Về xứ lạ kỳ: không thiếu nước trong mùa khô nhưng cứ tưới là cây chết

Ngọc Thành Thứ hai, ngày 07/05/2018 07:00 AM (GMT+7)
"Nhất nước nhì phân..." - câu đúc kết đó đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nước trong canh tác nông nghiệp, thế mà ở xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) 150ha trồng hành ngò của địa phương có nguy cơ bị xóa sổ vì cứ tưới nước là cây chết.
Bình luận 0

img

Từ chỗ trồng 4 vụ hành, ngò mỗi năm, nay nông dân Nhơn Hải chỉ trồng được 1 vụ vào mùa mưa. Ảnh: NT

Năm 2008 thấy bà con trồng hành có lời, ông Nguyễn Ngọc Đệ cũng đầu tư trồng hành trên 1.500m2 đất (1,5 sào theo cách gọi của người địa phương), mỗi vụ sau khi trừ chi phí ông lời khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, những năm gần đây, chi phí ông bỏ ra ngày càng lớn nhưng càng trồng càng thua lỗ vì hành trồng đến đâu chết đến đó. Dù đã tìm nhiều cách nhưng ruộng hành nhà ông Đệ vẫn không sống được, diện tích ruộng hành nhà ông đã bị nhiễm mặn hoàn toàn.

Không có nước ngọt từ các kênh mương, ông Phạm Bi chọn cách đào giếng để lấy nước. 3 năm trước ông đầu tư hơn 40 triệu để đào giếng lấy nước ngọt trồng hành nhưng 2 năm nay, giếng nhà ông phải bỏ hoang vì bị nhiễm mặn. Đây là tình trạng chung của hầu hết các giếng nước trong khu vực, theo ông Bi, ngày trước chỉ những giếng gần biển mới bị nhiễm mặn nhưng nay kể cả những giếng cách biển vài km cũng nhiễm mặn. Ông Bi cho hay: “Không có nước thì buộc phải bơm lên để dùng tạm thời thôi, chứ nước trong giếng cũng nhiễm mặn hết rồi”.

img

Hầu hết các giếng nước ngọt ở Nhơn Hải đều đã nhiễm mặn. Ảnh: NT

Không có nước ngọt nên 3 sào đất nhà ông Bi trước thường trồng hành nay đành để trống, nhưng bỏ hoang mãi cũng tiếc nên ông trồng thêm ớt, ngò, tuy nhiên chúng cũng không thể vượt tường mặn, chỉ được vài ngày là héo hắt. Cuối cùng ông Bi chọn trồng cây nhàu – một loại cây có khả năng chịu mặn tốt, đúng là chúng không chết nhưng trồng hơn 1 năm mà cây còi cọc và thấp lè tè, như chỉ vừa xuống giống hôm qua.  

Nếu trước đây nông dân Nhơn Hải trồng được 4 vụ hành mỗi năm thì nay chỉ còn trồng được 1 vụ. Năng suất cũng giảm mạnh, từ 3 tấn/sào xuống còn chưa tới 1 tấn/sào. Ông Trịnh Ngọc Hòa chỉ tay vào ruộng đất trơ cát nói: “Giờ chỉ làm được mùa mưa thôi, chứ mùa khô cứ tưới nước là cây chết”.

img

Nước tưới bị nhiễm mặn đã kết tinh thành mảng muối trắng nổi ngay trên đường dẫn nước tưới vào ruộng trồng ngò của ông Hòa. Ảnh: NT

Tình trạng này đã diễn ra ở Nhơn Hải nhiều năm qua nhưng 2 năm gần đây thì mức độ trầm trọng hơn rất nhiều. Nếu thực tế này tiếp tục diễn biến thì thủ phủ hành tỏi ở Ninh Thuận có nguy cơ bị xóa sổ nhanh chóng.

Nói về nguyên nhân của thực trạng này, theo phản ánh của nhiều hộ dân, là do nhiều trại sản xuất tôm giống, ốc hương… các chủ trại tha hồ bơm nước biển lên sản xuất rồi vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường chung quanh mà không thông qua hệ thống xử lý nước thải. Từ đó, nước biển thẩm thấu ngày càng nhiều, khiến cho nguồn nước tưới và đất bị nhiễm mặn, nông dân không thể trồng hành, tỏi và cây hoa màu khác.

Thống kê của địa phương cho thấy, hiện có gần 400 cơ sở chuyên sản xuất giống thủy sản. Hai xã Nhơn Hải và Thanh Hải nằm trong vùng quy hoạch sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh Ninh Thuận với tổng diện tích khoảng 100ha. Trong đó, xã Nhơn Hải là 80ha. Hiện tại, gần 51ha đất nằm trong quy hoạch đã xây trại sản xuất tôm giống.

img

Những diện tích đất bỏ trống như thế này ở Nhơn Hải không hề hiếm. Ảnh: NT

Mặc dù đã được quy hoạch là khu sản xuất giống thủy sản tập trung của tỉnh, nhưng cho đến thời điểm này, kết cấu hạ tầng giao thông, điện, hệ thống xả thải chung chưa được đầu tư đồng bộ, nên chuyện nước mặn xâm thực ngày càng cao. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân đã thuê đất mở rộng diện tích sản xuất giống thủy sản rồi xả thải nước biển sau khi sản xuất ra hầm rút, không qua xử lý làm nước thẩm thấu đã gây nhiễm mặn khoảng 30ha đất sản xuất, đồng thời gây ngập nhiều diện tích ruộng muối của diêm dân nơi đây.

Ông Võ Thể, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Hải thừa nhận thực tế nước bị nhiễm mặn ở địa phương, đồng thời cho hay: “Trước đây huyện đồng ý cho các cơ sở sản xuất giống xử lý nước theo hình thức thấm rút, tuy nhiên, từ khi có phản ánh của người dân về thực trạng ô nhiễm môi trường chúng tôi đã yêu cầu dừng hình thức này. Đồng thời thành lập các tổ, đoàn, xuống địa bàn để kiểm tra tình trạng ô nhiễm để có phương án ứng phó phù hợp”.

img

Những ruộng hành tươi tốt như thế này là "của hiếm" ở Nhơn Hải. Ảnh: NT

Trước những bức xúc của người dân, UBND xã Nhơn Hải đã yêu cầu các chủ trại sản xuất giống hải sản không xây dựng, mở rộng trại về hướng bắc theo địa giới hành chính của xã và những khu vực giáp với đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân. Các chủ trại chỉ được phép xây dựng và mở rộng trại sản xuất về hướng nam giáp với biển.

Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải Trần Đồng Linh nói: “Ngoài việc yêu cầu các cơ sở sản xuất giống hải sản chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải phải nhanh chóng khắc phục và thực hiện đúng theo quy định xả nước thải, xã cũng đã tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia thực hiện giám sát việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải cũng như việc xả thải sai quy định của các cơ sở sản xuất giống thủy hải sản để ngành chức năng kịp thời xử lý”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem