Vấn đề ở biển Đông làm "nóng" nghị trường

Thứ hai, ngày 02/06/2014 11:38 AM (GMT+7)
Vấn đề Biển Đông được tất cả các đại biểu Quốc hội đề cập một cách sâu sắc làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận sáng nay về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách năm 2013 và những tháng đầu năm 2014.
Bình luận 0
Vấn đề Trung Quốc ngang nhiên đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam đều được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) lên án đồng thời đề xuất các giải pháp.

Nhiều ý kiến ĐB đã đánh giá cao sự đồng lòng của nhân dân trong việc lên án hành vi sai phạm của Trung Quốc. Bên cạnh đó các ý kiến cũng đồng tình cao với các giải pháp của Chính phủ như đấu tranh ngoại giao, chính sách cho ngư dân vay vốn đóng tàu ra khơi đánh bắt cá và góp phần bảo vệ chủ quyền.

ĐB Vũ Chí Thực (Quảng Ninh) nêu ý kiến: "Lợi dụng việc nhân dân ta tuần hành phản đối hành vi trái phép của Trung Quốc, các thế lực thù địch và phần tử xấu đã lợi dụng kích động gây ra những vụ việc phức tạp như ở Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh. Trước tình hình hiện nay bên cạnh đẩy mạnh hội nhập cần chú ý xây dựng nội lực, xây dựng nền quốc phòng, an ninh vững mạnh".

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) thì cho rằng kỳ họp Quốc hội lần này diễn ra trong bối cảnh đặc biệt. Thứ nhất là Việt Nam đang đẩy mạnh tham gia các hiệp định tự do thương mại, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ hai là việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam, việc làm được dự báo nếu không được ngăn chặn sẽ tác động trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc.

"Ở góc độ kinh tế Việt Nam đang đứng trước đòi hỏi mới trong duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, đồng thời tăng cường các biện pháp hạn chế quá lớn vào thị trường Trung Quốc" - ĐB Lộc nói.

ĐB Lộc tiếp tục phân tích, từ bối cảnh này, việc tham gia các hiệp định tự do thương mại mới, mở rộng và đa dạng hơn.

Hiện nay Trung Quốc là nhà thầu của rất nhiều công trình ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, nếu mở rộng thương mại sang Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc... thì chúng ta sẽ có điều kiện nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị với giá hợp lý hơn từ các nền kinh tế phát triển, phần nào có thể cạnh tranh được với hàng từ Trung Quốc.

"Hiện nay gạo, cao su, nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, vẫn biết rằng giá xuất khẩu sang Trung Quốc rẻ mạt, luôn có những rủi ro nhưng ta chưa có nền công nghiệp chế biến phát triển, chưa vào được những thị trường khó tính và tiềm năng" - ĐB Lộc nói thêm.

ĐB Lộc cho rằng có ý kiến lo ngại về các hành động trả đũa ngược từ phía Trung Quốc khi tình hình Biển Đông đang căng thẳng và leo thang như đóng cửa biên giới, dừng hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam, tuy nhiên trong toàn cầu hóa thì Trung Quốc không dễ gì làm điều đó.

"Chúng ta biết rằng các hoạt động giao thương với Việt Nam là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất của Trung Quốc. Việt Nam là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà đầu tư Trung Quốc. Nhà đầu tư Trung Quốc đang có lợi ích lớn nhỏ từ các dự án đầu tư trực tiếp và gián tiếp ở Việt Nam. Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi hành động" - ĐB Lộc phân tích.

Các ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên Huế), Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) và Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nêu ý kiến Chính phủ phải có biện pháp kiểm soát tốt chi tiêu ngân sách, ưu tiên đầu tư cho an ninh quốc phòng như trang bị tàu lớn đủ mạnh để lực lượng chấp pháp làm nhiệm vụ trên biển, ngăn chặn những đối tượng vi phạm, bên cạnh đó là đề phòng Trung Quốc gây khó khăn về kinh tế, gây sức ép với ta.

ĐB Hà Sỹ Đồng - Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị:

“Một khi nội lực quốc gia yếu kém, những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập và ta luôn vô cùng khó khăn để chống đỡ. Bởi thế, yêu cầu cải cách thể chế nhằm vừa phát triển đất nước bền vững, vừa bảo vệ vững chắc tổ quốc càng trở nên cấp thiết hơn...

Nếu ta nao núng, chùn tay trước cải cách, nếu ta cứ hô khẩu hiệu nhưng không làm hay có làm nhưng làm không đúng như nói, niềm tin chắc chắn sẽ tiếp tục bị xói mòn và khi đó, mọi nỗ lực, giải pháp nhằm khôi phục lại kinh tế sẽ trở nên vô ích. Thông điệp cải cách thể chế của Thủ tướng Chính phủ ngày đầu năm đã phát đi rất mạnh mẽ, rất rõ ràng, trong đó hàm ý nhằm khôi phục lại lòng tin trong dân và trong các nhà đầu tư”.

Lương Kết (Lương Kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem