20 năm giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM, có dễ thành hiện thực?

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 27/03/2021 17:07 PM (GMT+7)
TP.HCM đang quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, đã được ấp ủ suốt 20 năm qua.
Bình luận 0

kinh tếChủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong vừa ký văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương để TP xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM. Giấc mơ trở thành trung tâm tài chính của khu vực và từng bước hội nhập toàn cầu của TP.HCM đã có từ 20 năm trước.

Tận dụng lợi thế "trời cho" để thực hiện trung tâm tài chính

Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP.HCM hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành trung tâm tài chính của cả nước, khu vực và quốc tế.

Các năm qua, TP.HCM đóng góp khoảng 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước, chiếm một lượng lớn đầu tư gián tiếp qua kênh M&A, các quỹ đầu tư mạo hiểm, kiều hối.

20 năm giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM, có dễ thành hiện thực? - Ảnh 1.

TP.HCM đang quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế, đã được ấp ủ suốt 20 năm qua.

Mật độ tập trung của các định chế tài chính trên địa bàn TP.HCM hiện vào loại cao nhất cả nước. Năng suất lao động của TP.HCM gấp 2,7 lần năng suất lao động cả nước, cùng với lợi thế về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng được đào tạo và làm việc trong các lĩnh vực tài chính và liên quan như kế toán, kiểm toán, trọng tài, luật sư.

Ngoài ra, TP.HCM chỉ cách khoảng 3h bay với các nền kinh tế năng động của châu Á như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Philippines và xa hơn là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Việt Nam ở múi giờ khác biệt với 21 trung tâm tài chính lớn nhất toàn cầu nên có lợi thế thu hút dòng vốn nhàn rỗi trong thời gian các trung tâm này nghỉ giao dịch. Ngoài ra, các tổ chức tài chính cũng đang tìm kiếm địa điểm mới ở các nước khác tại châu Á.

Lãnh đạo TP.HCM cho rằng nhu cầu hoạt động tài chính ở TP.HCM rất lớn, là điều kiện tốt để hình thành, phát triển một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong tương lai.

Nói về việc xây dựng một trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM, TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng đây là một trong những định hướng quan trọng mà TP.HCM cần tập trung định hình và phát triển trong giai đoạn tới bởi những động cơ bứt phá thiên về số lượng và chiều rộng trước đây đã hết đà.

Ông cũng phân tích thêm giai đoạn 10 năm qua, nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tại TP.HCM đã có nhiều bứt phá và TP.HCM cũng có lợi thế cạnh tranh về ngành này nhiều hơn so với các tỉnh thành khác.

"Không cạnh tranh với công nghiệp của Đông Nam Bộ hay công nghiệp chế biến của Đồng bằng sông Cửu Long, trời cho của TP.HCM là chuyển đổi số, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm…", TS Vũ Thành Tự Anh nói rõ và cho rằng đây chính là một trong những động lực mới tại TP.HCM hiện nay.

Giấc mơ 20 năm thành trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM

Thực tế, trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại TP.HCM đã được lãnh đạo TP đặt vấn đề khoảng 2 thập kỷ qua. Trong 2-3 năm trở lại đây, chính quyền TP.HCM thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với hàng loạt hội nghị, hội thảo, diễn đàn kinh tế tiếp thu ý kiến chuyên gia cho giấc mơ TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Tháng 7/2019, tại hội thảo "Xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế", TS Trần Du Lịch, Thành viên tổ tư vấn của Thủ tướng thẳng thắn cho biết đầu những năm 2000, đề án TP.HCM lấy tài chính làm thị trường mũi nhọn đã có. Đề án này không tách rời quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm và sẽ là nơi tập trung doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực tài chính, fintech. Tuy nhiên, sau gần 20 năm, dự án vẫn giậm chân tại chỗ.

"Cũng mục tiêu xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế cách đây gần 20 năm, thậm chí chúng tôi còn hồ hởi hơn thế này nữa nhưng đến nay vẫn chưa đi đến đâu. Như vậy, rõ ràng 15-20 năm trước đã nhận thức được mục tiêu này nhưng đến nay TP.HCM vẫn chưa làm được", TS Trần Du Lịch băn khoăn.

Theo ông, việc xây dựng TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế là một chương trình quốc gia, chủ trương quốc gia chứ không phải là câu chuyện của riêng TP.HCM nữa. Nếu không, nó sẽ lặp lại thất bại trước đây.

20 năm giấc mơ trung tâm tài chính quốc tế của TP.HCM, có dễ thành hiện thực? - Ảnh 3.

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng có thể kỳ vọng TP.HCM sẽ có tên trong danh sách các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế trong vài năm tới.

Đồng quan điểm, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng TP.HCM muốn xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế thì cần phải tìm một cách tiếp cận khác, nương theo biến động và xu thế của khu vực, thế giới. Cần tìm một số "thị trường ngách" để tạo sự khác biệt và đột biến song song với việc phát triển trung tâm giao dịch hàng hóa.

Nhóm nghiên của Fulbright cho rằng khó khăn trong việc đưa TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế hiện nay là Việt Nam chưa có một thị trường tiền tệ thực thụ. Thị trường cũng thiếu "hàng hóa", một phần do quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước còn chậm chạp và chịu nhiều sự can thiệp hành chính.

Dù vậy, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cũng cập nhật một tương lai khá sáng của TP.HCM cho giấc mơ trung tâm tài chính khu vực và thế giới. 

Cụ thể, theo bảng xếp hạng các trung tâm tài chính thế giới GFCI (Global Financial Centres Index) hồi tháng 3/2020, lần đầu tiên TP.HCM xuất hiện trong bảng xếp hạng GFCI với tư cách là một trung tâm liên kết, đang chờ được đưa vào danh sách chính thức. 

Trong bảng xếp hạng của GFCI vừa công bố mới đây (17/3/2021), TP.HCM vẫn được xếp nằm trong nhóm trung tâm liên kết này. TS Vũ Thành Tự Anh nhận định nếu làm khéo và có chính sách, thông tin thì TP.HCM sẽ sớm có tên trong danh sách các trung tâm tài chính khu vực và quốc tế.

Trong văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương để TP.HCM xây dựng Đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, lãnh đạo TP.HCM đề xuất 3 giai đoạn của đề án.

Cụ thể, trong ngắn hạn sẽ hoàn chỉnh ở cấp độ quốc gia với các hoạt động đa dạng và tiềm năng tiếp nhận thêm nhiều hàng hóa, phát triển các loại thị trường tài chính, dịch vụ hỗ trợ theo chuẩn mực quốc tế.

Trong trung hạn, định hướng trở thành trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực, có quy mô tập trung lớn.

Về dài hạn, TP kỳ vọng với nền tảng thị trường tài chính cấp quốc gia cùng với các chính sách, quy định pháp luật mang tính đặc thù, trung tâm tài chính TP.HCM sẽ cạnh tranh so với các trung tâm tài chính khác. TP.HCM sẽ thu hút được nhiều nguồn cung, cầu về sản phẩm tài chính phục vụ phát triển thương mại, đầu tư vào kinh doanh, thu hút các định chế tài chính, tổ chức kinh tế hàng đầu không chỉ trong nước mà còn ở khu vực và quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem