Uống rượu tùy tiện dễ ngộ độc, tử vong

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 23/03/2018 06:36 AM (GMT+7)
Trong 5 năm (2013-2017) cả nước đã có 28 vụ ngộ độc rượu, làm 193 người mắc, 179 người đi viện và 34 người chết. Các ca mắc và tử vong chủ yếu là ngộ độc rượu methanol, nhưng cũng không ít ca do uống rượu ngâm các loại cây thuốc không rõ nguồn gốc.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Hùng Long  – Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nhờ tuyên truyền, tình hình ngộ độc rượu có xu hướng giảm từ 40 vụ năm 2013 xuống còn hơn 10 vụ năm 2016. Tuy nhiên, đến năm 2017 tình hình lại phức tạp trở lại với hơn 10 vụ ngộ độc rượu và tới 119 người mắc, 115 người đi viện và 11 người chết.

img

Bệnh nhân nghi ngộ độc rượu được cấp cứu tại bệnh viện ở Quảng Nam.  Ảnh: I.T

Các loại rượu gây ngộ độc chủ yếu là rượu có methanol cao (7 vụ, 106 người mắc, 23 người tử vong), tiếp đó là rượu trắng (với 2 vụ, 5 người mắc, 1 người chết). Ngoài ra có không ít vụ ngộ độc do người dân uống các loại rượu ngâm thuốc (5 vụ, 28 người mắc, 1 người chết), rượu ngâm cây rừng độc (có 11 vụ, 49 người mắc, 6 người chết), rượu ngâm củ ấu (3 vụ, 5 người mắc, 3 người tử vong)…

Bệnh viện Bạch Mai cũng cấp cứu không ít ca ngộ độc do uống rượu ngâm. Cụ thể như tháng 10.2017, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã cấp cứu 7 trường hợp ngộ độc rượu ngâm trong bữa liên hoan mừng nhà mới của một gia đình ở xã Trọng Quan (Đông Hưng, Thái Bình). Chủ nhà là ông Vũ Tiến Hồi cũng bị ngộ độc rượu, nhưng đã được cấp cứu kịp thời. Ông Hồi cho biết, rượu ông tự ngâm với gói quả khô mua ở Lạng Sơn, ngoài táo mèo còn có chuối rừng và cà gai.

Sau điều trị nhiều ngày, rất may không ai tử vong, tuy nhiên di chứng còn khá lâu dài. TS Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng quản lý ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết 7 người ở Thái Bình bị ngộ độc sau khi uống rượu là do nhóm độc tố alcaloid. Loại độc tố này có ở trong cà độc dược (cà gai) ngâm trong rượu. Kiểm tra methanol trong rượu mà 7 nạn nhân uống ở bữa tiệc cho kết quả âm tính.

Lương y Vũ Quốc Trung  (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, cà độc dược rất dễ nhầm lẫn với cà gai. Cà gai thường được cho là tốt cho gan, giúp hạ men gan. Còn cà độc dược có độc tính khá cao, trong đó có thành phần alkaloid dễ gây ảo giác, mê sảng. Nếu uống phải rượu ngâm cà độc dược thì người dân dễ bị ngộ độc.

Theo lương y Trung, rượu ngâm các bộ phận nội tạng, bào thai động vật cũng có nguy cơ gây ngộ độc rất lớn vì nội tạng, bào thai có thể ôi thiu, phân hủy, nhiều nấm mốc hoặc có chất độc, nhẹ thì gây rối loạn tiêu hóa mà nặng có thể dẫn đến chết người. Ngoài ra, động vật có thể bị bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan sang người.

“Rượu thuốc, rượu ngâm không phải ai uống cũng khỏe, cũng tốt, uống đâu bổ đấy như lời chèo kéo, đồn thổi của người bán. Vì mỗi người cơ địa khác nhau, bệnh trạng cũng khác nhau. Do đó, nếu muốn dùng rượu thuốc thì nên đi khám đông y để được các lương y chẩn đoán, bốc thuốc đúng bệnh. Hơn nữa, rượu thuốc dù bổ đến đâu cũng chỉ uống một liều lượng nhất định, nếu uống cho say, cho đã thì chỉ hại người” – lương y Trung nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rượu là nguyên nhân của 1% vụ đánh nhau, giết nhau, 33 vụ hiếp dâm, 18% vụ tai nạn giao thông và 60 loại bệnh liên quan đến thói quen sử dụng rượu bia như gan, dạ dày, tim mạch. Theo số liệu của Viện Sức khỏe tâm thần T.Ư, tỷ lệ điều trị tâm thần do rượu chiếm 5-6% số bệnh nhân tâm thần và đang có xu hướng gia tăng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem