Về bụi tre “mọc ngược” kỳ lạ ở miền Tây xứ Nghệ

Bài, ảnh: Long Sơn Chủ nhật, ngày 05/07/2015 15:00 PM (GMT+7)
Tồn tại ước khoảng trên 1.000 năm tuổi, nhưng loại tre này không giống với các loài tre khác. Tre ở đây có thân nhỏ, rất cứng, đặc biệt các cành tre luôn có xu hướng “độn thổ”. Loại tre mà chúng tôi muốn nói đến giờ chỉ còn lại rất ít, đang cầm cự sinh tồn trên đỉnh đồi Tre Vang (Cây Giới) ở xóm 2, xã Tam Sơn (Anh Sơn, Nghệ An).
Bình luận 0
Cành tre luôn có xu hướng “độn thổ”

Để “chiêm ngưỡng” loại tre kỳ lạ này, mới đây chúng tôi có dịp từ  thành phố Vinh vượt hơn 130km nhiều đèo dốc để thăm lại trung tâm xã Tam Sơn, rồi đi tiếp qua con đường dân sinh xóm 2 với khoảng 20 phút leo núi nữa để lên tới đỉnh đồi Tre Vang năm xưa.
    
Theo lời kể của các bậc cao niên hiện còn sinh sống nơi đây thì loài tre này đã có khoảng trên 1.000 năm tuổi. Sở dĩ người dân nơi đây gọi là “tre mọc ngược” bởi hầu hết các cành tre (tay tre) luôn có hướng mọc xuống đất chứ không hướng lên để đón ánh sáng mặt trời như các loài cây khác.
img
Tre "mọc ngược" kỳ lạ (ảnh: Long Sơn)

Loài tre này còn gắn liền với sự tích một vị tướng từ thời Lý đó là Lý Nhật Quang. Theo đó vào khoảng năm 1.060, miền Tây xứ Nghệ bị quân giặc đánh phá, tướng quân Uy Minh Vương Lý Nhật Quang được lệnh dẫn quân đi đánh. Sau khi đánh thắng quân giặc, trên đường trở về đến Khe Chè (Tương Dương cũ, Con Cuông ngày nay) Lý Nhật Quang cho quân sĩ dừng lại nghỉ chân. Thấy vậy bà con nơi đây hết sức vui mừng, mở tiệc chiêu đãi nghĩa quân, chúc mừng nghĩa quân đại thắng trở về. Cảm kích trước tấm lòng yêu mến của bà con, ông vui vẻ cầm cái điếu cày được làm từ một đoạn tre lộn ngược rít một hơi dài rồi đặt điếu xuống đất. Thật kỳ lạ sau đó từ chiếc điếu cày mọc lên một cây tre vít đầu xuống đất rồi mới uốn ngược lên trời.

Người dân nơi đây cho rằng đây là một loài tre quý, gắn liền với vị tướng lẫy lừng. Để ghi nhận công lao to lớn của ông, người dân từ lâu đã nhân rộng giống tre này trồng ở nhiều nơi trong xã.

Quan sát trực tiếp, chúng tôi thấy những bụi tre kiểu "mọc ngược" này tọa lạc tập trung ở giữa đỉnh núi cao nhất, bao bọc xung quanh là tre mét do người dân trồng từ nhiều năm nay. Loài tre "thiêng" này có thân nhỏ, mắt dày, nhiều gai, cứng, đặc biệt các tay tre luôn có hướng cụp xuống đất.

Được biết hiện tại loài tre "mọc ngược" này chỉ còn lại rất ít và hiện đang do 2 gia đình ông Lê Thế Viêng và ông Lê Thế Tiêng ( xóm 2, Tam Sơn ) trực tiếp quản lý, trông coi. “Từ năm 1963, khi chúng tôi đến lập nghiệp đã thấy loài tre này rồi. Trước đây loài tre này mọc ở nhiều nơi trong xã, tuy nhiên theo thời gian, chiến tranh tàn phá, con người phá hủy để lấy đất sản xuất nên loài tre này đã bị suy giảm số lượng. Hiện chỉ còn 5 bụi tre sinh tồn duy nhất trên đỉnh đồi tre vang ” - Ông Viêng cho biết.

img
Ông Viêng đang kể về loài tre mọc ngược.
Nói về khả năng sinh trưởng của loài tre này, ông Tiêng cho biết thêm: “loài tre này sinh trưởng chậm, thời gian từ lúc tre ra măng cho đến khi mọc cành lá đầy đủ phải kéo dài gấp 2- 3 lần so với lài tre thông thường khác. Nếu các anh chú ý quan sát sẽ thấy ở bất cứ mắt tre nào chiếc gai nằm giữa luôn mọc dài hơn cả và phát triển thành một cành mới…”.

Ông Tiêng khẳng định: “Không phải vì cành tre (tai tre) mọc dày quá nên phải mọc chui xuống đất, cũng không phải vì cành dài và bị “vít” xuống. Những cành tre dù bị chặt đi từ rất sớm chỉ còn một đoạn ngắn, và không bị chen lấn nhưng vẫn đâm hướng xuống mặt đất…”.
PGS. Ninh Viết Giao, Tổng thư ký Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An trong một lần trò chuyện với sinh viên các trường đại học tại Nghệ An đã nhắc đến một loại tre đặc biệt và hiện chỉ còn xuất hiện tại Nghệ An. Theo đó, loài tre này mọc ngược, gắn với một câu chuyện lịch sử khá đặc biệt và đã tồn tại gần 1.000 năm.

Mô tả về loài tre này, PGS. Ninh Viết Giao cho biết, loại tre với kiểu mọc khác thường ấy có hình thù rất đặc biệt: Tất cả từ cành, gai đến thân cây đều mọc ngược, ai nhìn vào cũng phải để ý.

(Nguồn: VTC News)

Tre quý trước nguy cơ tuyệt chủng

img

img
Những bụi tre như thế này giờ chỉ còn rất ít.

Trao đổi với Ông Nguyễn Văn Toàn Chủ tịch UBND xã Tam Sơn về loài tre quý này, ông Toàn cho biết, sau khi loài tre này được đăng tải trên một số phương tiện truyền thông, UBND huyện Anh Sơn đã cử ngay cán bộ xuống thị sát, kiểm tra đánh giá và có phương án, đề xuất bảo tồn loại tre này.

Tuy nhiên, qua quan sát trực tiếp chúng tôi thấy loài tre này đang bị suy giảm về khả năng phát triển. Tre không còn ra nhiều măng, không còn được xanh tốt như bình thường và đang đứng trước nguy cơ bị chủ nhân phá hủy để lấy đất trồng các loài cây khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem