lớn vốn đổ vào các tỉnh nghèo nhưng tỷ lệ sinh lời lại không có; trong khi TP.HCM lại không đủ vốn để làm động lực phát triển kinh tế, phát triển hạ tầng. Khi đó, vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước sẽ bị ảnh hưởng, kinh tế chung của cả nước sẽ đi xuống chứ không thể đi lên", GS.TS Sử Đình Thạnh nhận định.

Tại hội thảo "Định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045" diễn đầu tháng 5/2021, TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: TP.HCM là đô thị đặc biệt, với những cơ chế đặc thù nhưng TP đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh, làm hạn chế khả năng năng động, sáng tạo của TP.

Chuyên gia cho rằng bất cập lớn nhất hiện nay của TP.HCM vẫn là hạ tầng, nhất là giao thông kết nối vùng. 

Đơn cử, áp lực quá tải về hạ tầng kinh tế - xã hội đang ngày càng tăng. TP.HCM chỉ xây mới và cải tạo được 2.757km/6.000km hệ thống cống thoát nước (đạt gần 46%), mới nạo vét được 129km/4.369km kênh rạch (đạt gần 3%); mật độ đường giao thông chỉ đạt 20% so với quy chuẩn mật độ đường đô thị nên không đáp ứng nhu cầu thực tế, chưa tương xứng một đô thị đặc biệt. 

Đồng thời, hệ thống giao thông hiện nay cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển cũng như vị thế trung tâm liên kết của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

TS. Trần Du Lịch cho rằng để TP.HCM tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của cả nước, trong 10 năm tới phải duy trì tốc độ tăng trưởng gấp 1,2-1,5 lần mức bình quân cả nước. Hoạt động kinh tế phải là hoạt động mang tính thị trường nhất cả nước, nếu không sẽ không còn năng động.

Ông cũng nhấn mạnh TP.HCM cần cơ chế phù hợp với siêu đô thị, để phát huy tính năng động sáng tạo, phát huy được vai trò của mình, giữ được vị trí đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Các chuyên gia cũng nêu quan điểm Trung ương cần có chính sách thuận lợi hơn cho TP.HCM có cơ hội bứt tốc, nhất là khi TP đang có một loạt dự án lớn cần phát triển như trở thành đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Tài chính TP.HCM, 4 tháng đầu năm, TP.HCM thu ngân sách hơn 140.000 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Năm nay, Trung ương giao chỉ tiêu thu ngân sách cho TP.HCM gần 365.000 tỷ đồng.

Như vậy, 4 tháng đầu năm, tỷ lệ thu ngân sách của TP.HCM đạt hơn 38% dự toán. Nếu tính trung bình mỗi ngày, TP.HCM thu ngân sách gần 1.800 tỷ đồng, vượt 300 tỷ so với chỉ tiêu được giao.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem