Vải thiều Việt vướng trở ngại từ “niềm tin Mỹ”

Lê Huyền (từ Mỹ) Thứ sáu, ngày 03/07/2015 07:00 AM (GMT+7)
Rất ít người tiêu dùng Mỹ biết tới vải thiều Việt Nam và nếu có biết, họ cũng nhìn với ánh mắt nghi ngại - như cái nhìn vốn có của họ với nông sản nước ngoài, khi mà các tiêu chuẩn trồng và đóng gói không thể kiểm soát được. Đó là trở ngại chính của trái cây ngoại khi thâm nhập thị trường này.
Bình luận 0

Thông tin mù mờ

Chị Marla Rose- tới từ bang New Jersey, dừng chân mua vải thiều ở cửa hàng số 145 Mott Street. Chị cho biết đây là loại hoa quả ưa thích của chị vì vị ngọt dịu, dễ ăn. Tới mùa vải thiều, hầu như ngày nào chị cũng mua 1-2 pound (450-900gr) cho cả gia đình thưởng thức.

img
Chị Marla Rose- tới từ New Jersey mua vải thiều trên phố Mott, China Town.  Ảnh: Lê Huyền
Tuy nhiên, khi nghe tôi nói vải thiều Việt Nam thậm chí ngon hơn loại vải thiều chị đang ăn thì Marla khá ngạc nhiên và nói: “Tôi chưa từng nghe Việt Nam có vải thiều”. Tôi mô tả quả vải thiều Việt Nam cùi dày, hạt nhỏ và thơm, chị Marla bày tỏ: “Nếu hàng Việt Nam có bán ở đây, tôi cũng ăn thử xem”.

Ông Clay Risen- nhà báo của New York Times- tờ nhật báo hàng đầu ở thành phố New York cho biết, báo này đưa rất nhiều thông tin nhiều về hoa quả, trong đó có vải thiều nhưng thông tin về quả vải Việt Nam thì hầu như chưa có.

Điều đó cũng khá dễ hiểu, cả vụ vải thiều ở Việt Nam vừa qua mới có 5 tấn vải thiều nhập khẩu vào Mỹ, con số đó như muối bỏ bể so với hàng trăm tấn vải thiều tiêu thụ hàng ngày ở New York.

Phải rất khó khăn, tôi mới tiếp cận được chị Amy Chan-chủ một cửa hàng hoa quả nhỏ trên phố Madison (gần cầu Brooklyn, New York) về việc mua vải thiều. Chị cho biết, ngay từ đầu tháng 6, các chủ trang trại đã thông báo tới từng điểm nhập hàng về các loại vải, ngày cắt, số lượng vải cắt bán hàng ngày. Từ thông tin này, chị lại thông báo tới khách hàng của mình trực tiếp tại cửa hàng hoặc online (đặt hàng qua mạng). Trường hợp khách đặt hàng qua mạng Internet, họ có thể nhấn vào sản phẩm là biết ngay vải thiều này là từ trang trại nào. Điều này thì các nhà vườn ở Việt Nam chắc khó có thể đáp ứng.

Gây dựng niềm tin

Có một xu hướng dễ nhận thấy là, người tiêu dùng Mỹ rất ủng hộ nông sản trong nước. Lý do là họ có thể yên tâm về tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, đồng thời hàng hóa trong nước có thể đảm bảo được độ tươi ngon. Vì thế, giá hoa quả, rau cỏ made in USA bao giờ giá cũng cao hơn sản phẩm cùng loại một chút. Trên toàn nước Mỹ có khoảng hơn 2 triệu trang trại các loại, trong đó trang trại trồng rau hoa quả chiếm khoảng 10% với diện tích trung bình 1 trang trại khoảng 444ha. Nhiều trang trại ở khu vực có khí hậu ấm áp chuyển sang trồng hoa quả nhiệt đới, nên ở Mỹ hiện loại hoa quả nhiệt đới nào cũng có hàng nội địa. Vào chính vụ, hàng cũng “dội chợ” y như ở Việt Nam nên các chủ trang trại thường chủ động tìm mối hàng trước khi thu hoạch. Chẳng hạn như thanh long nghịch vụ ở Mỹ, giá có thể lên tới 5 USD/kg, trong khi giá chính vụ chỉ khoảng 1-2 USD/kg.

Để tìm hiểu nhưng tiêu chuẩn cơ bản của nông sản Mỹ, PV NTNN có dịp tiếp cận ông Win Cossaboon- tới từ trang trại Kernan Farm, Bridgeton, New Jersey. Trang trại của ông cách trung tâm thành phố New York 130 dặm. Sản phẩm chính từ trang trại này là rau, củ nhưng ông cũng trồng thêm một số loại hoa quả như cherry, dâu tây. Ông cho biết, tất cả các nông sản trồng trong trang trại ở Mỹ đều bị kiểm soát bởi Cơ quan Kiểm định liên bang và phải tuân thủ theo một quy chuẩn chung nhất. Ví dụ như xịt thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thì trong trang trại của ông chỉ có 1 người, và người đó phải có chứng chỉ về xịt thuốc do Chính phủ cấp (phải học một khóa về sử dụng thuốc BVTV mới được cấp chứng chỉ này). Khi làm việc, người này phải tuân thủ theo các quy định về sử dụng thuốc BVTV.

Từ góc nhìn khác, anh Võ Đức Minh, chủ dãy hàng hoa quả trên phố Canal (China Town) bày tỏ: “Chúng ta chưa có kinh nghiệm bảo quản hoa quả. Cụ thể như sầu riêng, chúng tôi đã từng bán sầu riêng của Việt Nam nhưng rồi phải chuyển mối hàng qua Thái Lan vì – muốn để được lâu- các nhà vườn Việt Nam hái sớm quá nên khi khui hàng có quả ngon, có quả bị sượng, chất lượng không đều. Trong khi đó sầu riêng Thái Lan họ hái khi vừa chín tới, bảo quản trong hộp xốp chuyên dụng nên hàng tới đây 10 quả ngon và đều như nhau cả 10. Vì thế, họ gây dựng được niềm tin”.

Anh Minh cũng phàn nàn thêm, nhiều chủ hàng ở Việt Nam xuất hàng sang Mỹ những chuyến hàng đầu là chuẩn, nhưng tới chuyến thứ 3-4 thì thường hay có lẫn hàng loại 2-3 vào hàng loại 1. “Điều này gây khó cho chủ hàng ở Mỹ vì họ lại phải phân loại quả theo cỡ, bán theo giá tiền, họ dẹp luôn không mua hàng của mình cho khỏe”- anh Minh chia sẻ.

Khi trao đổi với PV NTNN, một số chủ hàng, người bán hàng cho biết sẵn sàng cung cấp thông tin về thị trường hoặc thông tin về các đầu mối nhập hàng hoa quả cho các doanh nghiệp Việt Nam có nhu cầu gồm: 
Anh Võ Đức Minh (Cái Bè, Tiền Giang), bán hàng tại New York, điện thoại: 9292384766.
Anh Hứa Văn Hưng, bán hàng tại Virginia (Washington D.C) email: anhuava@gmail.com, điện thoại 7035382054.
Chị Én, anh Kim Mỳ, chủ kho hàng hoa quả ở New York: 7183301188.
Anh Andy, chủ kho hàng hoa quả ở New York: 3476726646. 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem