Ứng dụng công nghệ số trong nuôi thuỷ sản: Nhàn thân mà vẫn thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha

Thiên Ngân Thứ sáu, ngày 15/12/2023 09:10 AM (GMT+7)
Việc áp dụng công nghệ cao và kỹ thuật tiên tiến vào nuôi thủy sản (như nuôi cá "sông trong ao"; nuôi cá tuần hoàn; sử dụng các mô hình lồng HDPE thay thế vật liệu truyền thống trong các mô hình nuôi cá lồng...) đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước làm thay đổi bộ mặt ngành nuôi trồng thuỷ sản.
Bình luận 0

Ngày 15/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề "Ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thuỷ sản". Trước đó, các đại biểu đã cùng lãnh đạo địa phương, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thăm mô hình ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thuỷ sản tại xã Ngọc Thiện, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang). 

Nuôi thuỷ sản trở thành nghề chính, đem lại hiệu quả kinh tế cao

Thông tin tại Diễn đàn, ông Dương Văn Long - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên cho biết, Tân Yên là huyện có tiềm năng phát triển thủy sản với tổng diện tích mặt nước trên 1.400 ha, gồm các loại hình đa dạng như ao hồ nhỏ, ruộng trũng, hồ chứa thủy lợi và sông suối. Người dân trên địa bàn đã khai thác tốt lợi thế này vào thâm canh nuôi thuỷ sản với diện tích thả nuôi trung bình hơn 1.000ha/năm, sản lượng đạt trên 7.000 tấn/năm. Đáng chú ý, tỷ lệ nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 46,1% - luôn đứng vị trí cao trong tỉnh (hơn 100ha). 

Một số xã, thị trấn ở Tân Yên đã hình thành các vùng nuôi tập trung theo mô hình trang trại nuôi thủy sản thâm canh có hiệu quả kinh tế cao, nổi bật như vùng nuôi tại thị trấn Cao Thượng quy mô 73ha, xã Việt Lập 84 ha, xã Ngọc Thiện 110 ha, xã Ngọc Châu 119 ha, Hợp Đức 131 ha… 

Ứng dụng công nghệ số trong nuôi thuỷ sản: Nhàn thân mà vẫn thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha - Ảnh 1.

Mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ Biofloc tại xã Thái Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Thoa

Giá trị sản xuất thủy sản trung bình 1ha đạt 180 triệu đồng/năm, ổn định hơn nhiều so với trồng lúa nên người dân yên tâm sản xuất, đầu tư lâu dài và dần trở thành ngành nghề chính đem lại hiệu quả kinh tế cao. Trên địa bàn huyện đã xuất hiện nhiều mô hình doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm như mô hình nuôi cá giống tại xã Ngọc Thiện, Việt Lập; mô hình nuôi cá thâm canh tại thị trấn Cao Thượng, Ngọc Châu, Việt Lập, Ngọc Thiện…

Theo ông Long, thời gian qua đơn vị liên tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhiều mô hình ứng dụng giống mới, nuôi thâm canh được triển khai hiệu quả, đã góp phần định hướng cho người nuôi. 

Theo đó, nhiều hộ đã mạnh dạn áp dụng cơ giới hóa, tự động hóa, số hóa, với trên 15 ha diện tích thủy sản được áp dụng công nghệ tự động hóa trong khâu cho ăn, quạt nước tạo ôxy, góp phần nâng cao sản lượng, năng suất cá thương phẩm...

Cụ thể, tham gia Đề án phát triển trang trại nuôi thủy sản tâm canh cao tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2015 triển khai tại huyện Tân Yên đã có 5 hộ thuộc xã Ngọc Châu, thị trấn Cao Thượng tham gia, với diện tích gần 20ha. Kết quả cho thấy năng suất nuôi cá tại các hộ đạt 15,8 tấn/ha, doanh thu ước đạt trên 300 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với trước khi thực hiện Đề án.

Tiếp đó, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp huyện Tân Yên triển khai Đề án phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh: Mô hình nuôi cá rô phi công nghệ cao BIOFLOC giai đoạn 2020-2025, với 6 hộ tham gia tại 4 xã: Ngọc Châu, TT Cao Thượng, Ngọc Thiện, Liên Chung. 

"Bước đầu, các hộ rất ghi nhận những lợi ích của khoa học công nghệ mang lại, năng suất nuôi tại mô hình tăng từ 10-20%, giảm chi phí từ 5-10%. Nhờ ứng dụng thiết bị cảm biến, tủ điện thông minh, qua hệ thồng camera theo dõi các ao nuôi, chống mất pha, vận hành hệ thống sục khí và quạt nước và chuyển qua điều khiển bằng điện thoại thông minh, máy tính... nên các hộ nuôi đã giảm được nhiều công lao động, hạn chế 50% các rủi ro do thiên tai, địch họa và dịch bệnh; giúp cho công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ đàn thủy sản được thuận lợi hơn" - ông Long thông tin. 

Ứng dụng công nghệ số trong nuôi thuỷ sản: Nhàn thân mà vẫn thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha - Ảnh 2.

Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 70% giống, máy móc, thiết bị; 28% vật tư (chế phẩm, cám). Trước khi thả giống, Trung tâm Khuyến nông tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và phòng trị bệnh cho các hộ và các hộ nuôi thủy sản tiêu biểu trên địa bàn xã Ngọc Thiện. Ảnh: tanyen.bacgiang.gov

Diện tích nuôi giảm, doanh thu tăng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao

Theo báo cáo của Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bắc Giang (Sở NNPTNT Bắc Giang), tính đến hết năm 2023, diện tích mặt nước đã đưa vào nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn đạt 12.050 ha, giảm 200 ha so với cùng kỳ năm 2022. Trong tổng số trên 12.000ha này, diện tích nuôi chuyên canh đạt 6.060 ha, tăng 10 ha so với kế hoạch đề ra và bằng 100,6% so với cùng kỳ. 

Diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh đạt 4.470 ha, cụ thể: Diện tích nuôi thâm canh năng suất cao bình quân 10 tấn/ha là 1.850 ha, diện tích nuôi bán thâm canh năng suất bình quân 5-7 tấn/ha là 2.620 ha.

Với việc phát triển diện tích nuôi năng suất cao, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã giúp cho sản lượng và năng suất cá thương phẩm của nông dân Bắc Giang tăng so với năm 2022. 

Ước tính sơ bộ của Cục Thống kê Bắc Giang cho thấy, sản l­ượng thu hoạch cá thương phẩm năm 2023 ước đạt 54.741 tấn, đạt 102,7% so với kế hoạch năm và đạt 103,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 51.634 tấn, khai thác tự nhiên 3.107 tấn. 

Giá cá thương phẩm tại ao thời điểm này đạt trung bình 40.000 đồng/kg, tăng nhẹ và giữ ổn định so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ đó, lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản đã đem về cho tỉnh 2.129 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân năm đạt 5,27%.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu tham dự cũng phân tích một số khó khăn, thách thức mà nghề nuôi trồng thuỷ sản đang gặp phải. 

Theo TS. Đoàn Quốc Khánh, đại diện Công ty cổ phần khoa học SABIO, những năm gần đây, ngành nuôi trồng thuỷ sản nói chung và nuôi cá nước ngọt nói riêng đang ngày càng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như: Chất lượng con giống còn hạn chế (đặc biệt là cá rô phi đơn tính và cá chép lai); Giá thành đầu vào (trong đó thức ăn là nhân tố chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất) ngày một tăng cao; Hiện trạng sử dụng thuốc, hoá chất kém chất lượng (thậm chí cả các sản phẩm không nằm trong danh mục cho phép; Diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Để giải quyết các vấn đề nêu trên, TS. Đoàn Quốc Khánh cho rằng cần đặc biệt chú trọng việc ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất giống, cung cấp các giải pháp mới trong quản lý dịch bệnh và đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý sức khoẻ vật nuôi. Ngày nay, các sản phẩm vi sinh, các sản phẩm có nguồn gốc thảo dược ngày càng được người chăn nuôi tin dùng bởi những tác dụng bền vững trong các mô hình nuôi. 

Bên cạnh đó, hầu hết các mô hình nuôi công nghiệp đều đã và đang ứng dụng các kiến thức về công nghệ thông tin trong quản lý các chương trình cho ăn, các chỉ tiêu môi trường nước và cũng đã ứng dụng nhiều thiết bị trong việc quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh.

TS. Khánh nhấn mạnh: Dịch bệnh trong nuôi trồng thuỷ sản xảy ra khi và chỉ khi có sự xuất hiện của ba nhân tố gây bệnh, bao gồm nhân tố môi trường, nhân tố mầm bệnh và nhân tố vật chủ. Đồng thời cả ba nhân tố này đều phải phù hợp cho sự phát triển của dịch bệnh, cụ thể là môi trường phải phù hợp cho mầm bệnh phát triển và bất lợi cho động vật thuỷ sản, vật chủ bị giảm sức đề kháng và mầm bệnh đủ lớn về số lượng và độc lực. 

"Vì vậy, để quản lý dịch bệnh, chúng ta cần ngăn ngừa được các yếu tố làm giảm sức để kháng của tôm/cá và áp dụng giải pháp tổng thể để tác động đồng thời vào cả ba nhân tố gây bệnh. Cụ thể: Áp dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến và sử dụng các sản phẩm phù hợp để quản lý và giữ môi trường nuôi ổn định tránh gây sốc cho cá/tôm. Quản lý các chỉ tiêu môi trường trong ngưỡng thích hợp cho đối tượng nuôi và sử dụng định kỳ các sản phẩm giúp tăng cường sức để kháng cho cá tôm (Vitamin, khoáng, thảo dược... Luôn luôn trú trọng ngăn ngừa và loại bỏ mầm bệnh và các nguồn lây bệnh cho tôm/cá" - TS. Khánh khẳng định. 

Về một số giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong nuôi trồng thủy sản thời gian tới, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Bắc Giang cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo mở rộng diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình chăn nuôi thâm canh có hiệu quả, làm tốt công tác khuyến ngư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nuôi thuỷ sản thâm canh và bán thâm canh... 

Tiếp tục triển khai mở rộng các mô hình nuôi thủy sản áp dụng chuyển đổi số, tự động hóa các khâu trong sản xuất, đồng thời thực hiện hiệu quả "Đề án Phát triển tự động hóa trong nuôi thủy sản thâm canh tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 – 2025" để nhân rộng và nâng cao giá trị.

Tiếp tục nâng cấp, xây dụng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thủy sản nhằm số hóa các cơ sở sản xuất, nuôi trồng thủy sản đến huyện, xã, thôn, hộ để nắm bắt tình hình, chỉ đạo, quản lý kịp thời và hiệu quả và đáp ứng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tập trung sản xuất thủy sản theo quy hoạch bản đồ số hóa vùng sản xuất tập trung của tỉnh giai đoạn 2020- 2030, triển khai đồng bộ các biện pháp phát triển hạ tầng như: hệ thống ao nuôi, hệ thống thủy lợi, hệ thống điện. Kết nối số hóa thông tin, xúc tiến thương mại, sàn giao dịch điện tử…; cơ cấu lại khâu tiêu thụ, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho người dân... 

Một số mục tiêu ngành thuỷ sản tỉnh Bắc Giang đề ra đến năm 2025

Tổng diện tích nuôi thủy sản đến năm 2025 của tỉnh Bắc Giang đạt 12.700 ha, diện tích nuôi chuyên canh đạt 6.200 ha; trong diện tích nuôi thủy sản chuyên canh, diện tích nuôi thâm canh đạt 2.000 ha, bán thâm canh 3.000 ha; mở rộng diện tích nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt tiêu chuẩn VietGAP đến năm 2025 đạt 1.000 ha (tỷ lệ 50 % diện tích nuôi thâm canh).

Tổng sản lượng thủy sản đến năm 2025 đạt 55.000 tấn; trong đó sản lượng thủy sản nuôi là 52.000 tấn, sản lượng thủy sản khai thác là 3.000 tấn.

Giá trị sản xuất thủy sản tính theo giá cố định đến năm 2025 đạt 1.600 tỷ đồng, đạt tốc độ tăng bình quân về giá trị sản xuất trên 6,0 %/năm. Tạo công ăn việc làm cho 34.000 lao động.

Sản lượng các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao gồm chép lai, rô phi đơn tính, trắm cỏ, chim, cá nước lạnh, các loài thủy đặc sản như ba ba, ếch… chiếm 80 % tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh, trong đó đối tượng chủ lực là cá rô phi đơn tính. Tập trung việc mở rộng hình thức sản xuất và tiêu thụ cá sạch cho các thị trường tiềm năng như Hà Nội,Bắc Ninh, Lạng Sơn... Phát triển các vùng nuôi cá cảnh, phục vụ nhu cầu khác ngoài mục đích thực phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem