Vẫn hỏi mua salbutamol nuôi lợn!

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 28/09/2016 07:00 AM (GMT+7)
Chuyến khảo sát mới đây của đoàn giám sát vật tư nông nghiệp (Hội Nông dân TP.HCM phối hợp các sở liên ngành) cho thấy luật an toàn thực phẩm; các quy định sản xuất, kinh doanh chưa được phổ biến sâu rộng đến nông dân các huyện ngoại thành TP.HCM.
Bình luận 0

Vẫn có người hỏi mua chất cấm Salbutamol

Ông Lê Thanh Tuệ (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh) cho biết vẫn nuôi heo theo kinh nghiệm gia đình, thường xuyên tận dụng thức ăn thừa ở các tiệm phở, quán cơm (gọi chung là cơm nước) nấu lại cho heo. Heo lớn tới đâu thì xuất bán tới đó. Heo mới sẽ được bổ sung vào đàn heo cũ chưa đủ trọng lượng. Công tác phòng trừ dịch bệnh thì phó mặc hết cho bác sĩ thú y.

img

Đoàn giám sát kiểm tra các loại thuốc bảo vệ thực vật tại một vườn rau huyện Hóc Môn. Ảnh: N.V

9 tháng đầu năm, Chi cục Thú y TP.HCM đã kiểm tra tại các cơ sở giết mổ phát hiện 38 mẫu xét nghiệm (chiếm 6,9%) dương tính với chất cấm Salbutamol, xử phạt vi phạm hành chính gần 2.000 trường hợp với số tiền 5,1 tỷ đồng.

Tại hộ chăn nuôi này, chuồng trại ẩm thấp, nhếch nhác, nằm sát cạnh khu vực sinh hoạt gia đình, mùi hôi của chất thải nồng nặc. Ông Lê Minh Trí- Phó Trung tâm phòng chống dịch, Chi cục Thú y TP.HCM, bày tỏ lo ngại: “Việc sử dụng cơm nước không đảm bảo chất lượng, thời gian nuôi lại kéo dài nên nguy cơ nhiễm bệnh (nếu có) càng tăng cao. Việc chăn nuôi heo xen kẽ lứa này với lứa kia khiến chuồng trại không được vệ sinh kỹ lưỡng, nguồn bệnh tiếp tục lưu cữu gây khó khăn cho công tác phòng chống dịch”.

Tình trạng trên được cho là khá phổ biến. Ông Phùng Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết, trên địa bàn có 22 hộ chăn nuôi heo, chủ yếu nhỏ lẻ, tổng đàn khoảng 500 con. Do điều kiện còn khó khăn, thức ăn thừa từ các quán chiếm 70% nguồn thức ăn chăn nuôi. Công tác vệ sinh môi trường của nhiều hộ cũng chưa được đảm bảo.

Một điểm chung của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ này là không có hệ thống biogas để xử lý chất thải. Nguồn thải được xả thẳng xuống ao nuôi cá. Kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y; việc trưng bày, sắp đặt hàng hóa không đúng quy cách là lỗi chung mà nhiều cơ sở mắc phải. Có cửa hàng vừa kinh doanh thuốc thú y vừa bán tạp hóa. Hỏi thăm chủ một cửa hàng thuốc thú y ở xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) về chất cấm tạo nạc Salbutamol cho heo, bà này khẳng định là vẫn có người tới hỏi mua.

Theo thống kê của Sở NNPTNT TP.HCM 9 tháng đầu năm, Chi cục Thú y đã kiểm tra tại các cơ sở giết mổ phát hiện 38 mẫu xét nghiệm (chiếm 6,9%) dương tính với chất cấm Salbutamol. Chi cục Thú y đã xử phạt vi phạm hành chính gần 2.000 trường hợp với số tiền 5,1 tỷ đồng (tăng gần 3% so với cùng kỳ năm 2015).

Dùng thuốc tới khi... sâu chết thì thôi

Tình trạng nông dân mơ hồ với các quy định sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cũng tương tự ở lĩnh vực lĩnh vực rau, củ, quả. Tại cửa một hàng phân bón, thuốc trừ sâu ở xã Bình Mỹ (huyện Củ Chi), đoàn giám sát phát hiện một phụ nữ mua thuốc trừ sâu cho lúa để phun cho rau. Khi được hỏi, chị này chỉ trả lời gọn lỏn: “Không biết sử dụng như thế là sai”.

Tại vườn rau của ông Nguyễn Văn Quyền ở xã Xuân Thới Sơn (huyện Hóc Môn), mặc dù các loại thuốc mà ông này đang dùng đều có tên trong danh mục sản phẩm cho phép, nhưng khi hỏi về cách thức sử dụng, ông này vô tư trả lời: “Thuốc này không được thì đổi thuốc khác. Phun tới khi nào sâu chết, hết bệnh thì dừng”.

Đối với các hộ sản xuất và kinh doanh rau muống bào (huyện Củ Chi), nhiều hộ tỏ ra e dè với chất phẩm màu công nghiệp giúp rau tươi, xanh, giòn. Nhưng cũng không ít hộ thừa nhận chất cấm này đã tồn tại một thời gian khá dài trước khi bị công an phát hiện.

Một nông dân ở ấp 7 xã Bình Mỹ cho biết đã thuê lại 1,5 mẫu đất để trồng rau và sơ chế rau bào ngay tại chỗ. Toàn xã có 15 hộ làm rau bào. Người thuê đất trước đây đã bán lại chiếc máy tự chế và hướng dẫn ông cách ngâm rau trong hóa chất. Theo ông này, rau muống sau khi bào sẽ nhanh chuyển sang màu vàng. Ngâm rau vào phẩm màu, cọng rau xanh lâu, tươi, giòn hơn. Nhiều dụng cụ đựng rau trong nhà ông vẫn còn bám lại màu xanh của loại phẩm này mặc dù ông khẳng định không bao giờ sử dụng.

Ông Phan Thế Nghiêm - Chủ tịch hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp An Phú Đông: Thiếu trung thực thì không thể vào HTX

“Trên địa bàn quận 12, có 1 hộ trồng và kinh doanh rau lang rất tha thiết vào HTX để sản xuất rau sạch. Nhưng thấy cứ 2 ngày là người này cắt rau đi bán, rau ở đâu mà thu hoạch nhanh thế? Tôi bất ngờ ghé thăm phát hiện rất nhiều bao bì thuốc kích thích nằm trong hố chôn chưa kịp tiêu hủy. Nông dân đó đương nhiên đã không có cơ hội làm xã viên HTX”.

Ông Trần Trường Sơn - Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM: Tăng cường bảo đảm pháp luật trong sản xuất

“Việc đảm bảo thực hiện pháp luật trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp cần phải được tăng cường. Nhiều loại phân, thuốc còn mù mờ về nguồn gốc xuất xứ; việc sản xuất gắn với môi trường chưa được đảm bảo. 
Chi phí sản xuất nông sản sạch cao, nhưng khó tiêu thụ. Do đó, việc vận động, hỗ trợ cho nông dân yên tâm sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp an toàn là rất cần thiết. Cấp hội và chính quyền địa phương cũng cần chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng thương hiệu, liên kết chuỗi”.

Nguyên Vỹ (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem