Về việc lập hồ sơ di sản cho "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương"

Thứ năm, ngày 29/03/2012 15:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lễ giỗ Tổ Hùng Vương 2012 là dịp thẩm định thực tế cuối cùng để hoàn thiện hồ sơ di sản cho "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" dự kiến sẽ trình lên UNESCO vào cuối năm nay.
Bình luận 0

Phóng viên NTNN có cuộc trao đổi với GS-TS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, người phản biện cho đề án này.

Một trong những tiêu chí quan trọng nhất để UNESCO công nhận một di sản văn hóa là yếu tố di sản đó phải là sở hữu của cộng đồng, được cộng đồng thực hành và bảo tồn, thế nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện đã và đang bị "Nhà nước hóa" rất nhiều rồi?

- Đó là điều chúng tôi vô cùng băn khoăn lo lắng và lưỡng lự rất nhiều trước bộ hồ sơ mà tỉnh Phú Thọ lập. Đặt vấn đề làm hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại cho “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là một việc tốt, nhưng di sản này khác hoàn toàn với hát xoan, quan họ hay ca trù vì được cũng được mà không được cũng không sao. Còn mang tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là mang ông Tổ của dân tộc VN ra “thi thố”, nói dại lỡ thế giới không công nhận thì điều này sẽ làm tổn thương đến lý trí và tình cảm của triệu triệu người dân VN. Khi đi sâu tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy đây quả thực là một di sản văn hóa vô cùng độc đáo, vấn đề là chúng ta phải làm thế nào để UNESCO hiểu được sự độc đáo ấy.

img
Con cháu thắp hương tưởng nhớ tổ tiên tại Đền Hùng, Phú Thọ.

Đó có phải là điều ông lo lắng nhất hay không?

- Điều khiến chúng tôi băn khoăn vô cùng, lo lắng vô cùng là làm sao chúng ta có thể giải quyết được mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân trong thờ cúng Quốc Tổ. Tất nhiên không có Nhà nước thì không có tín ngưỡng thờ Hùng Vương, nhưng Nhà nước lại “lấn sân”, "quốc gia hóa" một nghi lễ mang tính dân gian thì làm sao UNESCO họ chấp nhận được?

Hôm khai hội đền Hùng vào ngày 26.3, chúng tôi lên Phú Thọ, chính quyền đã cấm không cho người dân vào thắp hương ở đền Thượng. Hỏi thì Ban quản lý bảo sợ dân vào gây lộn xộn nên cấm. Ô hay, thế thì còn gọi gì là tín ngưỡng của nhân dân nữa, dân bị gạt ra ngoài mất rồi, thế là Vua Hùng là của riêng mấy ông lãnh đạo à? Tôi nói thẳng với các lãnh đạo UBND tỉnh điều đó.

Vậy theo ông, phải làm thế nào để giảm phần Nhà nước mà tăng tính nhân dân trong tín ngưỡng thờ cúng này trong khi thời điểm đệ trình hồ sơ đã rất gần rồi?

- Cái này thì tất cả chúng ta cùng phải nghĩ, mà các ông lãnh đạo phải nghĩ nhiều hơn là các nhà khoa học chúng tôi. Trong hội thảo, chúng tôi nêu quan điểm rõ ràng rồi đấy, phải để cho người dân thực hành tín ngưỡng, Nhà nước nên đứng ngoài, khi nào người dân có làm điều gì vi phạm pháp luật thì nhắc nhở. Văn hóa phải thuộc về cộng đồng, nếu tách rời cộng đồng thì văn hóa sẽ chết, sẽ không còn một cái gì cả.

Thưa giáo sư, trong lịch sử, ở các triều đại phong kiến, họ can thiệp vào tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thế nào?

- Tôi muốn nhắc lại một câu chuyện này ở thời Nguyễn, các vua triều Nguyễn đã có chỉ dụ: Giỗ Tổ Hùng Vương năm nào là năm chính thì sẽ có sự tham gia của quan lại triều đình, còn năm nào là năm lẻ (năm phụ) thì triều đình gửi đến 4 đấu gạo nếp thơm để thổi xôi dâng lên thắp hương tiên tổ. Một cách ứng xử văn hóa như thế của triều Nguyễn, chúng ta phải học chứ. Tại sao cứ hết cấp trung ương đến cấp tỉnh luân phiên tham gia vào lễ Giỗ Tổ, hết quan chức nọ đến quan chức kia tham gia vào vị trí chủ tế mà không để cho một bô lão ở địa phương đó thực hiện nghi thức này?

“Nhà nước phải có ý thức giữ gìn tính dân gian của các lễ hội, phải "nhân dân hóa" tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chứ đừng làm như hiện nay”.

Theo đánh giá chủ quan của ông, khả năng thắng lợi của Hồ sơ di sản "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" tới đâu?

- Phải có sự vào cuộc nghiêm túc của cả Nhà nước và người dân, mà quan trọng nhất là "nhân dân hóa" tín ngưỡng thờ cúng này. Theo thống kê, mỗi dịp Giỗ Tổ, có gần chục triệu lượt người hành hương về Đền Hùng, đó là một con số gây xúc động. Nhà nước nhìn vào con số đó phải thấy tự hào và vui chứ, vì người dân còn thiết tha với ông Tổ chung của dân tộc là còn biết đoàn kết thương yêu, biết tôn trọng cái nghĩa đồng bào. Một khi nào người dân thờ ơ với lễ Giỗ Tổ thì còn gì để nói nữa? Vì vậy tôi rất mong hồ sơ này sẽ thắng lợi, để tôn vinh ý nghĩa độc đáo của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân tộc ta.

Xin cảm ơn giáo sư!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem