Ukraine trên bờ vực mất hỗ trợ kếch xù của Mỹ

Minh Nhật (theo Kyiv Post) Thứ sáu, ngày 29/09/2023 16:36 PM (GMT+7)
Quốc hội và Thượng viện Mỹ sắp đến hạn chót vào tối thứ Bảy 30/9 để thông qua dự luật ngân sách tài trợ cho chính phủ Mỹ trong năm tài chính 2024 vào ngày 1/10/2024. Nhưng một trong những vấn đề đang gây tranh cãi gay gắt là nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa không muốn viện trợ cho Ukraine nữa.
Bình luận 0
Ukraine trên bờ vực mất hỗ trợ kếch xù của Mỹ  - Ảnh 1.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có chuyến công du tới Mỹ ngày 21/9 để kêu gọ viện trợ thêm cho Ukraine.

Tờ báo Ukraine Kyiv Post cho biết, theo Quy tắc Hastert - một quy tắc không chính thức của các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện - để một dự luật được đưa ra bỏ phiếu, đa số đảng viên Cộng hòa (hiện có tại Hạ viện) phải ủng hộ dự luật. Tuy nhiên, phép toán đó đang khiến Ukraine gặp bất lợi.

Theo Steve Moore, một chiến lược gia của đảng Cộng hòa, hiện có ít nhất 122 đảng viên Cộng hòa đã bỏ phiếu chống viện trợ cho Ukraine ít nhất một lần kể từ khi chiến tranh giữa Nga và Ukraine nổ ra.

Ông Moore lập luận rằng “với việc 122 thành viên Hạ viện bỏ phiếu chống viện trợ cho Ukraine ít nhất một lần, điều đó cho thấy đa số đảng viên Cộng hòa phản đối viện trợ cho Ukraine”.

Cuối cùng, ông kết luận: “Điều này sẽ khiến việc đưa việc viện trợ Ukraine ra bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn”.

Ngoài những người theo chủ nghĩa biệt lập chưa bao giờ ủng hộ Ukraine, sự phản đối của Đảng Cộng hòa đối với Ukraine còn dựa trên một số yếu tố đã phát triển theo thời gian.

Một nhà vận động hành lang chỉ ra rằng, vì chiến tranh là "chuyện của Tổng thống Biden” và khi Mỹ tiến gần tới cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, việc viện trợ cho Ukraine lại trở thành một vấn đề chính trị gây chia rẽ hơn vì nếu Ukraine thành công (chiến thắng trong cuộc chiến với Nga) thì cơ hội tái đắc cử của đương kim Tổng thống Mỹ sẽ cao hơn.

Câu hỏi đặt ra lúc này là Ukraine sẽ đi đâu về đâu? Liệu Ukraine có tránh được việc bị Mỹ giảm hoặc cắt viện trợ hay không?

Số phận của khoản viện trợ dành cho Ukraine hiện khá bấp bênh khi chính phủ Mỹ đang tiến gần tới nguy cơ đóng cửa vì Quốc hội Mỹ chưa phê chuẩn kế hoạch ngân sách chi cho các hoạt động của chính phủ trước ngày 1/10, thời điểm bắt đầu năm tài khóa 2024.

Bế tắc ngân sách lần này được cho là xuất phát chủ yếu từ sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ đảng Cộng hòa về vấn đề thuế và chi tiêu, trong đó có gói viện trợ 24 tỷ USD mà chính quyền Biden công bố cho Ukraine gần đây.

Ngày 28/9, Thượng viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát đã bỏ phiếu để mở cuộc thảo luận về dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn nguy cơ chính phủ đóng cửa. Dự luật gia hạn chi tiêu liên bang cho đến ngày 17/11, qua đó các bên sẽ có thêm thời gian đàm phán về các dự luật ngân sách cho cả năm. Văn kiện này cũng đề xuất cấp khoảng 6 tỷ USD cho quỹ ứng phó thảm họa trong nước và viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát phản đối giải pháp này, đồng thời muốn thúc đẩy Quốc hội thông qua biện pháp của riêng Hạ viện.

Ngoài ra, theo kết quả một cuộc khảo sát do đài ABC News và tờ The Washington Post tiến hành trên 1.006 người trưởng thành, trong khoảng thời gian từ ngày 15 - 20.9 vừa qua, người Mỹ đang ngày càng bớt ủng hộ viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo kết quả khảo sát, cứ mỗi 10 người Mỹ trưởng thành thì có 4 người cho rằng chính phủ nước này đang hỗ trợ quá nhiều cho Ukraine.

Theo kết quả thăm dò, 41% người tham gia tin rằng Mỹ đang hỗ trợ quá nhiều Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, tăng từ mức 33% vào tháng 2 và 14% vào tháng 4/2022. Trong khi đó, 50% cho rằng Mỹ đang làm đúng hoặc quá ít, giảm so với mức 60% của tháng 2, và 73% thu được trong những tháng đầu chiến sự ở Ukraine nổ ra.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem