Bệnh nhân cho biết trước đó vài tháng bị sưng tinh hoàn phải và tự hết. Khi khám tinh hoàn phải, bác sĩ phát hiện một khối u cứng, không đau, và có lẽ vì điều này mà bệnh nhân chủ quan không đi khám bệnh, khiến ung thư di căn đi nơi khác.
Căn bệnh có nhiều ngộ nhận
Khó trách được bệnh nhân, vì không ít người cũng chủ quan như thế, mặt khác người ta vẫn nhầm tưởng bộ phận nhỏ xíu và kín đáo như thế của nam giới khó bị ung thư. Nhưng có lẽ nhiều người biết rằng Lance Armstrong, tay đua bảy lần vô địch liên tiếp Tour de France, từng bị UTTH. Anh đã được hoá trị, phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn bị ung thư và khối u đã di căn đến não.
Lance Armstrong đã kiên cường chống lại bệnh UTTH di căn lên não và phổi.
Thật tình giới thể thao không chỉ có mỗi mình Lance Armstrong bị UTTH, mà còn nhiều vận động viên nổi tiếng khác như Ebbe Sand, tiền đạo người Đan Mạch, từng chơi cho Borussia Dortmund (Đức) và vua phá lưới Bundesliga 2001. May mắn cho họ là tuy bị ung thư nhưng chỉ là UTTH, một loại ung thư có nhiều khả năng chữa trị khỏi, dù ở giai đoạn muộn.
Theo TS.BS Nguyễn Hoàng Đức, trưởng khoa tiết niệu bệnh viện đại học Y dược TP.HCM, UTTH là một trong những ung thư hay gặp nhất ở nam giới từ 15 – 35 tuổi, chiếm khoảng 1% tổng số các loại ung thư ở nam giới mọi lứa tuổi.
Đây là một trong những loại ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao. Năm 2017, ở Mỹ chỉ có 400 người chết vì căn bệnh này, một con số rất nhỏ so với các ung thư khác, và tỷ lệ sống sót sau năm năm của UTTH là 95% (nghĩa là 100 người bị UTTH thì khi được điều trị sẽ có 95 người còn sống sau năm năm).
So với một số bệnh ung thư khác như ung thư phổi tỷ lệ sống sau năm năm là 1 – 49%, hay ung thư dạ dày là 4 – 71% tuỳ giai đoạn, thì UTTH quả tình nhẹ hơn nhiều. Vì thế, nếu Armstrong mà bị ung thư phổi, ung thư gan… thì anh ta sống sót đã là may mắn, chứ đừng nói đến chuyện đạp xe chiến thắng Tour de France.
Trong đời hành nghề, TS.BS Nguyễn Thành Như phát hiện bệnh nhân bị UTTH lớn tuổi nhất là 47 tuổi, trên 30 tuổi rất hiếm. Ông nói: “Những người có bệnh tinh hoàn ẩn bẩm sinh – tinh hoàn không nằm trong bìu mà nằm trong bụng – có nhiều khả năng bị UTTH hơn người khác, cho dù có mổ kéo tinh hoàn từ bụng xuống bìu thì những tinh hoàn này vẫn dễ bị ung thư. Cho đến nay y học vẫn chưa rõ vì sao tinh hoàn lại bị ung thư nên chưa có biện pháp phòng ngừa. Có một điều chắc chắn là đạp xe đạp hay tập thể thao không hề làm tăng nguy cơ UTTH như một số người vẫn tưởng”.
Nam giới cần tầm soát bệnh hàng ngày
Theo bác sĩ Như, UTTH thường là một khối cứng nằm trong bìu mà không có triệu chứng gì cả. Do vậy, nam giới hễ sờ thấy cục cứng trong bìu thì nên đi khám bác sĩ ngay, đừng chủ quan. Một số người có thể gặp thêm triệu chứng như đau tinh hoàn (như Lance Armstrong từng có) hay… vú nở to.
Tuy nhiên, có một điều may mắn là UTTH thường dễ phát hiện bằng siêu âm và bằng các chất đánh dấu ung thư chuyên biệt. BS Như giải thích: “Tế bào ung thư của một số loại ung thư như UTTH, ung thư gan, ung thư tuyến tiền liệt tiết vào trong máu một số chất đặc biệt gọi là chất đánh dấu ung thư. Thử máu tìm những chất này sẽ giúp chẩn đoán ung thư và theo dõi diễn tiến của bệnh”.
Đối với UTTH, các chất đánh dấu là AFP, beta-hCG, lactic dehydrogenase (LDH) và phosphatase kiềm. Ngoài ra việc chụp CT bụng, ngực và não giúp phát hiện xem ung thư có chạy đến hạch trong bụng, phổi hay não chưa. Trường hợp Lance Armstrong là ung thư đã di căn đến phổi và não.
Nhờ những tiến bộ y học, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất thuốc chữa ung thư mà UTTH từ chỗ bị coi là chết, thành chỗ có thể trị khỏi dễ dàng. BS Như khẳng định, nếu phát hiện sớm UTTH thì có thể trị khỏi hơn 90% trường hợp, còn phát hiện trễ như Lance Armstrong thì tỷ lệ khỏi bệnh cũng lên tới 60%.
Để phòng ngừa và phát hiện sớm UTTH, BS Nguyễn Hoàng Đức khuyên nam giới nên tự khám tinh hoàn hàng ngày. Nếu thấy xuất hiện khối cứng bất thường ở tinh hoàn, phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa tiết niệu hoặc nam khoa để được chẩn đoán và can thiệp sớm. Thực tế phần lớn nam giới ngại khám sức khoẻ tầm soát nên khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn trễ. Một số trường hợp bị tinh hoàn ẩn đã chuyển thành ung thư khiến việc điều trị trở nên phức tạp.
Bệnh nhân vẫn có con bình thường
Dù tình hình bệnh ung thư ở nước ta đang gia tăng, nhưng TS.BS Nguyễn Thành Như khuyến cáo nam giới không nên quá sợ UTTH như những loại ung thư khác, vì bệnh có thể chữa khỏi hẳn. Đặc biệt là sau khi trị xong (xạ trị, hoá trị) bệnh nhân UTTH vẫn có thể có con bình thường. Bằng chứng là Lance Armstrong có đến… ba đứa con!
|
Bình Yên (Thế Giới Tiếp Thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.