Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc học viện Nghiên cứu phòng bệnh quốc tế Pháp và học viện Nghiên cứu ung thư Italia phối hợp thực hiện vừa công bố cuối tháng 7 qua trên tạp chí y khoa BMJ cho biết: những người đã tắm trắng có nguy cơ ung thư da cao hơn 20%!
Kết luận trên được đưa ra sau khi các nhà khoa học tiến hành phân tích các số liệu của hơn 27 nghiên cứu về ung thư da – tắm trắng và hồ sơ bệnh nhân tử vong từ năm 1981 – 2012 tại 18 nước châu Âu.
Theo công bố trên, khoảng 3.400 trong số 64.000 bệnh nhân được chẩn đoán có khối u ác tính trên da hàng năm tại các nước này có tiền sử tắm trắng, và khoảng 800 người chết mỗi năm do các bệnh về da liên quan đến tắm trắng. Các nhà khoa học khuyến cáo ngành y tế các nước cần siết chặt quy định, hạn chế cho trẻ em đi tắm trắng.
|
Tắm trắng thực ra chỉ làm thay đổi lớp da bên ngoài một cách tạm thời, ngắn ngủi. Ảnh: B.N.N |
Thần chết núp trong công nghệ tắm trắng
TS.BS Nguyễn Viết Lượng, phụ trách trung tâm điều trị da liễu thẩm mỹ thuộc viện Bỏng quốc gia cho biết dịch vụ tắm trắng ở Việt Nam đang rất phổ biến, và những hậu quả do tắm trắng gây ra ngày càng tăng, đã có nhiều người chết. Ung thư da đứng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp ở Việt Nam và hơn 90% các trường hợp ung thư da xuất hiện ở vùng da có tiếp xúc ánh nắng.
“Có những người da đang rất khoẻ nhưng chỉ sau một vài lần tắm trắng là phỏng, phồng rộp, ngứa rát, sau đó da sạm đen, thậm chí kích ứng tới mức mưng mủ, lở loét. Công nghệ tắm trắng quảng cáo sử dụng các thảo dược quý hoặc sữa non, mật ong, nano… nhưng thực tế không có công nghệ nào được gọi là tắm trắng.
Các loại kem tắm trắng chủ yếu lột, tẩy lớp tế bào biểu bì trên cùng bị đen hoặc sạm màu do tác động của môi trường chứ không phải do lão hoá. Khi đó, lớp da bên trong còn non nên nhìn có vẻ trắng, mịn màng nhưng lại chưa có khả năng bảo vệ tự nhiên và nhạy cảm với bức xạ mặt trời, dễ tổn thương. Đây là cách làm trắng da phản khoa học, mạo hiểm”, BS Lượng nói.
Cũng theo BS Lượng, phương pháp làm đẹp bằng tắm trắng siêu tốc sẽ bóc đi lớp sừng bảo vệ da khiến các tế bào non phải tiếp xúc trực tiếp với môi trường, ánh nắng, tia cực tím nên dễ mắc các bệnh về da, trong đó có ung thư.
BS Lê Đức Thọ, trưởng khoa da liễu bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, cũng khuyến cáo: “Tắm trắng bằng hoá chất không rõ nguồn gốc, có thể sẽ bị dị ứng, da nổi đốm đỏ, mẩn ngứa hay thâm đen từng vùng. Khi dùng thường xuyên thuốc tẩy, kem lột… lâu dài da sẽ sạm đen, sần sùi.
Bất cứ sản phẩm nào dùng trên da, nhất là vùng da bị tổn thương, thì các hoạt chất đều có thể thẩm thấu qua da, vào máu gây tác dụng không tốt như giãn mạch máu, suy thận – gan, suy đa cơ quan, nhiễm trùng huyết... Trên thực tế đã có một số trường hợp tai biến, thậm chí tử vong sau tắm trắng được ghi nhận”.
Theo ThS.BS Lê Thái Vân Thanh, giảng viên bộ môn da liễu đại học Y dược TP.HCM, ngoài chất tẩy trắng da siêu tốc, kem bôi trắng da… một số nơi trên thế giới còn lạm dụng hydroquinone nồng độ cao hoặc benoquine, những chất có tác dụng ngăn chặn sự hình thành hắc tố hoặc gây tổn thương tế bào hắc tố da, để tẩy trắng da triệt để. Tác hại của phương thức này rất khó lường, có thể gây ra ung thư da.
Mèo lại hoàn mèo!
BS Thọ khuyên: “Chị em nên tìm hiểu kỹ khi quyết định tắm trắng, cân nhắc giữa cái đẹp nhất thời và hậu quả nặng nề sau này. Đừng vì nhu cầu làm đẹp trước mắt, vội tin theo những quảng cáo phóng đại, hoa mỹ mà rước hoạ vào thân. Việc giữ gìn da sau khi tắm trắng cũng là một điều rất khó khăn, luôn phải ở nơi không có ánh nắng, không dám đi du lịch, không dám chơi các môn thể thao ngoài trời hay bơi lội...”
Cũng theo BS Thọ, màu sắc da của mỗi người tuỳ thuộc số lượng tế bào hắc tố melanin có sẵn ở lớp thượng bì do di truyền. Khi da tiếp xúc nhiều với ánh nắng, dưới tác động của tia cực tím, lớp mầm sẽ tăng sinh lượng tế bào hắc tố melanin và đẩy dần lên trên bề mặt da khiến da trở nên đen sạm.
Tắm trắng thực chất chỉ là sử dụng mỹ phẩm để lột bỏ lớp da đen chết bên ngoài nằm trong lớp sừng. Trong khi đó, các tế bào hắc tố melanin vẫn được lớp mầm của thượng bì sản sinh và tái tạo màu da ban đầu liên tục. Như vậy, tắm trắng chỉ có thể thay đổi lớp da đen bên ngoài trong khoảng thời gian nhất định, tạm thời và ngắn ngủi, chứ thực chất không thể thay đổi số lượng melanin trong tế bào. Vì vậy, sau đó “mèo lại hoàn mèo”.
BS Vân Thanh cho biết, làn da tươi sáng phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn: màu sắc phù hợp với chủng tộc; hồng hào vì được cung cấp đầy đủ máu; đồng nhất, không pha tạp màu như các vết tăng – giảm sắc tố, các màu xanh – vàng – nâu do chuyển hoá bất thường trong cơ thể; săn chắc, đủ độ dày và các lớp tế bào da; bề mặt không sần sùi, không có các nếp nhăn chùng, không chứa lỗ chân lông to.
Không nên chăm sóc bằng mọi cách để da trở nên thật trắng mà quên các tiêu chuẩn của một làn da tươi sáng. Một làn da thật trắng nhưng teo mỏng, có nhiều nếp nhăn chùng, lốm đốm vết tăng sắc tố, lỗ chân lông to và rất dễ bị đỏ da hay trầy xước khi tiếp xúc với các yếu tố từ môi trường chỉ là làn da trắng “bệnh”. “Làn da trắng bệnh này là hình ảnh điển hình của rất nhiều chị em đã sử dụng các dịch vụ tẩy trắng da một cách phi khoa học”, BS Vân Thanh nói.
Theo Sài Gòn tiếp thị
Vui lòng nhập nội dung bình luận.