U Ra - vùng đất xa ngái - Kỳ cuối: Những con chữ nhọc nhằn

Thứ sáu, ngày 02/03/2012 19:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở bản U Ra, học sinh THCS thì bỏ học nhiều vì đi lại khó khăn. Học sinh tiểu học thì chỗ ăn, ở, học hành tạm bợ. Còn lớp học mầm non thì chỉ có thể nói là “tạm bợ đến toàn phần”...
Bình luận 0

Khó khăn chồng chất

Lù Thị Hạnh - học sinh lớp 7 Trường THCS xã Ma Ly Pho mệt mỏi bước xuống đò để về bản U Ra. Em bảo: Năm trước còn một vài bạn trong bản đi học cùng lớp, giờ các bạn bỏ học hết rồi. Em cũng muốn nghỉ học nhưng các thầy, cô giáo động viên nhiều nên em mới cố gắng học tiếp. Ngày nào cũng phải đi đò thế này, em vừa buồn, vừa sợ...

img
Bữa trưa của các cháu được bày ngay trên nền lớp học, không bát, không đũa, không thức ăn.

Sau một hồi gãi gãi đầu như để khơi lại trí nhớ, Trưởng bản U Ra - anh Phàn Chìn Cò, cho biết: Năm học trước, bản có tới 12 em đi học THCS ở bên xã Ma Ly Pho. Đến năm nay bỏ mất 2/3, chỉ còn 4 em theo học vì việc đi lại quá khó khăn. Đi đò qua sông gặp ngày mưa thì quá nguy hiểm với con trẻ.

Ở bản La Vân (cách U Ra 5km), nhiều trẻ em đã bị nước cuốn trôi khi trời mưa nên bọn trẻ bản này rất sợ phải vượt sông bằng đò. Nếu tránh vượt sông, đi học ở trường của xã Huổi Luông thì xa tới mấy chục cây số; lại phải ở bán trú rất tốn kém. Vì thế số học sinh THCS ở bản cứ thưa dần...

Học sinh tiểu học và mầm non tuy học tại bản, nhưng cũng khó khăn không kém. Điểm trường có 5 lớp với 48 học sinh nhưng chỉ có 4 phòng học. Gọi là phòng học nhưng vách cũng chỉ là ghép từ phên nứa, hở huếch hoác. Bàn ghế thì tạm bợ, bảng thì do các thầy cô giáo tự tìm gỗ đóng lấy. Chỉ có mỗi tấm tôn lợp là được Phòng Giáo dục huyện hỗ trợ; còn lại tất cả cây que, tre nứa làm vách đều do các giáo viên và người dân trong bản chung tay góp sức dựng nên.

Dù điểm trường ở tại bản nhưng được đặt dưới thung lũng trung tâm; còn dân bản thì ở rải rác trên những triền núi chênh vênh, vì thế đi từ bản đến trường thì đơn giản vì xuống dốc, nhưng nếu đi từ trường về bản thì các em cũng phải mất cả tiếng đồng hồ vì đường quá dốc. Em Phàn Thị Thuận - học sinh lớp 4, cho biết: Đi, về rất mệt nên những hôm phải học thêm vào buổi chiều là chúng cháu mang cơm nắm đến lớp ăn tạm bữa trưa để khỏi vượt dốc 2 lần trong ngày.

Trò đã vậy, các giáo viên ở đây cũng vất vả không kém bởi mỗi ngày 4 lần, cũng phải đi đò, đối mặt cùng hiểm nguy sông nước. Thầy giáo Vũ Văn Hòa đã nhiều năm dạy ở U Ra, cho biết: Trước đây khi bản chưa phân công người trực đò, tôi đã nhiều lần phải chở đò đưa học sinh, giáo viên qua sông. Vẫn biết nguy hiểm nhưng phải cố gắng thôi. Giáo viên mà sao nhãng, ngại gian nan là học trò bỏ lớp ngay...

Khổ từ lúc mẹ sinh ra

Đến lớp học mầm non ở bản U Ra, tôi được chứng kiến những khó khăn hiếm thấy. Lớp học nhỏ bé lợp mái tôn, quây quanh phên liếp tre nứa và được phủ bạt bốn bên, mái nhà thấp để tránh những đợt gió lạnh và sương mù. Lớp chẳng có bàn ghế, chỉ 1 tấm bạt nylon màu xanh trải trên nền đất nhấp nhô vẻn vẹn đủ rộng để cô trò ngồi. Cô giáo Vũ Thu Hằng - phụ trách lớp cho biết: Lớp học đã có từ nhiều năm nay nhưng do chưa được Nhà nước đầu tư, chỉ dựa vào sức dân là chính nên nó cứ tạm bợ như vậy.

Bữa cơm trưa được dọn ra trên chiếc bạt tại lớp học, đồ ăn của các cháu là những nắm cơm được gói bằng lá chuối, do bố mẹ chuẩn bị cho từ sáng sớm. Chúng tôi nao lòng: Hầu như không nắm cơm của cháu nào có thức ăn, ngoại trừ một vài nắm có thêm miếng cá khô hoặc mấy hạt lạc rang. Chẳng cần bát, đũa; không có canh, rau; các cháu cứ thò tay bốc ăn ngon lành.

Cô Hằng cho biết thêm: "Nhà nhiều cháu quá nghèo nên thường thì buổi chiều ít có người đón con bởi họ đã gửi luôn giáo viên trọn tuần để tiện đi nương. Cũng nhờ cái nghèo ấy mà cô và trò được gần gũi nhau hơn...".

Sau bữa trưa, các em lăn ra ngủ trên một cái sạp tre, những khuôn mặt trẻ thơ vô tư với giấc ngủ ngon lành cứ ám ảnh chúng tôi mãi.

Cô Hằng chỉ vào cái sạp bằng tre, gỗ ghép ở góc nhà, bảo: “Ấy là cuối năm vừa rồi, vận động mãi các phụ huynh mới cùng nhau làm cái sạp này lấy chỗ cho các cháu ngủ đỡ lạnh. Trước đây tất cả sinh hoạt, học hành của các em đều trên nền bạt cả. Thương học sinh lắm nhưng cô nghèo, dân nghèo, xã nghèo... nên con trẻ cũng khổ. Làm giáo viên trong hoàn cảnh này cũng chẳng vui sướng gì".

Cũng theo cô Hằng, không phải điểm trường không có ghế cho các em ngồi mà do phải nhường ghế cho lớp mẫu giáo 5 tuổi cạnh đó vì sang năm những em này bước vào lớp 1 nên được ưu tiên ngồi ghế để làm quen với nền nếp lớp học. Ngay cả bảng viết và những dụng cụ dạy học, đồ chơi cho các cháu... cũng không hiện diện ở lớp mẫu giáo nhỡ này.

Chúng tôi chia tay U Ra trong bộn bề day dứt: Bao giờ thì những đứa trẻ và các giáo viên ở đây được vơi bớt nhọc nhằn trong sự nghiệp dạy và học? Bao giờ thì người dân U Ra sẽ có cây cầu để vượt lũ an toàn, thuận lợi? Bao giờ thì những người dân như ông Phàn Tờ Pao, Lý Phủ Lìn sẽ thôi ca gác cáp treo, gác đò...

Tâm sự ấy của chúng tôi đã phần nào được giải toả khi được Trưởng bản Phàn Chìn Cò cho biết: Mới đây, UBND tỉnh Lai Châu đã phê duyệt dự án làm cầu treo nối U Ra với Quốc lộ 100, có tổng trị giá hơn 7 tỷ đồng từ vốn 30A của Chính phủ. Hiện cán bộ kỹ thuật cũng đã về để khảo sát và đo đạc; chủ đầu tư cũng đã ký hợp đồng với nhà thầu và cầu sẽ được thi công trong thời gian sớm nhất, phấn đấu hoàn thành trong 1-2 năm tới.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem