Vật tư nông nghiệp kém chất lượng tràn lan: Nông dân sạt nghiệp

Thứ năm, ngày 27/12/2012 09:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng năm, nông dân ở ĐBSCL sử dụng một khối lượng rất lớn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Tuy nhiên, trên thị trường có hàng trăm, hàng ngàn loại sản phẩm khiến nông dân không biết chọn sao cho đúng.
Bình luận 0

Không biết bao người đã thua lỗ, sạt nghiệp... vì mua và dùng phải phân bón, thuốc BVTV giả, kém chất lượng.

Sử dụng mà lo

Gia đình ông Nguyễn Văn Phúc ở xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) canh tác 1,2ha vườn bưởi, cam, vú sữa. Mỗi năm, gia đình ông tiêu thụ khoảng 15 triệu đồng tiền phân bón. Ông Phúc cho biết: “Hiện nay trên thị trường có hàng trăm nhãn hiệu phân bón khác nhau nông dân rất khó lựa chọn. Có lần tôi nghe quảng cáo loại phân 3 màu (NPK) mới nên mua về sử dụng, rốt cuộc cây chẳng phát triển như họ nói, phải mua loại phân khác về bón tiếp. Tuy nhiên, phân đã rải xuống góc cây nên không biết lấy gì làm bằng chứng để bắt đền chủ đại lý”.

img
Phân bón hiệu Lân Đỏ từng làm ND xã Mỹ Phong (TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) thiệt hại nặng.

Theo ông Phúc, chuyện gặp phải phân bón dỏm, phân bón kém chất lượng là... bình thường. Nhất là với những nông dân thiếu vốn sản xuất, ra mua chịu mà đại lý hướng dẫn mua loại phân mới thì rất dễ lấy phải phân kém chất lượng.

Chỉ tính riêng vụ lúa đông xuân, nông dân vùng ĐBSCL đã bón khoảng 1 triệu tấn phân. Đây cũng là thời điểm nhiều loại phân dỏm, phân giả hoành hành. Ông Trần Văn Việt ở xã Viên Bình (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) canh tác 8ha lúa. Mỗi vụ lúa, gia đình ông cần từ 90-100 bao phân các loại (mỗi bao 50kg). chi phí mua phân bón sản xuất lúa tương đối lớn.

“Biết vậy cũng đành bấm bụng sử dụng nếu “may thầy, phước chủ” thì tôm sẽ khỏi bệnh chứ chẳng lẽ nhìn tôm bệnh chết dần”.

Nông dân Nguyễn Văn Quắn

Ông Việt cho biết: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu phân bón nên nông dân rất khó lựa chọn vì thiếu thông tin. Những nhãn hiệu uy tín từ lâu đời thì giá tương đối cao, những nhãn hiệu mới thì nông dân không an tâm chọn để dùng…”.

Ông Việt cũng cho rằng, khi không có tiền để trả tiền mặt thì nông dân chấp nhận mua chịu với giá cao, nhưng đôi khi còn chịu sự “hướng dẫn” của các đại lý sử dụng các nhãn hiệu mới (với mức chiết khấu cao hơn). Nông dân cũng biết được điều này nhưng vì mua chịu nên phải “bấm bụng” chịu thiệt thòi. Khi biết phân kém chất lượng, phân giả thì nông dân đều lãnh đủ.

Phân bón đã vậy, thị trường thuốc BVTV, thuốc trị bệnh tôm, cá thì càng nhiêu khê hơn vì có hàng trăm loại và nhãn hiệu. Gia đình ông Nguyễn Văn Quắn ở xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) thường xuyên dùng phải thuốc trị bệnh cho tôm không rõ nguồn gốc.

Mới đây, ông Quắn vừa mua 2 gói thuốc ANTI HB đặc trị gan cho tôm, trên bao bì một mặt ghi bằng tiếng Anh, mặt còn lại ghi tiếng Việt có hướng dẫn sử dụng và nhà nhập khẩu là Ocean Aquatech Solution LTD; CO. Sau khi đọc kỹ, ông Quắn cũng lúng túng vì thông thường thuốc nhập khẩu thì có nhãn ghi rõ đơn vị nhập khẩu và địa chỉ, số điện thoại để có vấn đề gì liên hệ, đằng này 2 gói thuốc không thấy thông tin gì.

Ông Quắn cho biết: “Tên công ty mập mờ toàn bằng tiếng nước ngoài, nông dân như tôi không biết đường đâu mà lần. Tôi coi kỹ bao thuốc đề kháng cho tôm hiệu C MAX cũng không có tên nhà nhập khẩu và địa chỉ. Biết vậy cũng đành bấm bụng sử dụng nếu “may thầy, phước chủ” thì tôm sẽ khỏi bệnh chứ chẳng lẽ nhìn tôm bệnh chết dần, chết mòn…”. Ông Quắn đã tốn tiền triệu cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng như vậy.

Lãnh đủ vì hàng giả

Tháng 1.2012, người dân trồng hoa ở làng hoa Mỹ Phong (xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) “méo mặt” vì mua phải phân bón kém chất lượng. Tổng cộng có hơn 30.000 giỏ hoa sau khi sử dụng phân bón hiệu Lân Đỏ (do Công ty TNHH Phân bón Vì Dân ở Hóc Môn, TP. HCM sản xuất) đã bị cháy lá, tổng thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trước đó, Công ty Vì Dân đã tổ chức hội thảo đầu bờ tại quán cà phê ở TP. Mỹ Tho mà không xin phép chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Ông Nguyễn Quốc Thanh ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Phong trồng trên trên 1.000 chậu hoa bán tết bị thiệt hại do sử dụng phân bón Lân Đỏ. Ông Thanh cho biết: “Vườn hoa nhà tôi đang xanh tốt nhưng khi sử dụng phân bón Lân Đỏ thì bị cháy lá te tua, thất thu mấy chục triệu đồng. Trong khi đó, tôi đã sử dụng liều lượng đúng theo hướng dẫn của công ty đã đưa ra tại cuộc hội thảo”.

Xác định nguyên nhân là do phân bón dỏm nên các hộ trồng hoa đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng cầu cứu và yêu cầu công ty phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, hầu hết nông dân sử dụng loại phân bón dỏm này đều mất mùa hoa bán tết và bị thiệt hại khá lớn.

Đầu năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn Tui ở ấp 9A1, xã Vị Bình (huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) canh tác 7 công lúa thì có 5 công bị ảnh hưởng do xịt thuốc của Công ty Pháp - Thụy Sĩ (chuyên kinh doanh thuốc BVTV, phân bón). Ông Tui cho biết: “Gia đình tôi có 2 thửa ruộng, chỉ thửa 5 công xịt thuốc dưỡng cây của công ty này thì bị thiệt hại, còn thửa 2 công không xịt thuốc thì phát triển bình thường”.

Theo ông Tui, từ đầu vụ đông xuân, đại lý thuốc bảo vệ ở huyện Châu Thành A có tổ chức hội thảo nên một số nông dân ở xã Vị Bình đến dự. Khi đó nhân viên Công ty Pháp – Thụy Sĩ giới thiệu thuốc dưỡng bệnh cho cây lúa nhằm giảm lép hạt, đạo ôn… Nông dân đem về sử dụng theo đúng hướng dẫn trên bao bì thì xảy ra tình trạng trên. Cuối cùng, công ty chỉ hỗ trợ thiệt hại cho nông dân 50%...

“Chúng tôi cho kiểm tra liên tục và đột xuất các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón và thuốc BVTV. Thực trạng đáng buồn là kiểm đâu “dính” đó. Hiện nay, quy định xử phạt đối với vấn nạn này còn quá nhẹ và có kẽ hở. Ví dụ, đối với mẫu vật tư nghi kém chất lượng, trong thời gian chúng tôi đưa đi kiểm tra thì không được phép niêm phong số hàng vì chưa xác định được họ có vi phạm không, đến khi có kết quả thì họ đã… bán sạch, tiền lãi dư sức đóng phạt."

"Nạn vật tư nông nghiệp dỏm hoành hành đã làm nông dân khổ càng thêm khổ. Các doanh nghiệp làm ăn gian dối là ăn trên lưng người nông dân. Tôi đề nghị phải có chế tài thật nặng, xử lý thật nghiêm những doanh nghiệp vi phạm để nông dân bớt khổ."

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem