Vay tiền online: Con nợ bùng tiền đối mặt với tội hình sự?

Vũ Khoa Thứ hai, ngày 13/03/2023 08:48 AM (GMT+7)
Với các dịch vụ cho vay tiền qua app, nhiều con nợ vẫn đinh ninh rằng với sự nở rộ và có phần lỏng lẻo sẽ tạo ra cơ hội "bùng" nợ. Nhưng thực tế, những chiêu trò khiến người nhẹ dạ phải đối mặt với nhiều hệ lụy.
Bình luận 0

Tiền mất tật mang vì tìm cách bùng nợ app

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các hội nhóm hướng dẫn bùng tiền vay qua các ứng dụng. Các nhóm này đều có số lượng thành viên rất lớn, có khi lên đến cả chục nghìn người tham gia. Đồng thời số lượng bài viết, tương tác cũng dày đặc. Trong đó, nội dung chủ yếu là các bài chia sẻ về cách trốn nợ, "bùng" tiền, chia sẻ các app dễ vay nhưng không phải trả nợ.

Không chỉ có vậy, hàng loạt tài khoản còn mở dịch vụ hỗ trợ bùng tiền vay app.  Theo đó, các "dịch vụ trốn nợ" mọc lên như nấm, trong những hội nhóm này như làm CMND/CCCD giả, nhận "cày" ứng dụng vay tiền online, bán tài khoản Facebook ảo, bán danh bạ giả, nhận gọi điện trấn an người thân... Với CMND giả và danh bạ mới, người vay dễ dàng vay tiền mà không sợ bị ảnh hưởng đến gia đình, người thân. Thậm chí có thành viên còn rao bán sẵn bộ hồ sơ "đẹp" để vay tiền qua app với mức chi phí nhỏ.

Nở rộ "bùng" app con nợ có thể đối mặt với án hình sự - Ảnh 1.

Các hội "bùng" app nở rộ với hàng chục nghìn thành viên

Thực chất, các dịch vụ hỗ trợ tín dụng, tiêu dùng có mục đích hỗ trợ cho nhóm người yếu thế tiếp cận tốt hơn các nhu cầu phục vụ đời sống. người dân có thể thanh toán phí sinh hoạt như điện, nước, viễn thông hoặc mua sắm đồ dùng gia đình. Tuy nhiên, cũng có không ít người do lao vào tệ nạn xã hội, lười lao động bị cuốn vào nợ nần rồi tìm cách xoay sở vay mượn nhưng không có khả năng trả nợ nên coi đó là một "cứu cánh".

Do đó, ngày càng nhiều con nợ có ý định vay tiền qua app rồi "bùng" mà không bất chấp những hệ lụy về sau như người thân, bạn bè bị làm phiền, đe dọa. Mặt khác, bên trong các hội nhóm bày cách "bùng" nợ app cũng tiềm ẩn những chiêu trò để lừa bịp người nhẹ dạ. Đã có trường hợp do quá túng quẫn, nghe theo những lời .. rồi mất tiền vì trả phí cho "dịch vụ tư vấn bùng app" mà không vay được đồng nào.

Dễ vướng vào tội hình sự khi "bùng" nợ

Trao đổi với phóng viên Dân Việt về vấn đề này, Luật sư Khúc Thị Quyên, đoàn Luật sư Hà Nội khẳng định, trong quy định hiện nay có quy định về thời hạn đòi nợ. Đến với nhau bằng quan hệ vay dân sự thì phải có trách nhiệm trả nợ, đây là trách nhiệm vay dân sự của người đi vay, khi đã vay thì phải trả hết.

Mặt khác, Luật sư Khúc Thị Quyên cho biết, hiện nay, nhiều công ty sẵn sàng rao bán khoản nợ sang công ty thu hồi nợ để được thực hiện hợp pháp theo quy định của pháp luật. Nên khi các app không đòi, chủ nợ có thể bán khoản nợ hoặc khởi kiện để đảm bảo con nợ khi vay sẽ phải trả theo đúng nguyên tắc của pháp luật.

Nở rộ "bùng" app con nợ có thể đối mặt với án hình sự - Ảnh 2.

Luật sư Khúc Thị Quyên, Đoàn Luật sư Hà Nội.

"Mặc dù chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp đối với các công ty tài chính, nhưng ở đây có thể điều chỉnh theo nguyên tắc của luật dân sự, các hoạt động vay, cho vay đã thực hiện đúng quy định. Không vay nặng lãi, người vay vẫn phải thực hiện trả đầy đủ. Do đó, tôi cho rằng sẽ rất khó để bùng nợ nếu tổ chức tài chính thực hiện hoạt động cho vay đúng quy định", Luật sư Khúc Thị Quyên nhận định.

Không chỉ đối diện với nguy cơ tiền mất tật mang, những con nợ còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể, Luật sư Khúc Thị Quyên đưa ra hai trường hợp. Thứ nhất, nếu ngay từ ban đầu khi đi vay, người vay đã xác định làm giả giấy tờ, cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân sai để app không liên hệ được thì đây được xác định là hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Bộ luật Hình sự. Thứ hai, nếu đã cung cấp đầy đủ nhưng vẫn bùng, trốn trách nhiệm trả nợ. Con nợ sẽ bị xử lý theo điều 175 Bộ luật Hình sự với tội lạm dụng, chiếm đoạt tài sản. Nếu cơ quan điều tra có đầy đủ căn cứ sẽ bị khởi tố hình sự.

Hiện nay, số lượng doanh nghiệp có tên là công ty tài chính nhưng không phải công ty được phép hoạt động tiền tệ, không được Ngân hàng nhà nước cấp phép nhưng vẫn cho vay nổi lên rất nhiều. Điều này trước hết làm giảm uy tín của những công ty tài chính tiêu dùng chính thức.

Do đó, các chuyên gia về lĩnh vực tài chính khuyến cáo người dân chỉ thực hiện giao dịch với công ty được Ngân hàng nhà nước cấp phép, hoạt động theo luật doanh nghiệp và chịu chi phối của Luật tổ chức tín dụng. Người dân cần nhận định rõ và vay tiền từ các tổ chức đầy đủ pháp lý. Do các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực tiền tệ này phải chịu sự thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các chế tài khác, người dân sẽ được bảo vệ nếu phát hiện ra các tổ chức có hành vi trái pháp luật.

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, hiện tại có 16 công ty có chức năng hoạt động tài chính bao gồm:

Công ty tài chính TNHH MTV Bưu điện; Công ty tài chính TNHH một thành viên Cộng Đồng; Công ty tài chính cổ phần Điện Lực; Công ty tài chính cổ phần Handico; Công ty tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam; Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset; Công ty tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC; Công ty tài chính TNHH HD Saison; Công ty tài chính TNHH MTV Home credit Việt Nam; Công ty tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam; Công ty tài chính TNHH MTV Quốc tế Việt Nam JACCS; Công ty tài chính TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ; Công ty tài chính TNHH MTV Toyota Việt Nam; Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội; Công ty tài chính cổ phần Tín Việt; Công ty tài chính TNHH MB Shinsei.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem