Tổng kết nông nghiệp 2021: Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nêu lý do vải thiều đạt 1.400 tỷ đồng khi lên sàn
Tổng kết nông nghiệp 2021: Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nêu lý do vải thiều đạt 1.400 tỷ đồng khi lên sàn
Khương Lực
Thứ tư, ngày 29/12/2021 09:51 AM (GMT+7)
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành NNPTNT năm 2021 sáng 29/12, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhận định, việc đưa nông sản, trong đó có vải thiều lên sàn thương mại điện tử giúp giá trị tăng gấp đôi, trong khi tỉnh Lai Châu cho biết đang tập trung nâng cao giá trị sâm Lai Châu.
Sáng 29/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết ngành NNPTNT năm 2021 và triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2022.
Phát biểu tại hội nghị, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương thông tin, nhờ đưa vải thiều và hơn 300 sản phẩm nông sản, OCOP lên sàn thương mại điện tử, giá trị đã tăng từ 600 tỷ đồng năm 2020 lên 1.400 tỷ đồng năm 2021.
"Nền tảng công nghệ số là rất cần thiết trong nông nghiệp, hiệu quả về kinh tế rõ ràng" - ông Hùng nói và cho biết đó là một ví dụ về việc tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp tăng thu về kinh tế mà còn góp phần quảng bá văn hóa ẩm thực của Hải Dương cũng như Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Theo ông Hùng, tỉnh Hải Dương đã xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi gắn với xây dựng nông thôn mới với các trụ cột: nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, sản xuất nông nghiệp tỉnh Hải Dương lại là một điểm sáng với mức tăng trưởng 6,9%, đặc biệt sản xuất vụ đông năm 2021 đạt mức tăng trưởng 8,7%.
Trong thời gian tới, tỉnh Hải Dương chủ trương cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hàng hóa tập trung, xây dựng và khẳng định thương hiệu đưa trong nước và thế giới.
Liên quan đến vấn đề chuyển đổi số trong nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ NNPTNT đã thành lập Ban chỉ đạo của Bộ do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan làm Trưởng ban.
"Bộ đã họp 3 cuộc và chuẩn bị ban hành kế hoạch vận hành trong năm 2022" - Thứ trưởng Tiến nói.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá, vụ vải ở Hải Dương và Bắc Giang có tổng sản lượng trên 340.000 tấn.
Các tỉnh đã đưa lên sàn điện tử và các phương thức bán hàng khác nên vải thiều có mặt ở các thị trường quan trọng như: Mỹ, Đức, Úc, Nhật Bản...
Điều này cho thấy việc chuẩn bị cho chuỗi ngành hàng của các địa phương là rất quan trọng, từ việc chăm sóc, thu hoạch, dán nhãn, luồng xanh và xúc tiến thương mại ở các nước.
Một trong những nội dung các tỉnh đề xuất là việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều đề án về sản xuất hàng hóa tập trung, phát triển những mặt hàng nông, lâm, thủy sản đăc thù, đặc hữu, dựa trên nguồn lực của tỉnh.
Hiện tốc độ phát triển nông nghiệp Lai Châu đứng tốp đầu của đất nước, vào khoảng 5%. Trong đó, tỉnh có những mặt hàng chủ lực như chè, quế, và đặc biệt là mắc ca.
Thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển thêm chăn nuôi đại gia súc, và phát triển kinh tế dưới tán rừng như sâm Lai Châu, hoa địa lan. Vừa qua, cùng sự phối hợp với Bộ NNPTNT, tỉnh Lai Châu đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư, thu hút được khoảng 1.000 tỷ vốn đầu tư
Để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuẩn hóa gắn với chế biến sâu nông, lâm, thủy sản, tháo gỡ ùn tắc tại cửa khẩu, ông Trần Tiến Dũng kiến nghị Thủ tướng ban hành Đề án phát triển cây mắc ca, bởi đây là cây lâm nghiệp đa mục đích, rất phù hợp với thổ nhưỡng Lai Châu.
Cùng với đó, ông kiến nghị Bộ NNPTNT và các đơn vị liên quan hỗ trợ tỉnh phát triển các trung tâm giống, các công nghệ, kỹ thuật, quy trình canh tác, đặc biệt với sản phẩm sâm Lai Châu.
"Với riêng Lai Châu, sản phẩm sâm Lai Châu thuộc nhóm IIA, đảm bảo đủ chất lượng sản xuất trên quy mô lớn, được chuyên gia Hàn Quốc đánh giá giá trị tốt" - ông Dũng nói.
Trong năm 2021, ngành NNPTNT đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là sự tác động lớn của dịch bệnh Covid-19, tạo nên bước tăng trưởng vượt bậc, đạt mục tiêu kép - vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, vừa đẩy mạnh sản xuất, phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt mức kỷ lục 48,6 tỷ USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.