|
Ông Diệp Kỉnh Tần |
Theo phản ánh, trong thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp TQ sang nước ta thu gom nông sản, thuỷ sản với số lượng lớn. Bộ NNPTNT đã nắm được tình hình này chưa, thưa ông?
- Đây là vấn đề chúng tôi đã biết và nắm khá rõ. Nếu trước đây, TQ thường chỉ thu mua nông sản theo kiểu đặt hàng ở các biên giới, cửa khẩu, thì nay cứ thiếu thứ gì, là họ cho người vào thu mua tận dưới làng, xã, nên đã gây ra tình trạng tranh mua, tranh bán.
Thậm chí, đến cả sản phẩm không đạt chất lượng, chúng ta không chấp nhận, nhưng họ vẫn thu mua. Ngay cả vấn đề tiêm tạp chất vào tôm hay cá tra, basa mặc dù chúng ta đang làm rất quyết liệt, thế mà các doanh nghiệp TQ cho dù có tiêm bao nhiêu (tạp chất), họ cũng mua. Thậm chí, họ còn mua với giá cao hơn sản phẩm sạch mà các doanh nghiệp của Việt Nam mua.
Ông có thể cho biết, việc thu mua này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sản xuất, chế biến của các doanh nghiệp trong nước?
- Có 2 khả năng chính, một là có thể đang vào thời điểm phía TQ khó khăn về nguồn cung sản phẩm, hiện họ thiếu rất nhiều thứ, kể cả gạo, thịt và nhiều sản phẩm khác. Mỗi khi thiếu như vậy sẽ có tác động rất lớn vì thị trường của họ tới hơn 1,3 tỷ dân, nên cần khối lượng lớn.
Tuy nhiên, có một khả năng khác mà chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ, đó là nếu TQ cố tình làm như thế, họ sẽ gây khó khăn lớn đối với nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo các sản phẩm thực phẩm sạch cung cấp cho người dân trong nước và cả xuất khẩu.
Vậy để ngăn chặn tình trạng như trên, Bộ NNPTNT đã đề xuất những biện pháp gì?
- Thực ra, đây là lĩnh vực thương mại do Bộ Công Thương quản lý. Nhưng chúng tôi cũng đã có báo cáo với Chính phủ về vấn đề này, đồng thời trao đổi với Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành khác rất nhiều lần.
Hiện cả Chính phủ và các bộ đều đang nghiên cứu rất kỹ và sẽ sớm đề ra các giải pháp để giải quyết. Sắp tới, các bộ sẽ ngồi lại họp với nhau để báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.
Xin cảm ơn ông!
Ngọc Lê (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.