UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị "nóng" những vấn đề gì với Bộ NNPTNT để gỡ "nút thắt" phát triển nông nghiệp, nông thôn?

Hoàng Hạnh Thứ ba, ngày 04/05/2021 14:10 PM (GMT+7)
Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bên cạnh những thành tựu đạt được, tỉnh Cà Mau còn vướng phải một số khó khăn trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp. Vấn đề này đã được tỉnh chủ động báo cáo và đề xuất phương án tháo gỡ lên Bộ NNPTNT.
Bình luận 0

Trong báo cáo gửi Bộ NNPTNT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử nêu lên 6 vấn đề khó khăn hiện tại của ngành nông nghiệp tỉnh, cụ thể như:

Về thu hút đầu tư các công trình ven biển: Cà Mau có bờ biển dài 254 km, nhưng hiện tại có khoản 150 km đang bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng, mỗi năm sạt lở từ 20 – 50 m, bình quân mỗi năm mất khoản 450 ha đất ven biển.

Cà Mau: Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp - Ảnh 1.

Diện tích rừng tại Mũi Cà Mau ngày càng được phục hồi nhờ vào các công trình kè bảo vệ bờ biển, tạo bãi. Ảnh: Hoàng Hạnh

Thời gian qua, Cà Mau đã nỗ lực khắc phục sạt lở cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, tuy nhiên trong 10 năm qua, tỉnh chỉ mới xây dựng được hơn 50 km kè bảo vệ đê biển (tương đương, mới kè đạt khoảng 30% các đoạn sạt lở nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, bảo vệ được 20% chiều dài bờ biển).

"Với tiến độ thực hiện như hiện nay thì 40 năm nữa, Cà Mau mới hoàn thành việc bảo vệ bờ biển", báo cáo nêu và cho biết, khó khăn lớn nhất trong bảo vệ bờ biển hiện nay là thiếu nguồn lực đầu tư.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đề xuất đầu tư phát triển các dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ tại các khu vực ven biển (trong đó doanh nghiệp đầu tư vốn kè chống sạt lở, gây bồi, tạo bãi phía trong kè và sử dụng một phần diện tích gây bồi tạo bãi để thực hiện dự án điện năng lượng tái tạo...

Tuy nhiên, các quy định pháp luật về đất đai, lâm nghiệp…, quản lý rất nghiêm ngặt, chưa có cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư. 

Trong khi thực tế ở tỉnh Cà Mau diện tích rừng phòng hộ ven biển đã bị sạt lở mất, không còn rừng nhưng vẫn phải thực hiện các quy định quản lý đất, quản lý rừng, khó triển khai được các dự án đầu tư...

Do đó, UBND tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NNPTNT và Bộ, ngành liên quan xem xét, có cơ chế chính sách đặc thù hoặc cho phép thực hiện thí điểm (cho các doanh nghiệp sử dụng một phần diện tích đất đã bị sạt lở, sau khi đã đầu tư xây dựng kè phá sóng phía ngoài, gây bồi, tạo bãi, bảo vệ được diện tích sạt lở) thu hút doanh nghiệp đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội như: Dự án năng lượng tái tạo, dự án cảng cá, bến cá, dịch vụ hạ tầng nghề cá…

Cà Mau: Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành nông nghiệp - Ảnh 2.

Nhiều diện tích đất giao khoán cho người dân đang vướng một số khó khăn nhất định. Ảnh: Hoàng Hạnh

 Đối với việc bố trí đất ở cho dân cư sống trong các lâm phần, Cà Mau hiện có khoảng 17.000 hộ dân được nhận khoán đất lâm nghiệp ở 33 xã, với diện tích hơn 79.000 ha và hơn 5.000 hộ, với diện tích hơn 21.000 ha được giao đất lâm nghiệp để quản lý sản xuất.

Việc bố trí đất ở tại chỗ cho các hộ này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc (theo quy định không được cất nhà ở kiên cố). Tuy nhiên, do đặc thù tập quán sinh sống nơi ở gắn liền với nơi sản xuất, những hộ này đã xây dựng nhà ở trên đất…

Để giải quyết vấn đề này, tạo điều kiện ổn định nơi ở, sản xuất cho người dân, công tác quản lý đất đai được chặt chẽ; đồng thời thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức rà soát, đề xuất phương án sắp xếp dân cư, đưa vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện. 

Vấn đề này, tỉnh Cà Mau mong muốn Bộ NNPTNT thống nhất với phương án đề xuất của địa phương.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau cũng đã báo cáo đến Bộ NNPTNT những khó khăn và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ ở các lĩnh vực khác như: về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động các công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh quản lý; đề xuất các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn...

Ngoài các nội dung trên, tỉnh Cà Mau kiến nghị Bộ NNPTNT sớm xem xét một số nội dung tỉnh đã trình như: Đưa vào danh mục đầu tư trọng điểm cấp bách giai đoạn 2021 – 2025, do Bộ NNPTNT quản lý; phê duyệt nâng cấp đê biển Tây tỉnh Cà Mau là đê biển cấp III; ban hành định mức lao động thiết kế, khai thác và nuôi dưỡng rừng trồng để địa phương có cơ sở thực hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem