YMC-Viet hướng tới thành phần nông dân trồng lúa ở vùng nông thôn, không biết đọc, biết viết. 30 em học sinh có cha, mẹ là những nông dân có trình độ thấp ở xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, được chọn thực hiện thí điểm.
Hằng ngày, các em sẽ kiểm tra nhiệt độ, ẩm độ, chiều cao, chụp hình tình trạng phát triển của cây lúa… rồi gởi về hệ thống bằng điện thoại di động. Kèm với việc theo dõi quá trình phát triển của cây lúa, các em sẽ hỏi thêm ý kiến và những thắc mắc của cha mẹ xung quanh hiện tượng mình phát hiện được rồi chú thích vào sổ.
Tại các buổi sinh hoạt ở Trung tâm văn hóa xã, các thiếu nhi tham gia dự án sẽ nhập dữ liệu đã thu thập được vào hệ thống YMC-Viet đã được đầu tư đầy đủ. Các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản phân tích, trả lời. Hệ thống sau đó sẽ dịch sang tiếng Anh và Tiếng Việt, các chuyên gia Việt Nam tham gia hiệu đính để phù hợp với trình độ và khả năng của các em. Thông qua những thành viên nhí này, thông tin về khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong việc trồng, chăm sóc lúa… sẽ được chuyển đến nông dân.
Theo ông Triệu Văn Hùng - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), ở nước ta nông nghiệp là một ngành nghề ít được đào tạo, chủ yếu hoạt động theo hình thức "cha truyền con nối". Do đó, dự án YMC-Viet sẽ là cơ hội để nông dân Việt được đào tạo bài bản.
Dự án kéo dài trong 4 tháng với nguồn vốn khoảng 76 triệu Yên do Chính phủ Nhật Bản tài trợ. 15 chuyên gia nông nghiệp từ sáu trường Đại học, Viện Nghiên cứu của Nhật cùng tham gia. Sau khi kết thúc, các chuyên gia sẽ tiến hành lượng giá để tiếp tục triển khai mô hình ở các vùng khác tại Việt Nam.
Thuận Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.