Trong tháng 8.2018, thép xây dựng Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long cho ra thị trường 179.400 tấn, trong đó có 9.500 tấn xuất khẩu. Lũy kế 8 tháng, Hòa Phát đạt sản lượng 1.473.000 tấn thép xây dựng, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2017. Khu vực thị trường miền Trung – Tây Nguyên đạt mức tăng cao nhất với khoảng 18%, trong khi thị trường truyền thống phía Bắc lần đầu tiên tiêu thụ vượt ngưỡng 1 triệu tấn sau 8 tháng, tăng 8,9% so với năm trước.
Thị trường xuất khẩu duy trì nhiều đơn hàng tới các thị trường truyền thống như Úc, Campuchia, Mỹ, Malaysia, từng bước khai thác thị trường Canada. Sau 8 tháng, Hòa Phát đã xuất khẩu gần 119.000 tấn, chủ yếu là thép thanh, thép cuộn rút dây chất lượng cao với các mác thép như SAE1008, SAE1015, SWRM17.
Theo thống kê của Hiệp hội thép Việt Nam, sản lượng bán hàng thép xây dựng vào tháng 7 âm lịch hàng năm thường có xu hướng giảm, thêm vào đó, thời tiết xấu, mưa bão kéo dài cũng làm chậm tiến độ xây dựng các công trình xây dựng. Tuy nhiên lượng bán hàng thép Hòa Phát vẫn giữ ở mức khá, và duy trì nhịp tăng trưởng so với cùng kỳ.
Từ nay tới cuối năm, thép xây dựng Hòa Phát dự kiến sẽ tập trung đẩy mạnh sản lượng sản xuất của Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương, hoàn thiện và sớm đưa dây chuyền cán thép đầu tiên (công suất 600.000 tấn/năm) tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào hoạt động nhằm gia tăng sản lượng bán hàng cho thị trường miền Trung và miền Nam cũng như xuất khẩu.
Sau khi hoàn thành cải tạo, nâng cấp thiết bị cho lò cao số 2, sản lượng Khu liên hợp tại Hải Dương hiện nay đã tăng khoảng 18.000 tấn/tháng so với hồi đầu năm. Sản lượng tăng thêm này cùng với khối lượng sản phẩm đầu tiên của Khu liên hợp tại Dung Quất trong quý IV được kỳ vọng sẽ giúp Hòa Phát hoàn thành vượt mức kế hoạch tiêu thụ 2,3 triệu tấn trong năm 2018.
Trong khi đó, đối thủ là Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) của ông Lê Phước Vũ đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, từ hàng tồn giá cao, dòng tiền hoạt động âm và tỷ lệ đòn bẩy “khủng”.
Theo báo cáo tài chính, tính đến 30.6, vay và nợ thuê tài chính (cả ngắn hạn và dài hạn) của HSG đã đạt đến con số xấp xỉ 16.000 tỷ đồng (tăng 34% so với đầu năm và tăng 46,7% so với cùng kỳ). Mặc dù nợ ngắn hạn đã giảm so với mức đỉnh điểm 13.900 tỷ đồng (cuối quý I.2018), nhưng với tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu đạt mức kỷ lục gần 3,1 lần như hiện tại đang khiến nhà đầu tư cực kỳ lo ngại bởi khi sử dụng đòn bẩy quá lớn, chi phí tài chính của HSG cũng tăng chóng mặt. Thống kê cho thấy, chi phí lãi vay của HSG 9 tháng đầu năm của HSG đã lên đến 577 tỷ đồng (tăng 75%).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.