Thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài tỉnh, lễ hội với mục đích cầu cho “quốc thái dân an”, bày tỏ lòng tri ân của dân làng đối với Bà Chợ Được - người đã đem lại cuộc sống thanh bình cho dân làng.
Theo thần phả tương truyền lại, Bà Chợ Được tên thật là Nguyễn Thị Thiếp, húy là Của, sinh năm 1799, người gốc làng Phường Chào, thuộc châu Phiếm Ái, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam). Khi tạ thế, "hồn" bà xuôi dòng Trường Giang chu du đến làng Phước Ấm (xã Bình Triều), linh ứng dựng nên Chợ Được đông vui, sầm uất.
|
Lễ rước cộ Bà tái hiện hình ảnh những nhân vật trong lịch sử dân tộc |
Bị "trừng phạt" vì xúc xiểm mộ Bà
Đạo thờ Bà của người dân xứ QuảngTục thờ Bà Chợ Được có nguồn gốc từ nguyên lý thờ Mẹ của người Việt (Bà Chúa Liễu Hạnh) và tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm (Pô Inư Nagar). Khi vào miền Trung, người Việt gặp và tiếp thu tín ngưỡng thờ Mẫu hay thờ nữ thần của người Chăm. Để rồi sau đó vài thế kỷ, tại vùng đất Quảng Nam, những mẫu người Mẹ xứ sở xuất hiện. Đạo thờ Mẫu dần dần thâm nhập sâu vào đời sống của người dân Quảng Nam và nhanh chóng trở thành một tín ngưỡng phổ biến. Nhân dân địa phương vẫn quen gọi là tục thờ Bà với sự phong phú và đa dạng trong đối tượng suy tôn, như: Bà Thiên Y A Na, Bà Chúa Ngọc, Bà Thu Bồn, Bà Chợ Được, Bà Chiêm Sơn, Bà Phường Chào, Bà Chúa Lồi, Bà Dàng (Yang)...
Lễ hội Bà Chợ Được đã đi vào tiềm thức của người dân như một nét sinh hoạt tín ngưỡng không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Hình ảnh Bà Chợ Được được khắc họa rõ nét với lòng nhân từ và đức hy sinh qua những sự tích kỳ lạ lưu truyền trong dân gian. Lúc thân mẫu Bà trở dạ, ngoài trời xuất hiện một cơn gió quay cuồng, cát bụi mù mịt, mây trắng bồng bềnh che phủ một vùng trời.
Phổ hệ dòng họ có chép, cha Bà tên Trí, từng làm quan trong triều Lê đến chức Đặc tấn tùng đại phu. Mẹ Bà họ Trịnh, húy là Tình. Bà sinh ra ở chốn khuê các, uy nghiêm. Bà có dáng người khỏe mạnh, trắng như tuyết, thơm như hoa, bước đi khác thường, tiếng nói sang sảng, trong trẻo, thân thể không có xương. Bà hành nghề bốc thuốc, chữa bệnh cứu người, biến hóa thần thông để trị bọn tham quan. Tuy nhiên, Bà ra đi khi mới 18 tuổi.
Các vị bô lão trong làng kể rằng, sau khi quy tiên, Bà được chôn cất ở quê nhà. Dân làng hết lòng sùng kính, thường xuyên cử người thay phiên nhau coi giữ, chăm nom ngôi mộ. Rồi một ngày, ngôi mộ Bà bị một con trâu húc đổ.
Ngay sau khi húc ngôi mộ, con trâu liền lăn ra chết, không rõ nguyên do. Sợ Bà quở trách, dân làng đã sắm lễ, mời thầy cúng về tạ lỗi. Sau khi cúng xong, trong khi ngồi trò chuyện, vị thầy cúng đã vô ý nói lời xúc xiểm đến Bà: “Trâu chết là việc tình cờ thôi, chứ có gì mô mà linh thiêng”. Vừa nói xong, đầu ông bỗng đau như búa bổ, vài ngày sau ông đột tử cũng không rõ căn nguyên.
Sau sự việc đó, vì điều kiện kinh tế khó khăn, dân làng nhà ai lo chuyện nhà nấy, tỏ ra thờ ơ, không chịu tu sửa hay cúng tạ thường niên nên làng liên tiếp bị mất mùa và gặp chuyện xui xẻo. Sau đó, dân làng sắm lễ vật lớn, rước thầy cúng về cúng bái thì mới xả hết vận hạn cho làng.
Năm Thành Thái thứ 6, dân làng Phước Ấm và thương gia Chợ Được đã làm đơn trình lên phủ, tỉnh và Bộ Lễ xin ban sắc phong Bà Chợ Được là “Tề thục dực bảo trung hưng trung đẳng thần”. Năm Khải Định tứ tuần thì Bà được phong sắc "Trang huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần". Bà còn được suy tôn làm "Tề thục dực bảo trang huy thượng đẳng thần", "Thần nữ linh ứng Nguyễn Thị Tôn Thần"...
Trong thời kỳ chiến tranh, Bà đã "báo mộng" và "linh ứng" cho dân làng tránh được những vụ oanh tạc của máy bay Mỹ. Nơi Bà hiển linh để xây chợ trở thành hầm trú ẩn, “pháo đài” kiên cố của quân và dân trong làng. Kể từ đó, dân làng Phiếm Ái đã chung góp công của để xây một ngôi miếu Bà và cử người cháu nhiều đời của Bà là ông Nguyễn Thục chăm lo hương khói, giỗ chạp hằng năm.
Hiển linh xây chợ, lập làng
|
Lễ rước cộ Bà Chợ Được |
Theo thần phả chép lại, sau khi tạ thế, hồn Bà Chợ Được chu du khắp vùng sông nước Trường Giang. Năm Tự Đức thứ 5, hồn Bà lãng du đến làng Phước Ấm bên dòng Trường Giang, thấy phong cảnh hữu tình, trên có rừng, dưới có sông núi, lại nằm ở vị trí cửa sông, gần đường lộ nên Bà đã hiển linh để báo mộng cho dân làng Phước Ấm xây chợ, quy tụ dân cư lập làng.
Ban đầu, Bà cho dựng một quán nước nhỏ bên vệ đường, gần mép sông, người qua kẻ lại ngày một đông. Dần dà, thôn vắng trở thành chợ tấp nập, nhộn nhịp, dân tứ phương kéo về dựng quán, xây nhà như đô hội.
Khúc sông Trường Giang hoang vắng ngày xưa nay ghe thuyền tới lui tấp nập, có cả đoàn ghe bầu hàng chục chiếc, buôn hàng tận Gia Định, Đồng Nai, có cả thương gia Nhật kiều, Hoa kiều... Rồi ngôi chợ được xây lên, dân chúng gọi đó là Chợ Được (hàm nghĩa cầu mua may bán được) hay Chợ Bà. Sau khi xây xong, nhằm tạ ơn đức Bà, dân làng đã lập ngôi miếu để thờ Bà với mong muốn Bà phù hộ độ trì cho dân làng buôn bán, làm ăn khấm khá.
Ông Vũ Thanh Xuân ở thôn Phước Ấm (52 tuổi, người được dân làng giao nhiệm vụ trông coi lăng Bà) cho biết: “Bà luôn phù hộ cho dân làng tai qua nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ. Lớp trẻ trong làng ai tôn kính Bà luôn gặp nhiều may mắn. Người đi học thì học giỏi. Kẻ đi làm thì thành đạt… Hằng năm, cứ đến ngày lễ lệ Bà, con cháu từ khắp nơi lại hành hương về vía Bà để cầu mong một năm tốt lành”.
Hiện nay, quần thể cụm di tích Lăng Bà Chợ Được đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Cụm di tích Lăng Bà bao gồm: lăng Bà Được, đình làng Phước Ấm và không gian chợ cùng bến sông. Lễ rước cộ Bà tái hiện hình ảnh những nhân vật trong lịch sử dân tộc như: Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc, Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân, bước chân thần tốc của người anh hùng áo vải Tây Sơn... nhằm giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho con cháu.
Theo Dòng Đời
Vui lòng nhập nội dung bình luận.