Điêu - Điệu - Đần - Đảm
Điêu và điệu là khi chị đứng trên sân khấu với đa số vai diễn chua ngoa, đanh đá, cười the thé như xé vải và cũng điệu... chảy nước. Mọi người trong nghề cũng hay mách tai nhau "ngoài hài kịch, đừng hỏi Vân Dung điều gì khác".
Chính chị cũng tự hỏi tại sao chỉ cần đọc sơ qua kịch bản là đã thuộc làu lời thoại, nhưng những thứ liên quan đến công nghệ như máy tính, điện thoại, tivi, ô tô... là chị "bó tay". Mua ô tô mà 6 tháng chị mới biết bút bấm cần gạt nước, cậu con trai nhiều khi cứ lắc đầu: "Sao con dạy mẹ bật máy tính mãi mà mẹ cứ quên?". Vì thế, khi kết thúc buổi phỏng vấn, Vân Dung không quên nhắc tôi gửi bài vào e-mail của... chị gái chị. Mấy hôm nữa chị gái đi công tác về sẽ nhờ người mở cho đọc và cũng sẽ nhờ gửi ảnh.
Có vẻ như còn mỗi từ đảm là có vẻ khả quan nhất. Vân Dung bảo, từ này xuất phát từ thái độ kinh ngạc đến sửng sốt của mọi người khi tới thăm nhà chị. Từ sân nhà tới cầu thang rồi vào toilet, chạy ra ban công, tất cả đều sạch như lau như ly. Chị cười tít mắt khoe: "Mọi người vẫn đùa nhà cái Dung không có một con vi trùng nào. Sang đó ngủ nhờ nếu hết phòng thì mang cái gối vào toilet nằm đọc báo cũng đủ thích rồi".
Chị bảo, trước đó mọi người vẫn thường nói: "Điệu, tiểu thư như Vân Dung, động tay vào việc gì cũng la khiếp, chắc chẳng biết làm gì". Nhưng khi đến nhà chị, họ thay đổi cách nhìn. Không phải nhà không có người giúp việc, ngay cả lúc sống cùng nhà chồng trong Nam, một tay chị vun vén mọi chuyện.
Vân Dung có một nguyên tắc bất di bất dịch là phải công bằng trong việc nhà giữa chồng và vợ. Chồng đi vắng không sao nhưng khi anh về, mọi việc đều phải chia sẻ công bằng. Chồng lau nhà, vợ nấu cơm, chồng quét sân, vợ giặt quần áo... Chị kỵ nhất hình ảnh người phụ nữ còng lưng làm mọi việc, còn những ông chồng to khỏe lại ngồi xem tivi.
Nghiêm khắc dạy con
Vân Dung kể, suốt 7 năm nay, đi một mình không sao, nhưng khi ra ngoài cùng mọi người trong nhà, chị sẽ đeo khẩu trang để có không gian riêng bên gia đình. Ngày xưa chưa nghĩ ra kế này, đi tới đâu cũng có người nhận ra, bắt tay, trò chuyện, chụp hình...
Chị nói, khán giả yêu thương rất thích, nhưng chị không vui khi chẳng ai để ý đến cậu con trai tên Long Vũ. Nhìn cậu bé đứng tần ngần đợi mẹ nói chuyện với mọi người giống như bị gạt khỏi cuộc chơi, chị áy náy nên ngụy trang.
Thời gian đầu chưa quen chị cũng khó chịu, đôi lúc trời Hà Nội oi bức, chị cứ sùm sụp, mồ hôi chảy ròng ròng... nhưng đeo lâu thành quen. Giờ Vân Dung có thể cũng chồng con tự do chơi đùa, mua sắm, mặc cả thoải mái chẳng sợ bị nói là "Diễn viên ai lại cò kè bớt một thêm hai". Con trai chị không bao giờ thắc mắc tại sao mẹ phải làm thế. Cậu bé ý thức mẹ là người nổi tiếng. Cậu rất tự hào về mẹ nhưng chưa từng mang ra khoe mẽ, lên mặt với bạn bè.
Từ câu chuyện về chiếc khẩu trang, Vân Dung lái sang bé Vũ. Nhìn bề ngoài ai cũng nghĩ Vân Dung phải cưng chiều con, nhưng thật ra, chị tuyệt đối nghiêm khắc trong việc dạy con. Khi 3 tuổi, chị đã rèn cho con thói quen ngăn nắp, chơi xong phải thu dọn đặt đúng chỗ, quần áo rơi xuống đất phải móc lên mắc ngay ngắn. Nếu làm qua loa, chị sẽ yêu cầu con đứng tại chỗ làm cho được mới thôi.
Nhà có điều kiện nhưng Vân Dung chưa từng mua bất cứ món quà nào cho con nếu con không có thành tích tốt. "Nếu bé ngoan, được học sinh giỏi, chỉ cần món quà ít tiền con cũng nhớ mãi. Nhưng nếu mua tràn lan, dù quà có đắt tiền, con trẻ cũng xem thường. Tôi muốn luyện cho con suy nghĩ phải cố gắng nỗ lực mới nhận được thành quả xứng đáng, còn lười sẽ chẳng có thứ gì", Vân Dung chia sẻ.
Đời không chỉ màu hồng
Nghiêm khắc với con như vậy, chị có khó khăn với chồng?
- Tôi chỉ tuyệt đối nghiêm khắc ở 3 điểm là rượu chè, gái gú và cờ bạc. Các khoản còn lại tôi dễ tính lắm. Chắc tại vợ chồng ở xa nên mỗi khi gặp nhau chúng tôi không xích mích nhiều. Lúc nào tôi cũng vui như Tết. Khi ai đó phải làm tôi tổn thương ghê lắm tôi mới khóc, còn dăm ba chuyện lặt vặt tôi không quan tâm.
Vợ chồng ở hai đầu Nam Bắc, cả tháng gặp nhau được đôi lần. Chị từng nói, Sài Gòn không có đất diễn nên chị không ở. Chị nghĩ sao nếu người ta nói chị ích kỷ, nghĩ cho bản thân vì gái phải theo chồng, hiện giờ, chị đã có con?
- Đó cũng là một phần lý do. Bố mẹ tôi lấy nhau, có 2 mặt con mà cũng xa nhau hơn 30 năm. Bố làm việc trên Thái Nguyên, mẹ nai lưng ở Hà Nội. Đến năm tôi gần 20 tuổi, hai ông bà mới được đoàn tụ. Cuộc sống, ai cũng muốn vo tròn thì còn ai khổ? Còn chuyện mọi người nói sao tôi không quan tâm.
Có một hôm, một người đồng nghiệp chạy lại mách chuyện về một người khác nói xấu tôi. Tôi cũng nói thẳng: "Em nói với chị mấy chuyện ấy làm gì vì thứ nhất là chị không quan tâm, thứ hai là nếu người kia không nói như vậy, chị sẽ nghĩ em đặt điều. Còn không, chị cũng nghĩ người kia xấu tính một, em xấu tính mười vì không những em đi nói xấu người khác mà còn đưa chuyện nữa".
Nhưng người khác nói xấu người mình yêu quý khiến họ bực. Chị nói thế chẳng phải là dội nước lạnh vào người đối diện?
- Không. Nếu ai nói xấu cô bạn thân trước mặt tôi, tôi sẽ không bao giờ kể lại. Đưa chuyện làm gì nếu không muốn làm chất xúc tác cho hai người gây nhau. Tôi sẽ nói thẳng: "Bạn tôi không như vậy, bạn đừng nói thế. Nếu bạn tiếp tục kể, tôi sẽ không chơi với bạn nữa".
Nếu một ngày đẹp trời, một cô gái lạ xuất hiện trước mặt chị thông báo cô ấy sống cùng chồng chị suốt thời gian hai người ở xa nhau. Phản ứng của chị ra sao?
- Ôi chuyện nhỏ. Tôi xác định tư tưởng cho những chuyện như thế từ lâu. Tất cả đều có thể xảy ra vì con người là xương là thịt. Cứ nghĩ cuộc đời chỉ màu hồng là dễ shock lắm.
Tôi không dám nói ngày mai mình có hạnh phúc không, chỉ dám nói ngày hôm qua và hôm nay tôi thấy rất bình yên. Lên cơ quan mọi người yêu quý cũng là một điều bình yên. Về nhà với bố mẹ thấy hai cụ yêu thương nhau là thấy lòng rất vui. Cả khi nhìn thấy bố tôi ngồi đọc báo, cả nhà ngồi xung quanh chăm chú nghe cũng là cảm xúc bình yên. Như vậy là đủ rồi.
Theo Thế giới Văn hóa
Vui lòng nhập nội dung bình luận.