Là cựu thanh niên xung phong, số phận đã gắn cuộc đời tôi với người chồng thiếu đôi chân và một bàn tay bằng một tình yêu vượt qua mọi định kiến. Là lao động chính trong nhà, sớm chiều tôi lăn lóc ngoài cánh đồng, trưa tối tất tả về túp lều tranh để chăm chồng và 4 đứa con thơ, đứa nọ cách đứa kia 2 tuổi.
Các con ngày một lớn, phải được cắp sách đến trường. Sức khỏe chồng tôi thì ngày càng yếu, nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Một mình tôi xoay như chong chóng, hết mùa vụ thì làm hàng xáo, nhặt phế liệu, làm thuê, làm mướn... kiếm tiền cho chồng con.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/3-2011/images/2011-07-16/1436324450-169_7_ba-loc.jpg) |
Bà Lộc và cháu ngoại. |
Những năm 1990, khi hàng xóm láng giềng nhiều nhà đã có của ăn, của để thì gia đình tôi vẫn nghèo “rớt mồng tơi”. Nhà nghèo nhưng các con tôi không phải nghỉ học. Tôi nuôi lợn, nuôi gà, đợi đúng lúc các con cần tiền đóng học mới dám bán. Có mấy sào lúa, mỗi khi xát thóc để bán, tôi giữ lại phần cám để mình ăn, cơm nhường chồng con.
Không biết có phải do số phận thương tình mà cả chục năm ăn uống như vậy, tôi vẫn khỏe như được ăn cơm, vẫn cày cấy, gánh gồng dẻo dai. Cám ăn nhiều thành quen. Xóm giềng bảo sao tôi khổ thế, nhưng tôi thì nhìn thấy phía trước là tương lai tươi sáng của những đứa con.
Suốt bao năm trời, tôi không bao giờ dám mua cho mình một cái áo mới. Các con đi học, mỗi đứa chỉ có một bộ lành lặn mặc từ năm này qua năm khác. Thật mừng, cả 4 con tôi đều học giỏi, ngoan ngoãn và thương cha mẹ. Ngoài giờ lên lớp, các cháu bảo nhau giúp tôi việc nhà, việc đồng rồi thồ rau, thồ lúa ra chợ bán...
Lần hồi, tôi đã đưa các con đi qua từng cấp học, rồi lần lượt vào đại học. Thương mẹ quá vất vả, đã có lúc chúng muốn bỏ học giữa chừng, nhưng tôi phản đối kịch liệt. Tôi dặn các con: "Không ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời, mẹ cha quá gieo neo, các con phải kiên trì học thì mới có tương lai. Cha mẹ còn chịu được thì không có lý gì để các con bỏ cuộc...". Tôi nghèo nên cách nuôi con học đại học cũng khác người ta. Các gia đình khi ấy mỗi tháng gửi cho con 400.000-500.000 đồng, thì tôi chỉ cho con được 50.000 đồng.
"Khổ tận cam lai", cũng đến ngày tôi được đền đáp. Ba đứa con đầu của tôi đã tốt nghiệp Trường ĐH Sư phạm Vinh, có công ăn việc làm ổn định, có mái ấm riêng hạnh phúc. Cậu út tốt nghiệp Trường ĐH Y Thái Bình đã thành bác sĩ của bệnh viện đa khoa huyện. Giờ đây, mái lều xiêu vẹo của tôi đã được thay bằng căn nhà ngói khang trang, tôi thảnh thơi yên hưởng tuổi già bên đàn cháu ngày ngày ríu rít. Nhìn các con của tôi trưởng thành, hiếu thảo, nhiều người bảo: "Bà ấy bắt được vàng"...
Bà Tăng Thị Lộc (xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An).
Phúc Minh (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.