Uống rượu bia xong dắt xe máy có bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn?

Quang Minh Thứ năm, ngày 09/03/2023 06:39 AM (GMT+7)
Trường hợp lái xe máy xuống xe và dắt xe nhằm trốn tránh sự kiểm tra của cảnh sát giao thông thì hành vi trên được coi là hành vi đối phó và có thể bị xử lý về mặt hành chính…
Bình luận 0

Câu hỏi:

Bữa trưa tôi sử dụng rượu bia, trên đường đi về nhà thấy chốt CSGT kiểm tra nồng độ cồn tôi đã nảy ra ý định xuống xe dắt xe máy đi qua chốt. Xin hỏi, với trường hợp này, cảnh sát giao thông có được phép kiểm tra hoặc yêu cầu tôi thổi nồng độ cồn hay không? Nếu tôi đo nồng độ cồn thì có thể sẽ bị xử phạt như thế nào?

Độc giả Nguyễn Quang Hưng, 27 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội hỏi:

Trả lời:

Luật sư Ma Văn Giang, Công ty Luật TNHH Niềm Tin Công Lý – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.

Tại điểm a khoản 1 Điều 16 Thông tư số 65/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung và quy trình tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông cụ thể như sau: 

Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Tuy nhiên, theo luật sư Giang, trường hợp, cá nhân đã sử dụng rượu bia, các chất có cồn hoặc chất kích thích khác mà không trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông ví dụ như dắt xe máy thì không bị xử phạt. 

Mặt khác, nếu cá nhân có hành vi sử dụng rượu bia, các chất có cồn và chất kích thích khác điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà hành vi điều khiển phương tiện đó đã bị cơ quan chức năng thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ ghi thu được sau đó người điều khiển phương tiện là xe máy xuống xe và dắt xe nhằm trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng thì hành vi trên được coi là hành vi đối phó và có thể bị xử lý về mặt hành chính.

Uống rượu bia xong dắt xe máy có bị CSGT kiểm tra nồng độ cồn? - Ảnh 2.

Lực lượng CSGT tăng cường kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Hiện nay, mức xử phạt vi phạm hành chính do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu bia, chất có cồn là rất nghiêm khắc, đối với cá nhân điều khiển phương tiện tham gia giao thông là xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy có các mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở theo quy định tại điểm c khoản 6 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. 

Ngoài hình thức phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng theo quy định tại điểm đ khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng theo quy định tại điểm e khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở theo quy định tại điểm e khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP. 

Người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng theo quy định tại điểm g khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Ngoài ra, để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền được phép tạm giữ phương tiện trước khi ra quyết định xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) đối với những hành vi vi phạm được quy định tại điểm c khoản 6, điểm c khoản 7, điểm e khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem