Năm 2000, một số hộ gia đình chúng tôi đã đổi ruộng lấy ao và đầu tư vào đó hàng tỷ đồng để xây dựng trang trại. Việc làm ăn đang có hiệu quả thì vừa qua UBND xã lấy lý do dồn điền đổi thửa và hợp đồng chỉ đến năm 2013 là hết hạn (mặc dù trong hợp đồng không có điều khoản này) nên đã yêu cầu chúng tôi thu dọn đầm, ao để UBND xã quản lý. Việc này khiến gia đình chúng tôi có nguy cơ sạt nghiệp. Xin hỏi việc UBND xã thu đất của dân để làm đất công ích như vậy có đúng không? Việc dồn điền đổi thửa được quy định thế nào?Nguyễn Văn Canh và một số hộ dân xã Nhật Tân, Kim Bảng, Hà Nam
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật Hợp danh Hồng Bách và Cộng sự) trả lời:
Theo thông tin và hồ sơ mà ông cung cấp, thì hợp đồng giữa một số hộ gia đình ký với HTX Nông nghiệp Nhật Tân ngày 1.1.1993 để đổi ruộng của các hộ lấy ao của HTX là giao dịch dân sự hợp pháp. Vì là hợp đồng trao đổi, không phải hợp đồng cho thuê ruộng đất nên không có thời hạn.
Hợp đồng có hiệu lực ngay khi 2 bên ký kết và kết thúc khi 2 bên đã thực hiện việc trao đổi ruộng đất, ao cho nhau. Việc UBND xã cho rằng đến 2013 là hết hạn là hiểu không đúng về nội dung của hợp đồng. Mặt khác UBND xã không có thẩm quyền giải quyết các vấn đề liên quan đến hợp đồng đó.
Về việc UBND xã đưa ra lý do thu hồi đất để UBND xã quản lý lại càng không đúng, bởi không có văn bản pháp luật nào quy định cho phép thu đất của dân để làm đất công ích. Ngay cả việc thu hồi đất của dân để thực hiện các dự án phục vụ lợi ích công cộng cũng phải được tiến hành theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Cụ thể: Phải có dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt; phải có quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án đền bù và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của cấp thẩm quyền (trong trường hợp này là UBND huyện). Do đó, UBND xã thu đất của các hộ để làm đất công ích là trái pháp luật.
Việc dồn điền, đổi thửa thực chất là cuộc vận động nhân dân tự nguyện chuyển đổi diện tích, vị trí đất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình cá nhân từ nhiều thửa nhỏ ở các khu vực khác nhau thành thửa lớn phù hợp với vùng sản xuất theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Dồn điền đổi thửa không phải là chia lại ruộng đất.
Việc dồn điền, đổi thửa được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của UBND các cấp tỉnh, huyện. UBND cấp xã là đơn vị thực hiện phải tiến hành họp dân, vận động, lấy ý kiến, trên cơ sở đó lập đề án trình UBND huyện phê duyệt.
Lê Chiên (ghi) ( Lê Chiên (ghi))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.