Ông Long có 30 năm gắn bó với nghề buôn trầm, như ông nói là cái nghề cũng thăng trầm giống hệt cái tên của nó. Gắn với nghề ông đâm ra mê cây dó bầu. Ông nghĩ, chẳng bao lâu cây dó bầu tự nhiên vì bị khai thác vô tội vạ, sẽ cạn kiệt. Để giữ lại loại cây này, ông bỏ nghề buôn chuyển sang đi trồng dó bầu với quyết tâm sẽ tìm được phương pháp lai tạo thành công trầm trên cây dó bầu trồng.
|
Ông Long bên sản phẩm trầm thu được từ cây gió bầu (mỗi ký bán khoảng 500 USD). |
Từ 1-2ha ban đầu vào năm 2001, ông thuê đất mở rộng trang trại dó bầu lên 20ha. Ngoài ra, ông còn trồng thêm keo lá tràm, nuôi heo rừng. Rừng gió bầu của ông Long hiện có 15.000 gốc, trong đó có 10.000 gốc được ông cấy tạo thành công và thu được 150kg trầm vào đầu năm 2011. Đây là quả một hiện tượng làm nức lòng hàng chục ngàn hộ trồng dó bầu ở miền Trung.
Việc cấy tạo trầm trên cây dó trồng đang được một vài trường đại học ở miền Trung thử nghiệm nhưng chưa trường nào đưa ra một công thức hoàn hảo. Ông Long đã tự mày mò và bất ngờ tìm ra công thức "vàng". Không cần phải vào rừng sâu "ngậm ngãi tìm trầm", ngồi ở nhà, ông vẫn tìm được trầm hương.
Mỗi kg trầm cấy tạo, ông bán với giá 500 USD cho các thương lái Đài Loan, Hongkong, Nhật Bản… Nhiều thương lái đến trang trại của ông đã quả quyết rằng, đến 2015, cây dó bầu sẽ mang lại cho ông không dưới 50 tỷ đồng. Đấy là chưa nói các thu nhập phụ khác từ bán giác, bán cây mỹ nghệ...
Trang trại dó bầu của ông còn có 200 con heo rừng lai (ông là người nuôi heo rừng nhiều nhất huyện Đại Lộc). Hàng năm, heo rừng mang lại cho ông 150 - 200 triệu đồng tiền lãi. Nhờ trang trại này, ông giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 nhân công trong làng với thu nhập từ 3,5-4 triệu đồng/người/tháng.
Vũ Vân Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.