Hòn Đá Bạc là một cụm đảo đẹp gồm ba hòn lớn nhỏ nằm gần nhau là: Hòn Ông Ngộ, hòn Đá Lẻ và hòn Đá Bạc nằm sát bờ biển Tây và hiện là điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau…
Huyền thoại hòn Đá Bạc
Có thể nói, hòn Đá Bạc là nét chấm phá kỳ diệu của thiên nhiên với những câu chuyện huyền thoại, là nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân miền biển. Hòn Đá Bạc hiện đang được đầu tư xây dựng, phát triển thành Khu du lịch sinh thái phục vụ du khách trong và ngoài nước.
|
Vẻ đẹp hoang sơ của hòn Đá Bạc. |
Hòn Đá Bạc thuộc xóm Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, cách đất liền gần 1km, diện tích rộng khoảng 6,34ha, là một trong những danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng của tỉnh Cà Mau. Hòn Đá Bạc được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia vào ngày 22.6.2009. Hòn Đá Bạc được chia làm 4 ngọn: Hai cao, hai thấp nhô ra ngoài biển. Xung quanh có nhiều tảng đá nối liến nằm chồng lên nhau trông khá đẹp mắt.
Theo những ngư dân cao niên cho biết, ở hòn đảo này chứa đựng nhiều câu chuyện huyền thoại, bí ẩn về bàn tay tiên, bàn chân tiên, sân tiên, giếng nước tiên và đặc biệt là nơi hội tụ nhiều giá trị tâm linh của người dân miền biển với Lăng Ông ghi lại câu chuyện huyền bí về cá Ông cứu người bị nạn trên biển. Lăng Ông - hòn Đá Bạc hình thành từ năm 1995, khi ngư dân phát hiện cá voi (ngư dân gọi là "Ông Nam Hải") dạt vào bờ và "lụy". Biết có điềm lành, dân xóm hòn tổ chức an táng "Ông" và sau đó mang hài cốt về lập miếu thờ trên đỉnh hòn Đá Bạc. Theo quan niệm của ngư dân, cá voi là loài vật linh thiêng, chuyên cứu người khi gặp nạn trên biển. Vì vậy mà họ luôn tôn thờ và phong tặng cho loài cá voi là "Đại tướng quân Nam Hải".
Hằng năm, đến ngày 23.5 Âm lịch, hòn Đá Bạc lại rộn ràng đón tiếp hàng ngàn lượt người đến cúng Ông Nam Hải. Lễ cúng Ông là nhu cầu giải trí, giao lưu và cố kết cộng đồng ngư dân, vừa tôn vinh các giá trị văn hóa dân gian của người dân ven biển.
Tham quan lăng Ông - hòn Đá Bạc, du khách sẽ được nghe những giai thoại và hiện thực về loài cá này. Trên bức tường lăng Ông có bút tích của ông Nguyễn Văn Hùng, một chủ tàu ngụ tại số nhà 370, khu phố 4, An Hòa, Rạch Giá, Kiên Giang, là chủ chiếc ghe số 919 đã được Ông cứu nạn vào năm 1996.
Lẫy lừng chuyên án CM12
Ngoài phong cảnh hoang sơ, hùng vĩ có một điều đặc biệt khiến du khách trong và ngoài nước mỗi khi đặt chân đến nơi này để khám phá chính là Tượng đài Bảo vệ an ninh Tổ quốc, nơi ghi dấu chiến thắng Kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng an ninh Việt Nam, đập tan âm mưu của bọn phản động do Mai Văn Hạnh và Lê Quốc Túy cầm đầu.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm - nguyên Cục trưởng Cục An ninh Tây Nam Bộ, người gắn chặt với Kế hoạch CM12 trong vai trò của một "Kinh Kha quốc nội" với ám danh NKA2, nhắc lại chuyện của gần 30 năm trước với vẻ tự hào. Trước khi Kế hoạch CM12 mở màn (lúc đó Thiếu tướng Hồ Việt Lắm là Phó Công an huyện Trần Văn Thời- PV), ông cho biết: "Địa bàn huyện này là trọng điểm của bọn tội phạm tổ chức trốn ra nước ngoài. Nếu không có các "tổ đi bờ" (vừa đi nhặt vật rơi bãi biển, vừa giúp công an giám sát, nghe ngóng địa bàn, đối tượng… PV) của nhân dân, kịp thời cung cấp cho công an những nguồn tin giá trị thì tình hình an ninh trật tự ven biển, nhất là tình hình đưa người vượt biên trái phép, sẽ diễn biến rất phức tạp".
Theo đánh giá, Kế hoạch CM12 là một trong những trận đánh hay nhất của lực lượng CAND kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Trong hơn 3 năm (từ 1981 đến tháng 9.1984), địch đã đưa quân về trong nước và chúng ta đã đón bắt tại hòn Đá Bạc 18 chuyến xâm nhập, với 189 tên gián điệp, biệt kích, trong đó có 2 trong 3 tên cầm đầu tổ chức; 143 lượt tàu với 3.679 khẩu súng các loại; 90 tấn đạn; 1.200kg chất nổ; 14 tấn tiền Việt Nam giả, nhiều điện đài và phương tiện hoạt động phá hoại khác. Ta đã bắt sống Mai Văn Hạnh và phát hiện, đấu tranh bóc gỡ 10 tổ chức địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, Đông và Tây Nam Bộ, TP.HCM, trong các cơ quan chính quyền, các tổ chức tôn giáo…
Đại tá Trần Phương Thế (Tám Thậm) - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Giám đốc Công an tỉnh (khi được phân công tham gia Kế hoạch CM12 đang là Trưởng phòng Chống gián điệp Công an tỉnh), là người từng có thời gian cùng ăn, ở và sống cùng với Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh, với ám danh NKA1 từng kể rằng: Người dân ven biển Cà Mau bấy giờ rất nghèo khó, luôn bám biển để mưu sinh với ngư cụ là đăng, đó, lưới cá.
Khi bắt đầu Kế hoạch CM12, nhiều khu vực bãi biển bỗng dưng bị "hạn chế", nhưng hiểu được ý nghĩa của sự bình yên, nhiều bà con đã thay đổi kế mưu sinh. Người dân còn nhiệt tình giúp phương tiện, tiếp tế lương thực cho cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ. Và có nhiều tình huống dù rất nhỏ nhưng nếu không được sự giúp đỡ của nhân dân thì Kế hoạch CM12 sẽ bị ảnh hưởng hoặc gặp khó khăn rất nhiều.
Nhắc đến chiến thắng CM12, không thể nào quên về tấm lòng của những người dân quả cảm, đã lặng lẽ hy sinh mọi riêng tư khi tổ quốc cần. Đó là má Sáu ở Vàm Tham Trơi - người đã cho mượn mảnh vườn sau nhà để làm kho vũ khí giả khi bọn Túy - Hạnh vào "quốc nội" kiểm tra năm 1982; là ông Phan Văn Tài ở Vàm Rạch Ruộng - người đã cho mượn vườn lá làm "mật cứ"… giả; là ông Tạ Văn Thạnh ở Rạch Chồn Gầm - người đã cho mượn nhà để cất giấu vũ khí mà ta thu được của địch; là ông Tư Hà ở thị trấn Sông Đốc - người cho mượn tàu vận chuyển vũ khí;…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng nhấn mạnh: "Chiến thắng CM12 làm thất bại âm mưu hoạt động của bọn phản động quốc tế hòng gây mất ổn định chính trị ở thời điểm đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn hết sức cam go; mở hướng tấn công, triệt phá nhiều tổ chức phản động và các tổ chức gián điệp cài lại trong nước".
ĐứcKhánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.