Văn hóa làng ăn vào máu thịt

Thứ hai, ngày 04/07/2011 15:09 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bám vào văn hóa làng, lấy văn hóa làng như một chỗ dựa để xây dựng tác phẩm. Sau khi tiểu thuyết "Đội gạo lên chùa" ra mắt, tác giả nhà văn Nguyễn Xuân Khánh tâm sự về "cái tạng văn hóa làng" trong tác phẩm của ông.
Bình luận 0

Mỗi nhà văn có những xu hướng riêng, có những người thành công với mảng đề tài chiến tranh, có những người theo mảng đô thị, còn ông chọn đường "về làng". Xin ông tự lý giải?

- Tôi muốn thể hiện cái nhìn qua con mắt văn hóa, mà văn hóa VN chính là văn hóa làng. Tôi quan niệm văn hóa còn thì dân tộc còn. Đó là cái mà xưa kia người phương Bắc và phương Tây muốn xóa bỏ để đồng hóa chúng ta mà không được. Tôi cố gắng miêu tả những cái còn lại, những điều mà tôi trải nghiệm gần 80 năm qua để các bạn trẻ biết được.

img
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh.

Và như thế, "Mẫu thượng ngàn" và mới đây là "Đội gạo lên chùa", văn hóa làng qua tâm hồn Nguyễn Xuân Khánh để thành những câu chuyện lung linh!

- Thực chất, hai tiểu thuyết đó là tôi kể câu chuyện của một ngôi làng. Tôi sinh ra ở làng Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội. Nay thì cũng đã phố hóa nhiều quá nhưng tôi vẫn lấy đó làm nơi chốn đi về bởi có họ mạc, hàng xóm cũ. Rất nhiều chuyện, nhiều việc, nhiều người ở làng tôi đã gợi hứng để tôi xây dựng những nhân vật, chi tiết trong tác phẩm. Cố nhiên, không chỉ riêng từ làng mình, mà làng trong tác phẩm, là sự tổng hợp của bao nhiêu ngôi làng khác nữa mà tôi đã qua, đã sống.

Có điều gì đặc biệt trong quá trình trải nghiệm đó?

- Đó là cánh cửa để tôi đưa văn hóa chảy vào trong mình, chính bằng những cái mình trải nghiệm thường ngày, qua xóm làng, họ hàng, vợ con mình… Với tôi, chất liệu để viết được khai thác rất nhiều từ đời thường. Nếu không quan sát, lắng nghe, thì chỉ thể hiện một đám ma, một đám cưới thôi, mình cũng không biết viết nó ra thế nào!

img
"Đội gạo lên chùa".

Tôi lại được làm báo thời gian dài, từ Văn nghệ quân đội tới Thiếu niên tiền phong, tôi đã được đi rất nhiều. Nhờ làm báo mà có rất nhiều thuận lợi để tích lũy, tìm hiểu. Những năm chống Mỹ, tôi hầu như thường trực ở khắp Khu 4. Tôi cũng phải tự học, đọc và kể cả khi có tuổi rồi vẫn đi nhiều nơi. Tôi đã đi hầu hết những ngôi chùa miền Bắc.

Nói chung, văn hóa làng như đã ăn vào máu thịt tôi.

Ông có gợi ý gì về việc lấy ngôi chùa như một hình ảnh trung tâm trong cuốn sách dày dặn mới ra mắt và đang được công chúng đón nhận?

Với tôi, chất liệu để viết được khai thác rất nhiều từ đời thường. Nếu không quan sát, lắng nghe, thì chỉ thể hiện một đám ma, một đám cưới thôi, mình cũng không biết viết nó thế nào!

- Về bối cảnh lịch sử, tôi trở lại thời kỳ chống Pháp, nhưng giờ nhìn lại, muốn có cái nhìn sao cho lạ đi. Và tôi nhìn qua một ngôi chùa. Mà khi nghĩ về ngôi làng thì ngôi chùa ở đó, tôi thấy giống như một người mẹ.

Thực chất, cuốn sách là sự diễn tả những vận động của làng quê và biểu hiện tinh thần của Phật cứ bàng bạc, phảng phất trong cách sống của con người VN.

Nói thế, không phải tôi chủ trương đề nghị con người ta đi tu, mà "Thứ nhất là tu tại gia/Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa", tôi thấy thấm thía tinh thần "cư trần lạc đạo" được thể hiện rất sâu sắc trong Phật giáo VN.

Cuốn sách đồ sộ thế, ông viết thế nào ở tuổi tác hiện nay?

- Tôi viết từ từ, ngày 2-3 trang. Quan trọng nhất là phần nghĩ, vất vả lắm! Dàn xong được ý tưởng, các chi tiết thì chữ nghĩa nảy ra nhanh lắm! "Đội gạo lên chùa", tôi viết trong 4 năm. Thực chất là khởi thảo từ 1976 và còn bắt nguồn từ truyện ngắn "Làng nghèo" tôi viết năm 1959.

Ngày xưa có sức thì còn viết đêm, chứ giờ bắt đầu thấm mệt rồi, chỉ viết ban ngày. Nếu có thể thì tôi mong viết đến khi nào hết sức lực mới thôi!

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem