Ứng dụng công nghệ cao giúp gia tăng giá trị ngành thủy sản

Nam Bình Thứ năm, ngày 19/10/2023 16:29 PM (GMT+7)
Nhiều công nghệ mới, hiện đại trong nuôi trồng, giám định, kiểm soát bệnh thủy sản được triển khai áp dụng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Công nghệ cao giúp gia tăng giá trị ngành thủy sản

Theo Ban quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP), định hướng phát triển nông nghiệp của TP.HCM là phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững. TP.HCM sẽ là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng cao.

Ông Lê Văn Cửa - Phó trưởng ban Ban Quản lý cho biết, thủy sản là một trong những lĩnh vực được AHTP tập trung nhiều nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao nhằm gia tăng giá trị.

Theo đó, AHTP đã duy trì và phát triển bộ sưu tập cá cảnh hơn 20 loài cá, với hơn 34 dòng cá; lai tạo thành công một số dòng cá cảnh như dòng cá ông tiên trắng, và dòng cá ông tiên đen.

Cá sóc chuyển gen phát sáng. Ảnh: Nam Bình

Cá sóc chuyển gen phát sáng. Ảnh: Nam Bình

AHTP đã nghiên cứu tạo cá sóc chuyển gen phát sáng huỳnh quang. Cá biểu hiện ánh sáng huỳnh quang màu lục lam và màu đỏ.

Ban quản lý đã sinh sản nhân tạo một số loài cá nước ngọt như giống cá lăng nha, cá trê vàng, trê lai, cá tra, cá điêu hồng, cá lóc; đồng thời hoàn thiện quy trình nuôi tảo và moina làm thức ăn cho cá giống.

Với tôm, AHTP sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực bằng phương pháp vi phẫu, tạo con cái giả và phương pháp tiêm sợi đôi iRNA chuyển giới tính tôm đực, tạo đàn tôm cái.

AHTP áp dụng phương pháp chọn giống di truyền số lượng lai tổ hợp, đánh giá, chọn ra các nguồn vật liệu ban đầu cho chọn giống tôm bố mẹ sạch bệnh (SPF), kháng bệnh (SPR).

Các bộ kit PCR chẩn đoán bệnh trên tôm tại huyện Cần Giờ cũng được nghiên cứu và sản xuất thành công.

Tập trung phát triển vaccine phòng bệnh bệnh đốm trắng cho tôm bằng phương pháp ngâm và cho ăn, cùng nhiều chế phẩm sinh học xử lý môi trường trong nuôi trồng thủy sản cũng đã sản xuất thành công.

Ngoài ra, ATHP còn chuyển giao cho các hộ nuôi ở huyện Cần Giờ, Nhà Bè và Bình Chánh kỹ thuật sản xuất theo quy trình sinh sản nhân tạo cua biển.

Tính chung, Ban quản lý ATHP đã xây dựng 94 mô hình nuôi tôm thâm canh, xen canh; cua giống sinh sản nhân tạo; cá rô phi đơn tính; cá thát lát; 33 mô hình nuôi và sản xuất giống cá cảnh.

Ban quản lý ATHP đã xây dựng 94 mô hình nuôi tôm thâm canh, xen canh. Ảnh: Nam Bình

Ban quản lý ATHP đã xây dựng 94 mô hình nuôi tôm thâm canh, xen canh. Ảnh: Nam Bình

Theo Sở NNPTNT, xác định tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năm 2019, UBND TP.HCM ban hành Quyết định số 1589/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019-2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị.

Năm 2021, UBND TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 2092/QĐ-UBND về Phê duyệt Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghê cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020-2030.

Thống kê của ngành nông nghiệp TP.HCM cho thấy, diện tích nuôi trồng thủy sản từ 6.901ha năm 2015 đã tăng lên 7.154ha năm 2020, và năm 2021 đạt 7.127ha.

Địa bàn nuôi thuỷ sản mặn lợ tập trung chủ yếu ở các huyện Cần Giờ và một phần nhỏ ở Nhà Bè; nuôi thuỷ sản nước ngọt tập trung chủ yếu ở các huyện Củ Chi và Bình Chánh.

Sở NNPTNT đánh giá, nhiều công nghệ mới, hiện đại trong nuôi trồng, giám định, kiểm soát bệnh thủy sản được triển khai áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ngành nông nghiệp và các đơn vị liên quan đã xây dựng mô hình thực hành quản lý tốt trong sản xuất cá cảnh cho 27 cơ sở cá cảnh, đưa mức lợi nhuận tăng lên rõ rệt, giảm tỷ lệ cá chết và hao hụt từ 30% xuống 15%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem