Bán bò, vay tiền làm cầu
Ông Thái Văn Khoát bên cây cầu treo do 3 người góp tiền của dựng lên, tạo sự đi lại thuận lợi cho người dân 2 xã Ea Đar và Ea Sar.
Nhớ lại thời mới từ Bắc vào xã Ea Đar lập nghiệp, ông Nguyễn Hưng (65 tuổi) lắc đầu: “Thời đó rừng núi hoang vu, đường sá đi lại khó khăn, đã vậy còn bị dòng sông Krông Năng hung tợn “ngáng đường”. Cuộc sống bấy giờ cái ăn còn không đủ nói gì đến nhà cao cửa rộng”. Ông Hưng kể, ngày đó, dân 2 xã Ea Đar và Ea Sar muốn sang sông canh tác phải lội nước ngập nửa người vào ngày nắng. Mùa mưa nước lớn, con sông như quái vật hung dữ sẵn sàng nuốt mọi thứ rơi xuống đó. Vì miếng cơm manh áo, nhiều người đã đóng tạm bè, thuyền bất chấp nguy hiểm, giành giật nông sản bị Hà Bá cuốn trôi, có người đi mãi không về… Bọn trẻ đến mùa mưa là nghỉ học, đa phần chỉ học cho biết cái chữ rồi nghỉ”.
Trước tình cảnh đó, ông Thái Văn Khoát (SN 1957), ở thôn 12, xã Ea Đar nung nấu ý tưởng làm cầu, vấn đề là lấy đâu ra tiền. Tâm sự, ông Khoát biết bạn chí cốt là ông Nguyễn Văn Dũng ở thôn 2, xã Ea Sar cùng ý tưởng. Vậy là một người gom hết tiền nhà, bán thêm 6 con bò, một người mượn tiền người thân, vay ngân hàng để làm cầu. Năm 1994, cây cầu gỗ rộng 2m, dài 80m, chi phí hơn 100 triệu đồng, nối 2 xã đã dựng lên.
Đem lại niềm vui
Quan điểm
Ông Trần Quang Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Đar
Cây cầu là điểm nối các xã trong huyện, lại gần đường tỉnh lộ nên người qua lại rất đông. Xã đã nhiều lần xin làm cầu nhưng chưa được. Việc người dân bỏ tiền túi làm cầu phục vụ dân sinh là việc làm rất đáng hoan nghênh.
Gần 20 năm cây cầu do 2 nông dân làm ra đã đem lại biết bao niềm vui cho người dân 2 xã Ea Đar và Ea Sar. Nhưng đến năm 2013, chiếc cầu đã bị một trận lũ kinh hoàng “nuốt” mất. Hai ông Khoát và Dũng lại lần nữa bán bò, vay tiền ngân hàng và rủ thêm ông Lê Kim Quynh ở thôn Hữu Nghị (Ea Đar), góp mỗi người 130 triệu đồng làm lại cây cầu. Họ mày mò thiết kế và dựng lại một cây cầu treo dài 80m, rộng đến 4m. Để có tiền tu sửa, họ buộc phải thu mỗi người qua cầu 2.000 đồng/lượt. Riêng học sinh và giáo viên thì được miễn phí. Việc thu phí qua cầu không những chẳng khiến bà con phiền lòng mà còn thấy vui. “Họ đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để làm cầu thì mình cũng nên góp chút ít để giúp họ. Có cây cầu thuận lợi biết bao, cuộc sống của chúng tôi thật sự khấm khá nhờ nó”- bà Nguyệt (thôn Hữu Nghị) nói.
Dù gia đình rất khó khăn, nhưng với ông Khoát “chỉ cần cây cầu phát huy hiệu quả, thuận tiện cho người dân đi lại, tụi nhỏ đến trường an toàn là tụi tui vui rồi”. Ông Dũng, ông Quynh cũng cùng tâm sự: “Số tiền ấy nếu đem đầu tư vào việc khác sẽ thu lợi hơn nhiều. Nhưng chúng tôi chỉ muốn làm một việc gì đó ý nghĩa hơn”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.