Vào mùa cỗ lớn nhất năm, Bộ NNPTNT họp khẩn vì lo thiếu thịt lợn

Anh Thơ Thứ hai, ngày 18/11/2019 19:37 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT, thời điểm cuối năm, lượng tiêu thụ thịt heo tăng đột biến do thời điểm này người dân miền Bắc hay tổ chức đám cưới, làm nhà,trong khi đàn lợn đã giảm tới 8,8% do dịch tả lợn châu Phi, cần có sự điều tiết thị trường cho phù hợp để tránh tăng giá đột biến
Bình luận 0

img

Thực tế giá lợn hơi đang ở mức nào?

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), từ đầu năm đến nay, giá lợn hơi có những biến động thất thường, nếu như 4 tháng đầu năm 2019, biểu giá lợn hơi ở mức 36.949 - 44.420 đồng/kg ở miền Bắc và 43.000 - 49.200 đồng ở miền Nam thì từ tháng 5 đến tháng 7, giá lợn hơi giảm sâu đến mức kỷ lục, do người tiêu dùng e ngại dịch tả lợn châu Phi, có thời điểm, giá lợn hơi chỉ còn 28.000 đồng/kg.

Tuy nhiên từ tháng 9 đến nay, giá lợn hơi tăng dần, hiện giá lợn hơi ở các tỉnh phía Bắc đang ở mức 66.500 đồng/kg; giá lợn hơi ở các tỉnh phía Nam là 63.500 đồng/kg. Cục Chăn nuôi nhận định, về cơ bản giá lợn hơi trong nước thấp và ít biến động hơn các nước xung quanh (hiện giá lợn hơi Trung Quốc đã lên đến 137.238 đồng/kg).

Lý giải hiện tượng giá lợn hơi tăng cao thất thường những ngày qua, Cục Chăn nuôi cho rằng, nguyên nhân chính không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin có vấn đề làm cho tình hình phức tạp hơn, trong đó có hiện tượng găm giá, thổi giá do các thương lái nhỏ lẻ không tiếp cận được với nguồn cung của các doanh nghiệp, buộc phải mua qua trung gian nên đẩy giá lên cao.

Ở ngay khu vực Hà Nội, lợn bán ra của Công ty CP Việt Nam ngày 14/11 là 66.000 đồng/kg, nhưng thông tin thì đưa giá lợn hơi Hà Nội là 73.000 đồng/kg - Cục Chăn nuôi lấy ví dụ.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các bộ ngành, doanh nghiệp chung tay tháo gỡ khó khăn.

Vậy thực tế, giá lợn hơi đang ở mức nào? Theo ông Nguyễn Viết Toàn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Giang, hiện giá lợn hơi trên địa bàn đang ở mức 75.000 - 76.000 đồng/kg; trong khi đó, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cũng xác nhận, giá lợn hơi tại địa phương đã vượt con số 75.000 đồng/kg. 

Trong khi đó, tại cuộc họp bàn giải pháp bình ổn thị trường thịt lợn do Bộ NNPTNT tổ chức chiều 18/11, đại diện Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai cho biết, giá lợn hơi trên địa bàn đang ở mức 70.000 - 75.000 đồng/kg; ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, giá lợn  hơi tại thành phố và các tỉnh lân cận đạt 70.000 - 72.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Phước Trung lại nêu một bất cập là giá thịt ba chỉ đã 200.000 đồng/kg. "Ở đây có yếu tố trung gian rất lớn, người bán lẻ ít hơn, trước đây, 1 ngày TPHCM tiêu thụ 9.500 - 10.000 con, hiện chỉ 8.000 - 8.500 con. Người bán lẻ phải bán tăng giá để bù đắp chi phí. Riêng những doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết nếu có được hệ thống cung cấp  bán trực tiếp từ giết mổ đến bán lẻ thì điều tiết được giá" - ông Trung nói.

Ông Nguyễn Như So - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco thì cho biết, giá lợn hơi tại trại của công ty cao nhất là 69.000 đồng/kg.

Quyết liệt với việc xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc

Ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP thừa nhận một thực tế, giá lợn hơi tăng quá nhanh sẽ khiến người tiêu dùng lo lắng, gây bất ổn, thiếu bền vững cho ngành chăn nuôi lợn. Giá tăng, nông dân  tái đàn bột phát, thiếu kiểm soát có thể gây dịch trở lại. Giá tăng cao còn có khả năng tăng nhập khẩu thịt lợn, phá vỡ quy hoạch ngành chăn nuôi, đem thêm mầm bệnh vào.

img

Giá lợn hơi đang tăng đột biến. Ảnh: Minh Ngọc.

"CP luôn nỗ lực bán giá thấp hơn so với bên ngoài nhưng chỉ một mình CP thì không làm nổi, vì vậy tôi kiến nghị phải làm quyết liệt việc xuất khẩu lợn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. "Làm mạnh là giá lợn hơi giảm ngay" - ông Tuấn nói.

Ngoài ra, ông Tuấn cảnh báo một thực tế, hiện có hiện tượng thu gom lợn giống bán sang Trung Quốc, chủ yếu từ 10-30kg. "Nếu kéo dài tình trạng này có thể gây ra thiếu lợn trong thời gian tới. Quan điểm của CP là kéo dài thời gian nuôi là giải pháp tăng lượng thịt ra thị trường nhanh nhất. Nếu khuyến khích người nuôi trên 30 tuần, 1 con lợn có thể đạt 1,2 tạ, nguồn cung thịt tăng khoảng 30%" - ông Tuấn nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Như So cho biết, cả Dabaco và CP đều đang thừa lợn giống vì nông dân lo lắng không tái đàn. "Bộ NNPTNT nên báo cáo Chính phủ có chính sách bình ổn giá để người dân có thể chấp nhận được" - ông So kiến nghị.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, chúng ta đã thủng mất 8,8% sản lượng thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi, mùa này lại là mùa tiêu dùng lớn nhất trong năm, vì vậy trong 2 tháng còn lại và quý đầu năm nếu không cẩn thận sẽ thiếu thịt lợn cục bộ, mất cân đối giữa các vùng miền, đảo lộn về giá cả. Nếu không các các giải pháp đồng bộ sẽ dẫn đến thiệt hại cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng cả trước mắt và lâu dài.

Do đó, các bộ ngành và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ khó khăn, cùng vào cuộc để tăng nguồn cung, thông tin thị trường chính xác để tránh tâm lý thị trường.

Trước mắt, Bộ trưởng cho rằng phải tăng nguồn cung, đó là các loại thực phẩm: thủy sản, gia súc, gia cầm phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Cục Chăn nuôi hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường tái đàn an toàn, kéo dài thời gian nuôi để tăng sản lượng.

Về thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần kiểm soát cả nhập và xuất, để bảo đảm ổn định thị trường trong nước, người chăn nuôi có lãi cũng như an toàn dịch bệnh.

Masan MEATLife cam kết cung cấp tối đa thịt mát MEATDeli ra thị trường

Chỉ sau chưa đầy 1 năm kể từ khi đưa ra thị trường sản phẩm thịt mát MEATDeli, hiện nay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm này đã tăng lên nhanh chóng tại hai thị trường Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, nhất là trong bối cảnh nguồn cung thịt lợn trong nước đang bị thiếu hụt. PV Dân Việt đã trao đổi với ông Phạm Trung Lâm- Tổng Giám đốc Công ty CP Masan MEATLife về việc cung ứng sản phẩm thịt mát MEADeli trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán.

Thưa ông, được biết hiện nay nguồn cung lợn thịt trên cả nước đang giảm. Vậy nguồn nguyên liệu chế biến từ thịt lợn  của Masan MEATLife (MML) có bị thiếu hụt không?

- Hiện nay, tổng đàn lợn trên cả nước đang giảm mạnh do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Tuy nhiên, do đã dự báo được tình hình và có kế hoạch phát triển nguồn nguyên liệu ổn định, lâu dài, nên chúng tôi chủ động được nguồn cung để đáp ứng tốt nhất theo nhu cầu của thị trường.

img

Ông Phạm Trung Lâm- Tổng Giám đốc Công ty CP Masan MEATLife.

Trong những ngày gần đây, giá lợn hơi đã tăng lên ở mức kỷ lục, việc này tác động thế nào đến khâu chế biến của MML?

- Giá lợn hơi có tác động lớn tới giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, như tôi đã nói, do chúng tôi chủ động được nguồn cung từ trang trại của công ty và các đối tác chiến lược để đảm bảo quản lý chi phí sản xuất hiệu quả. Vì thế, giá thịt mát MEATDeli mà chúng tôi niêm yết và bán ra thị trường luôn duy trì ở mức ổn định với đợt điều chỉnh giá mới nhất kể từ ngày 12/11 và đến nay chúng tôi vẫn chưa có điều chỉnh giá thịt bán ra thị trường.

Được biết, Masan đã xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn lớn tại Quỳ Hợp, Nghệ An. Vậy nguồn cung từ trang trại ở trang trại của Masan ở Nghệ An đáp ứng được bao nhiêu % công suất chế biến thịt mát MEATDeli tại tổ hợp Meat Hà Nam và nguồn nguyên liệu từ hình thức trang trại hợp tác với người nông dân chiếm bao nhiêu %?

- Đến thời điểm này, nguồn cung từ trang trại Nghệ An chiếm 50% nhu cầu hiện tại của MML. Phần còn lại, công ty kết hợp thu mua với các đối tác đối tác chiến lược của công ty. Toàn bộ lợn trước khi đưa vào giết mổ, chế biến  tại tổ hợp Meat Hà Nam của MML đều được thực hiện theo 3 tuyến kiểm dịch để ngăn ngừa dịch tả lợn châu Phi. Đồng thời, chúng tôi cũng kiểm soát chặt chẽ dư lượng kháng sinh và chất tăng trọng của đàn lợn trước khi xuất trại.

img

Chỉ mới tung ra thị trường chưa đầy 1 năm, song MEATDeli đã trở thành thương hiệu thịt mát được nhiều người tiêu dùng ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lựa chọn.

Trong quy trình giết mổ, tất cả lợn đưa vào nhà máy đều phải qua 3 tuyến kiểm dịch trước khi đến tay người tiêu dùng. Theo đó, chỉ lợn khỏe, không mang mầm bệnh mới được xuất trại đưa vào nhà máy và 100% thịt heo được kiểm tra an toàn mới xuất bán ra thị trường. Do kiểm soát nghiêm ngặt về dịch bệnh và an toàn thực phẩm nên giá thành sản phẩm MEATDeli tăng cao hơn so với thị trường bên ngoài khoảng 12.000 đồng/kg.

Vậy theo tính toán của công ty, từ nay đến Tết Nguyên đán 2020 sắp tới, số lượng lợn được nuôi từ trang trại Nghệ An dự kiến đạt bao nhiêu con, thưa ông?

- Theo tính toán của chúng tôi, từ nay đến Tết, trang trại Nghệ An sẽ cung cấp được 10.000 con/1 tháng, tương đương với khoảng trên dưới 350 con/ngày. Với số lượng còn thiếu hụt, công ty đang thu mua từ các chương trình hợp tác các đối tác chiến lược của công ty.

Như ông nói, ngoài trang trại trong hệ thống của tập đoàn Masan, hiện MML còn phải thu mua thêm lợn từ các đối tác chiến lược và người nông dân. Ông có thể cho biết, hình thức hợp tác này như thế nào và giá cả thu mua được thỏa thuận ra sao đối với các hộ nông dân?

- Chúng tôi hợp tác với các hộ nông dân theo một tiêu chuẩn, kỹ thuật thống nhất, đảm bảo lợn được nuôi theo đúng quy trình an toàn, sạch bệnh. Giá lợn thỏa thuận của Masan thường cao hơn từ 500 – 1.000đ/kg so với giá thị trường tại khu vực trại và giá chốt trước khi bắt và lấy mẫu kiểm tra 1 ngày.

Xin cảm ơn ông!

Lực Khương

Giá heo hơi miền Bắc: Dấu hiệu chững lại sau chỉ đạo của Chính phủ 

Trước tình hình giá heo hơi tăng phi mã trong thời gian ngắn, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn trong nước vì dịch bệnh phức tạp, chiều 18/11/2019, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành về tình hình giá thịt lợn và bình ổn thị trường những tháng còn lại của năm 2019.

Tại cuộc họp, báo cáo về giá heo hơi hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, giá heo hơi trung bình cả nước khoảng 60.000 - 67.000 đồng/kg, cá biệt có nơi đã lên tới 75.000 - 80.000 đồng/kg.

Nguyên nhân giá heo hơi hôm nay tăng cao là do tkhan hiếm nguồn cung tại một số địa phương, nhất là ở những khu vực tiêu thụ lợn thịt tại chỗ do người chăn nuôi không bán lợn ra thị trường; trong khi đó, vẫn còn hiện tượng vận chuyển lợn theo đường mòn, lối mở sang Trung Quốc.

Theo ghi nhận của PV, tại khu vực biên giới tỉnh Cao Bằng, mỗi ngày có khoảng 30-50 xe chở lợn xuất hàng cho thương lái Trung Quốc. Hiện giá lợn hơi của Trung Quốc đang tăng rất cao, trung bình 13 - 15 triệu đồng/tạ lợn hơi, cao gấp đôi so với giá lợn hơi của Việt Nam nên việc các thương lái, đầu nậu tìm cách đưa lợn sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch là điều khó tránh khỏi. 

Huệ Minh

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem