Ứng viên duy nhất đủ tiêu chuẩn xét chức danh Giáo sư ngành Giao thông Vận tải năm 2023

Tào Nga Chủ nhật, ngày 22/10/2023 06:54 AM (GMT+7)
Ở ngành Giao thông Vận tải, có một ứng viên duy nhất đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh Giáo sư là ông Nguyễn Ngọc Long, hiện công tác tại Trường Đại học Giao thông Vận tải.
Bình luận 0

 Ứng viên duy nhất đủ tiêu chuẩn xét chức danh Giáo sư ngành Giao thông Vận tải

Hội đồng Giáo sư Nhà nước mới đây vừa công bố danh sách các ứng viên được Hội đồng Giáo sư ngành/liên ngành đề xuất đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh GS, PGS năm 2023. Theo đó có 648 ứng viên trong danh sách này đến từ 28 HĐGS ngành.

Trong danh sách ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đợt này, bên cạnh ngành Khoa học An ninh, có một ứng viên đủ tiêu chuẩn xét công nhận chức danh GS là ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, thì ở ngành Giao thông Vận tải cũng chỉ có một người. 

Ứng viên duy nhất đủ tiêu chuẩn xét chức danh Giáo sư ngành Giao thông Vận tải năm 2023 - Ảnh 1.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long. Ảnh: Thanh Hùng

Ứng viên đủ tiêu chuẩn xét chức danh Giáo sư ngành Giao thông Vận tải là PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long, hiện là hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải. 

Ông Nguyễn Ngọc Long sinh năm 1963. Ông nhận bằng Tiến sĩ năm 2001 và được xét chức danh Phó giáo sư năm 2006, chuyên ngành Xây dựng Cầu Hầm. 

Từ năm 2011 đến nay, ông là thành viên Hội đồng Giáo sư cơ sở Đại học Giao thông Vận tải; thành viên Hội đồng Giáo sư ngành Giao thông Vận tải.

PGS. TS. Nguyễn Ngọc Long là chủ biên 3 giáo trình về thiết kế cầu; 57 bài báo khoa học, trong đó có 44 bài báo tạp chí trong nước và 13 bài báo hội thảo và tạp chí quốc tế. Ông thành thạo tiếng Anh, tiếng Pháp.

Ở danh sách Hội đồng Giáo sư ngành Giao thông Vận tải tháng 10/2023, có tất cả 20 ứng viên đủ tiêu chuẩn xét chức danh GS, PGS. Có 6 ứng viên bị loại khỏi danh sách (danh sách tháng 8/2023 có 26 ứng viên) vì nhiều lý do khác nhau xoay quanh các tiêu chí xét công nhận chức danh hoặc xin rút hồ sơ.

Ứng viên trẻ nhất xét chức danh PGS là Võ Duy Hùng, sinh năm 1986, hiện công tác tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng.

Trước đó, Hội đồng Giáo sư nhà nước ban hành công văn thông báo Lịch xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2023. Từ 25-31/10, Hội đồng Giáo sư nhà nước sẽ họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm nay.

Năm 2022, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước đã ký quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đối với 383 ứng viên. Trong đó, có 34 GS, 349 PGS. Theo thống kê, năm 2022, ngành Kinh tế đứng đầu về số lượng GS, PGS mới với 48 người (3 GS, 45 PGS), tiếp theo tới các ngành Hóa học - Công nghệ thực phẩm (1 GS, 43 PGS; Y học (7 GS, 36 PGS). Ngành Tâm lý học không có GS, PGS. Một số ngành cũng có rất ít ứng viên được công nhận trong năm 2022 như Luyện kim (1 PGS); Ngôn ngữ học (2 PGS); Sử học - Khảo cổ học - Dân tộc học (1 GS, 1 PGS); Văn học (3 PGS).

Giáo sư trẻ nhất năm 2022 là ông Lê Văn Cảnh, ngành Cơ học. Ông Cảnh sinh ngày 11/11/1979; quê Quảng Nam; đang là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra, 2 người khác cũng sinh năm 1979, cùng được công nhận giáo sư trẻ nhất là ông Chu Mạnh Hoàng (Đại học Bách khoa Hà Nội) và ông Nguyễn Ngọc Minh (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội).

Phó giáo sư trẻ nhất là ông Đoàn Văn Trường, sinh ngày 14/04/1989, thuộc ngành Xã hội học; công tác tại Trường ĐH Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. Có 1 phó giáo sư sinh năm 1989 khác cũng được công nhận trong năm 2022 là ông Phạm Minh Quân, phó giáo sư ngành Hóa học, công tác tại Viện Hóa học các Hợp chất thiên nhiên, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem