Về quy định không đặt tên doanh nghiệp trùng tên danh nhân: Đừng quản kiểu “giết nhầm hơn bỏ sót”!

Mai Hương (thực hiện) Thứ sáu, ngày 24/10/2014 06:28 AM (GMT+7)
“Chỉ vì sợ doanh nghiệp (DN) đặt tên “phạm húy” mà ra văn bản cấm tiệt hết sẽ thành ra phản cảm, lố bịch”. Luật sư Trần Hữu Huỳnh (ảnh) - nguyên Trưởng ban Pháp chế VCCI (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) đã nói như vậy khi trao đổi với phóng viên NTNN về quy định không đặt tên DN trùng tên danh nhân (xem NTNN số 254/2014).
Bình luận 0

Thưa ông, ông nghĩ thế nào về quy định “đặt tên DN trùng tên danh nhân là vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc” mà Thông tư số 10/2014/TT-BVHTTDL đưa ra?

img “ ...họ làm ăn không chân chính thì không cần biết là tên DN trùng tên danh nhân hay không trùng tên danh nhân, bản thân người tiêu dùng cũng sẽ tẩy chay sản phẩm của họ...”  (ảnh trang web của một doanh nghiệp trùng tên danh nhân).   

 

- Hiện nay, rất nhiều đường phố, trường học, bệnh viện… mang tên danh nhân. Giả sử, nếu trên đường phố, trường học hay bệnh viện đó có xảy ra các vụ giết người, lừa đảo, đánh nhau, kinh doanh mại dâm… thì việc phải nhắc tên đường, trường, bệnh viện đó vẫn phải xảy ra chẳng khác gì với DN cả. Vậy chỉ cấm với một loại đối tượng là DN thôi thì có ích gì trong việc quản lý truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc?! Chưa kể, với DN họ phải bỏ tiền đầu tư, kinh doanh thì chuyện phản ứng của người tiêu dùng với cái tên của họ là rất quan trọng. Do vậy, xét về kinh doanh, việc DN đặt tên phản cảm là không hợp lý ngay với chính bản thân họ. Nếu sản phẩm của họ dở, họ làm ăn không chân chính thì không cần biết là tên DN trùng tên danh nhân hay không trùng tên danh nhân, bản thân người tiêu dùng cũng sẽ tẩy chay sản phẩm của họ.

Nếu thông tư này có hiệu lực từ 25.11 tới đây và vẫn không có sự chỉnh sửa nào thì với những DN đã đặt tên như “Nha khoa quốc tế Nguyễn Du” hay “Bia Sài Gòn”… sẽ phải xử lý như thế nào, thưa ông?

- Đương nhiên DN nào đã có tên là đã được pháp luật bảo hộ. Tên ấy còn thành giá trị tài sản, thương hiệu của DN rồi. Trừ điều kiện bắt buộc mà DN buộc phải đổi tên thì phải rất đặc biệt bởi nó làm phương hại tới DN và về lý thì Nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho DN nếu bắt họ phải “thay tên đổi họ”, thu hồi tên tuổi. Theo tôi, lẽ ra thay vì ban hành thông tư này, một số cơ quan, tổ chức văn hóa xã hội, nhà nghiên cứu cùng ngồi lại với nhau nghiên cứu tên này tên kia không nên đặt, có cơ sở phân tích cụ thể, và chỉ nên “khoanh” thật ít các tên “phạm húy” thôi. Song chúng ta lại không làm thế…

Vậy theo ông, nếu quy định này không được rút lại thì DN phải làm sao, xã hội phải nhìn nhận điều này như thế nào?


img
Luật sư Trần Hữu Quỳnh
 
Khi một DN mang tên danh nhân mà vi phạm về chất lượng sản phẩm hay lừa đảo… thì hậu quả cũng giống như những tiêu cực xảy ra tại các trường học, bệnh viện hay trên đường phố mang tên danh nhân. Vậy chỉ cấm với một loại đối tượng là DN thôi thì có ích gì trong việc quản lý truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc?!”.

 
- Tôi vẫn khẳng định nhiều trường hợp DN đặt tên trùng tên danh nhân sẽ không cấm được, ví dụ tên đó cũng là tên của người thành lập DN hoặc nhiều tên mà ngay cơ quan nhà nước còn chả xác định rõ là danh nhân hay không phải danh nhân, các tên danh nhân còn đang nằm ở giữa ranh giới của sự suy đoán… Như vậy, nếu chúng ta chấp thuận cho DN đặt các tên này thì ý nghĩa quản lý của thông tư sẽ không thành, mà không cho thì thành “dở hơi”. Tôi cho rằng, nếu cứ phải cấm thì chỉ nên dự định vài cái tên đặc biệt riêng, những tên này dứt khoát sẽ không nên đặt thì có thể còn khả dĩ và phải rõ ràng ra để quản lý được, chứ cấm tiệt theo kiểu “giết nhầm còn hơn bỏ sót” sẽ thành ra phản cảm, lố bịch. Còn lại hãy để cho thị trường tự điều chỉnh, người đặt tên DN theo kiểu chơi ngông, chơi trội, lố bịch, phản cảm sẽ bị trả giá.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 

 

 

 

TS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian:Nếu vướng mắc, dân nên hỏi Bộ trưởng

Bản thân tôi cũng chưa biết theo Thông tư này thì “danh nhân” sẽ được xác định thế nào. Từ trước tới giờ trên văn đàn chưa có một cuộc bàn luận “thế nào là danh nhân”, các nhà nghiên cứu sử học, nhà nghiên cứu văn hóa cũng chưa bao giờ bàn về danh nhân cả. Về chuyện không được dùng tên danh nhân để đặt cho DN, có ý kiến thắc mắc tại sao tên danh nhân dùng đặt cho đường phố được mà DN không được đặt tên, theo tôi, đặt tên danh nhân cho đường phố là để tôn vinh, để mọi người tưởng nhớ, còn đặt cho DN là chuyện của lợi ích cá nhân DN nên không thể lẫn lộn. Đó là nói chung thế thôi, còn trong chuyện này, nếu các DN có thắc mắc gì thì nên gửi câu hỏi đến cho Bộ trưởng Bộ VHTTDL để được trả lời. 

GS Nguyễn Quang Ngọc - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Hà Nội:Cần có tiêu chí cụ thể 

Theo định nghĩa thì “Danh nhân là người nổi tiếng”, vậy thì nó cũng vô cùng lắm, vì bây giờ người ta có nhiều cách để nổi tiếng, “nổi tiếng” bao hàm cả chuyện tốt và chuyện xấu. Ví dụ với cái làng của tôi, thì có khi tôi chính là một người nổi tiếng, nhưng với huyện, với tỉnh thì tôi chả là gì, chả ai biết tôi. Vì thế cũng cần phải xác định khu vực, tầm ảnh hưởng của người nổi tiếng nữa. Từ đó suy ra, cần phải có một định nghĩa “danh nhân” là người nổi tiếng về khía cạnh tích cực, ở một tầm mức nào đó có ảnh hưởng nhất định. Nếu một DN lấy tên Trần Hưng Đạo (mà không phải tên khai sinh) thì rõ ràng cần cân nhắc, vì như thế là đụng đến một nhân vật nổi tiếng của dân tộc. Tôi vừa từ TP. HCM trở ra Hà Nội, trong đó có một tên đường là Nguyễn Văn Đâu, tôi tuyệt nhiên không biết nhân vật này là ai, có ảnh hưởng thế nào, tuy nhiên, vì là ở địa phương đó, người ta muốn tưởng nhớ công ơn thì người ta vẫn đặt. Bởi vậy, quanh chuyện đặt tên này, điều cần nhất là phải đưa ra được những tiêu chí xác định cụ thể: Thế nào là “danh nhân” chứ không thể chỉ nói chung chung, gây khó cho những đối tượng điều chỉnh. 
Ngọc Anh (ghi)

 


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem