Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index tăng 4,65 điểm (0,48%) lên 978,96 điểm; trong khi HNX-Index giảm 0,42% xuống 103,88 điểm và UPCom-Index giảm 0,17% xuống 55,36 điểm. Thanh khoản thị trường được cải thiện nhưng nhìn chung vẫn khá thấp với giá trị khớp lệnh 3 sàn đạt khoảng 2.600 tỷ đồng.
VN-Index tăng 4,65 điểm (0,48%) lên 978,96 điểm.
Điểm tích cực là khối ngoại mua ròng hơn 40 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung vào các Bluechips như VCB (34,6 tỷ đồng), VNM (34 tỷ đồng), E1VFVN30 (25,3 tỷ đồng), CTG (14,7 tỷ đồng)…
Ở nhóm Bluechips, VNM, VJC, PLX, PNJ,…cùng các cổ phiếu ngân hàng EIB, CTG, VCB, VPB, TCB…tăng khá tốt là động lực chính giúp thị trường tăng điểm.
Trong đó, VCB tăng 5.000 đồng lên 94.500 đồng là cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường. Với mức tăng này, VCB tiếp tục thiết lập đỉnh giá lịch sử mới.
Các cổ phiếu chứng khoán dù không quá bùng nổ nhưng cũng xuất hiện nhiều mã tăng điểm như BSI, VND, SSI, VCI…
Trong khi đó, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, dầu khí nhìn chung giao dịch khá giằng co. "Nhóm FLC" hầu hết đều tăng điểm nhưng mức tăng không quá mạnh, ROS giảm 500 đồng xuống 10.000 đồng.
Trong phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu họ “Vin” đồng loạt giảm điểm và lot “top” những nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index.
VIC sau 2 phiên giữ “giá” thì hôm nay đã quay đầu giảm nhẹ 100 đồng (tương đương 0,09%) về mốc 114.900 đồng/cổ phiếu. VHM giảm điểm phiên thứ 2 liên tiếp cũng với mức giảm 100 đồng (tương đương 0,12%) về mốc 86.000 đồng/cổ phiếu.
Riêng VRE lại tiếp diễn đà giảm sâu trong thời gian gần đây với mức giảm 200 đồng về mốc 32.600 đồng/cổ phiếu. Tuần qua VRE đã “bay” tới 4,12% giá trị khi liên tục đỏ sàn.
Dù hoạt động trên sàn chứng khoán có phần tiêu cực nhưng vẫn có thông tin tích tực vừa đến từ VinFast – Công ty thuộc VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Đã có hơn 17.000 ô tô và 50.000 xe máy điện VinFast được đặt mua.
Cụ thể, Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast chính thức công bố số liệu bán hàng tổng hợp của năm 2019. Theo đó, đã có tổng cộng hơn 17.000 ô tô và 50.000 xe máy điện VinFast được khách hàng đặt mua.
Với xe máy điện, tổng đơn hàng VinFast nhận được cho cả 4 mẫu Klara, Klara S, Impes, Ludo là 50.000, trong đó đã sản xuất được 45.118 xe.
Ngoài ra, với ô tô, tổng đơn hàng VinFast nhận được cho tất cả mẫu xe là 17.214, trong đó đã sản xuất được 15.300 xe.
Dự kiến, trong năm 2020, VinFast sẽ ra mắt dòng xe sang hiệu suất cao Lux V8 và hai mẫu crossover hạng B và hạng C, với các biến thể chạy xăng và chạy điện. Ngoài ra, công ty cũng sẽ ra mắt xe buýt điện nhằm phủ đủ các phân khúc thị trường, đáp ứng đa dạng nhu cầu của khách hàng. Từ năm 2021, VinFast dự kiến sẽ xuất khẩu ô tô điện sang thị trường Mỹ.
Hiện toàn bộ ô tô - xe máy điện VinFast đều được sản xuất tại tổ hợp nhà máy rộng 335 ha nằm trong Khu công nghiệp Đình Vũ (Cát Hải, Hải Phòng).
Phiên giao dịch 16/1 khép lại với sắc xanh hiện diện trên cả 3 chỉ số.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.