Vật tư nông nghiệp kém chất lượng tràn lan: Loay hoay xử lý

Thứ sáu, ngày 28/12/2012 08:52 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hầu như năm nào ở các địa phương vùng ĐBSCL cũng phát hiện các vụ sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng. Các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử lý, nhưng tình hình vẫn không hề thuyên giảm.
Bình luận 0

Nguyên nhân chính của tình trạng “ma trận” phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giả và kém chất lượng khiến nông dân thua lỗ, sạt nghiệp là thị trường rộng với hàng chục ngàn đại lý ở khắp vùng cùng hàng trăm loại, nhãn hiệu sản phẩm khác nhau... nên cơ quan chức năng cũng loay hoay, bất lực trong khâu quản lý.

 img
Chọn được phân bón tốt, giá hợp lý là khó khăn của nhiều nông dân ở ĐBSCL hiện nay.

Phân dỏm và không rõ nguốn gốc tràn lan

Ngày 17.11, Công an huyện Tân Hồng (tỉnh Đồng Tháp) đã phát hiện và tạm giữ 100 bao phân kali, loại 50kg/bao, không có hóa đơn chứng từ, trên bao bì có ghi: “Kali Israel - Hiệu 2 con rồng”, được nhập khẩu và phân phối bởi Công ty cổ phần Vinacam (địa chỉ số 28, Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP.HCM).

Số phân trên do bà Trần Thị Mỹ Châu - chủ cơ sở mua bán phân bón và thuốc BVTV ở ấp Bắc Trang 1, xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, mua của một người tên Quốc (không biết địa chỉ) để kinh doanh. Kết quả giám định cho thấy, hàm lượng kali chỉ có 0,03% (rất thấp so với hàm lượng ghi trên bao bì là 61%). Thành phần chính của phân kali này chủ yếu là phẩm màu và cát trắng.

Trước đó, ngày 12.11, UBND tỉnh Đồng Tháp đã ra quyết định xử phạt ông Nguyễn Văn Lực (xã Tân Thành, huyện Lai Vung) 200 triệu đồng về vi phạm trong kinh doanh thuốc BVTV. Ông Huỳnh Văn Tồn – Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Lai Vung cho biết: “Mặc dù liên tục kiểm tra nhưng vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh phân bón, thuốc BVTV vẫn rất phổ biến. Rất nhiều sản phẩm hàm lượng đều thấp hơn so với công bố trên bao bì…”.

“Khi đụng phải phân bón, thuốc dỏm thì nông dân là người chịu thiệt, việc kiện cáo để “bắt đền” doanh nghiệp hay đại lý là hết sức khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Phúc

Trước đó, ngày 19.10, tại huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) các cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long phát hiện 3 chiếc tàu chở 80 tấn phân bón không rõ nguồn gốc. Sau khi bị bắt, các chủ tàu cho biết họ chỉ là người chở thuê về vùng nông thôn các tỉnh trong khu vực ĐBSCL để tiêu thụ, không biết chủ sở hữu thật sự là ai.

Cuối cùng các cơ quan chức năng tịch thu toàn bộ sản phẩm và phạt các chủ tàu 10 triệu đồng. Cuối tháng 8.2012, Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long đã tiêu hủy 20 tấn phân bón giả nhãn hiệu kali. Số phân bón này do Lê Văn Hết (ngụ huyện Châu Thành, Tiền Giang) đang vận chuyển sang tỉnh Trà Vinh để tiêu thụ, nhưng khi đến huyện Mang Thít (Vĩnh Long) thì bị phát hiện, tạm giữ. Kết quả kiểm tra mẫu cho thấy, số phân này được làm bằng gạch nung xay nhỏ trộn với muối, hàm lượng kali chỉ đạt khoảng 0,1% chứ không phải 60% như ghi trên bao bì.

Ở hầu hết các địa phương khác như Hậu Giang, An Giang, Trà Vinh… các cơ quan chức năng phát hiện nhiều vụ vận chuyển, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng. Ông Nguyễn Văn Đối – Chánh thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết: “Hàng năm các cơ quan chức năng thường xuyên tiến hành lấy mẫu, kiểm tra lượng phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn. Tỷ lệ các sản phẩm vi phạm chiếm từ 15-20%, chủ yếu là phân bón giả, kém chất lượng”.

Nông dân tự bảo vệ mình

Suốt nhiều năm qua, ông Ngũ Văn Cần canh tác 1ha lúa ở thị trấn Kinh Cùng (huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang) mua phân đơn (urê, dap, kali…) với những nhãn hiệu uy tín về trộn lại để bón cho lúa. Ông Cần cho biết: “Cách làm này vừa ít tốn kém, lại mang lại hiệu quả cao nhưng cần phải có kinh nghiệp để trộn như thế nào cho thích hợp giúp cây lúa phát triển. Cách làm này giúp nông dân tránh những sản phẩm kém chất lượng hay gặp phân bón giả”. Ngoài ra, khi sử dụng thuốc BVTV, ông Cần cũng chọn mua những sản phẩm có uy tín lâu năm.

Sau nhiều lần gặp phải phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng, ông Nguyễn Văn Phúc ở xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) đúc kết: “Khi đụng phải phân bón, thuốc dỏm thì nông dân là người chịu thiệt, việc kiện cáo để “bắt đền” doanh nghiệp hay đại lý là hết sức khó khăn. Vì vậy, nông dân phải chấp nhận mua những sản phẩm uy tín, chấp nhận giá cao để không phải gặp sản phẩm dỏm”. Theo nhiều nông dân có kinh nghiệm, những sản phẩm kém chất lượng thường được công ty đưa ra mức chiết khấu cho đại lý rất cao hay nhiều khuyến mãi. Vì vậy, các đại lý ra sức quảng cáo sản phẩm để bán được hàng, hưởng lợi lớn. Khi nông dân ham rẻ là bị “dính” ngay phân, thuốc dỏm.

Ông Lê Minh Hoan – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: Cần có chế tài mạnh hơn

Trong thời gian qua, Đồng Tháp luôn xử lý quyết liệt đối với vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng. Chúng tôi luôn xử “mút khung” các hành vi sai phạm, tuy nhiên, mức xử phạt theo quy định vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Theo tôi, cần phải có chế tài nặng hơn đối với hành vi sản xuất và kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng để bảo vệ nông dân, bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Quốc – Đội trưởng Đội QLTT số 2 (Long An): Phúc kiểm có vấn đề

Từ đầu năm đến nay, nghi mẫu phân hay thuốc nào dỏm, chúng tôi lấy mẫu đi kiểm tra thì hầu hết đều dính vi phạm. Thế nhưng, chuyện hết sức vô lý là khi doanh nghiệp xin đi phúc kiểm lần 2 tại trung tâm do chính họ chọn lựa, gần như các mẫu đều đạt chất lượng và họ thoát án phạt. Tôi cho rằng việc phúc kiểm có vấn đề, có sự “chạy chọt” nên doanh nghiệp làm ăn gian dối vẫn nhởn nhơ trong khi nông dân phải lãnh đủ. Với tình trạng “thoát án nhờ phúc kiểm” như hiện nay, doanh nghiệp sẽ còn làm ăn chụp giựt dài dài.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem