Vật vã sống cùng di sản

Thứ năm, ngày 16/05/2013 06:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phải đến khi người dân làng cổ Đường Lâm (Hà Nội) “tức nước vỡ bờ” bằng một lá đơn xin trả lại danh hiệu di sản văn hóa vì quá khổ, người ta mới giật mình.
Bình luận 0

Hóa ra lâu nay, người dân sở hữu di sản đang bị khai thác một chiều mà không hề được quan tâm, săn sóc.

Khốn đốn vì di tích

Tiếp chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Lâm (sinh năm 1953, ngụ ấp Bình Tả 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) không ngừng bày tỏ nỗi khổ vì bị các cơ quan chức năng “mượn” đất nông nghiệp của gia đình để tìm cổ vật gần 30 năm nay nhưng đến giờ vẫn không trả đất, cũng không nói gì chuyện bồi thường.

img
Bà Lâm bên “di tích” treo gần 30 năm qua.

Theo đơn của bà Lâm, gia đình bà có 7 nhân khẩu, sinh sống nhiều đời bằng nghề làm ruộng. Năm 1985, đoàn khảo cổ của tỉnh Long An đã đến gặp bà Lâm xin khảo sát, đào xới tìm cổ vật trên diện tích đất trồng xoài và trỉa đậu của gia đình bà. “Cán bộ trên tỉnh xuống nói chỉ đào mấy cái rãnh nhỏ để khảo sát, tôi nghĩ đây là công chuyện của Nhà nước nên gật đầu. Dè đâu đào được rãnh nhỏ, họ đào tiếp hố to, sau đó xới tung cả khu vườn” – bà Lâm nói.

Sau 1 năm đào bới, đoàn khảo cổ đã tìm thấy một số cổ vật có giá trị, được gọi là di tích Óc Eo – Gò Xoài. Tuy nhiên, khi việc khai quật đã hoàn tất, đoàn khảo cổ đã không thực hiện bất kỳ biện pháp nào để trả lại hiện trạng ban đầu của mảnh đất. Toàn bộ diện tích đất vườn của bà Lâm hơn 1.000m2 đã bị đào xới tan nát, tạo ra nhiều hố sâu nên gia đình bà không thể tiếp tục canh tác trong suốt mấy chục năm. Đoàn cũng yêu cầu gia đình bà giữ nguyên hiện trường, chờ... công nhận di tích.

Theo ông Phạm Văn Trấn - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Long An, sở đã phối hợp với UBND huyện Đức Hòa chỉ đạo BQL dự án ký kết hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tiến hành kê biên, bồi thường giải phóng mặt bằng cụm di tích Gò Xoài. Công việc này đã hoàn thành trong năm 2011 với tổng kinh phí 11,3 tỷ đồng nhưng đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có phương án bố trí vốn nên chưa thể bồi thường cho người dân. Riêng thiệt hại của bà Lâm về thất thu hoa màu trong gần 30 năm, phương án bồi thường không đề cập.

Bà Lâm làm đơn khiếu nại, đến 25 năm sau, tức năm 2010, có đoàn công tác gồm Bảo tàng Long An, đại diện ngành tài nguyên môi trường huyện và chính quyền địa phương đến gặp bà Lâm để thông báo sẽ quy hoạch khu đất đã bị đào xới trước đây của gia đình bà làm khu di tích.

Tuy nhiên, phương án đền bù không nói gì đến thiệt hại thực tế mà gia đình bà phải chịu trong gần 30 năm qua. “Cứ tính bình quân mỗi năm trên diện tích này tui trồng hoa màu và cây ăn trái, dù ít hay nhiều cũng đem về nguồn thu đáng kể cho gia đình, Nhà nước không bồi thường thêm khoản này thì tội cho dân quá”- bà Lâm bức xúc nói.

Muôn nỗi lo lắng

Cụm nhà cổ Thanh Phú Long (Long An) được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia từ năm 2007. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Hữu, 4 ngôi nhà được xây dựng từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, theo kiến trúc 3 gian, 2 chái với 4 hàng cột gỗ căm xe, mỗi cột bằng cả vòng tay ôm. Các bức hoành phi, liễn... được chạm trổ thủ công với hình hoa lá, chim thú.

Vật liệu dựng cụm nhà này đều là gỗ quý lâu năm, do những nhóm thợ tài hoa ở Huế vào làm ròng rã nhiều năm mới xong. 5 năm sau ngày được công nhận, ngôi nhà bà Trần Thị Ba (con dâu dòng họ Nguyễn Hữu) đã xuống cấp tới mức không thể sửa chữa, Nhà nước phải phá bỏ dể xây mới với vốn đầu tư lên đến 6,3 tỷ đồng. Ba căn còn lại, 2 căn đã mục nát và có thể sập bất kỳ lúc nào.

Chỉ còn căn nhà của ông Nguyễn Hữu Xuân là còn ở được, nhưng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Xuân cho biết, cơ quan chức năng nhiều lần xuống khảo sát ngôi nhà, chụp ảnh, ghi chép cẩn thận và hứa sẽ sửa chữa với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, cả nhà ông Xuân lại vô cùng lo lắng vì nhà được công nhận di tích và không muốn Nhà nước tham gia sửa chữa. “Vợ chồng tôi đều là giáo viên nghỉ hưu, tiền bạc tuy ít thật nhưng không muốn giao nhà cho Nhà nước sửa chữa, cũng không muốn được công nhận di tích vì sợ lằng nhằng. Chúng tôi đang dự định liên hệ với luật sư, nhờ họ hướng dẫn thủ tục xin được xóa công nhận di tích” – ông Xuân nói.

Ở một khía cạnh khác, những người dân trong vùng lõi của Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) lại có nỗi khổ không khác gì dân làng cổ Đường Lâm. Ông Trương Trọng Đ ở thôn Tây Gia, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc) cho biết: “Nhà tôi ở đây đã lâu lắm rồi, nhưng từ khi Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, thì việc muốn tu sửa, cải tạo, nâng cấp hay xây mới nhà cửa cho rộng rãi lại không được phép. Chúng tôi mong Nhà nước tìm hướng giải quyết gì để cho chúng tôi được sửa chữa ngôi nhà vì hiện nay đã xuống cấp lắm rồi”.

Còn bà Trần Thị T ở thôn Đông Môn, xã Vĩnh Long thì phàn nàn: “Được danh hiệu ai mà chẳng vui, nhưng khổ cái chúng tôi lại không được sửa chữa hay xây mới nhà cửa trên mảnh đất của nhà mình. Con cái đã lớn cả, muốn lấy vợ, lấy chồng, rồi tách hộ ra ở riêng thì phải xây thêm, nhưng lại chưa được Nhà nước cho phép. Chúng tôi rất cần sự quan tâm của Nhà nước về việc cho phép xây dựng nhà cửa để ổn định cuộc sống”.

Còn nữa

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem