Vết sẹo của Chí Phèo

Nguyễn Đức Hiển Thứ năm, ngày 02/11/2023 08:53 AM (GMT+7)
Câu chuyện "Ngày mai em sẽ từ trong ra ngoài/ thơm như hương nụ hoa nhài/ sạch như nước suối ban mai giữa rừng" mà ông Tố Hữu viết gần thế kỷ trước về cô kỹ nữ sông Hương là điều không tưởng. Pháp luật cho họ đủ quyền, nhưng có một điều họ không có được, đó là quyền được lãng quên.
Bình luận 0

Năm tôi học lớp 11, chị gái của một người bạn tôi, cô thôn nữ xinh đẹp ở một làng miền núi, tự tử. Thứ thuốc trừ sâu dạng phốt pho lưu dẫn ấy chỉ vài giọt là khỏi cứu, cô gái ấy đã uống hết cả chai.

Mãi lâu sau, bạn tôi kể: Trước đó chừng một năm, chị ấy bị bệnh tâm thần. Trần truồng đi ra ruộng và nói chung là cơn điên khiến cô gái ấy cư xử như... một người điên.

Chữa rồi cũng khỏi, chị lại khoẻ mạnh và xinh đẹp. Nhưng câu chuyện về cô gái điên ngày nào thì còn mãi trên miệng người làng. Đến khi có một anh người làng khác thương chị, đám trẻ con vẫn chạy theo họ trêu chọc và kể lại những ngày điên của chị.

Bế tắc trước tương lai bởi nỗi ám ảnh quá khứ. Chịu không nổi, chị ấy đã chọn cái chết. 

Thỉnh thoảng, chúng tôi vẫn nhận được lời đề nghị khẩn khoản từ những người đã có sai lầm trong quá khứ. Họ, có thể là nhân vật bị phanh phui trong một bài điều tra. Họ, cũng có thể là những người từng bị án tù do vi phạm pháp luật. Có người còn gửi đến toà soạn cả Phiếu Lý lịch tư pháp số 1. Trong đó, phần án tích ghi rõ: không có án tích. Tức là họ đã ra tù và đã hết thời gian thử thách, được xoá án tích, pháp luật coi họ là người chưa có tiền án. 

Thế nhưng hình ảnh và câu chuyện của họ thì còn đó, trên báo mạng, báo in. Có khi thời này, người đời thường chóng quên, nhưng những người thiếu thiện ý với họ, sẽ nhớ, sẽ lôi trên mạng ra để bỉ bôi khi muốn. Và như vậy, câu chuyện ấy cứ nối dài trên miệng và trong mắt thế gian.

Những người tôi vừa kể, có người nói: "Bao nhiêu năm qua, tôi đã tự mình bước ra khỏi bóng đen quá khứ. Nhưng cái bóng ma quá khứ vẫn chụp lấy tôi. Tôi phải làm sao?"

Có người, chuẩn bị lấy vợ; có người con đang tuổi lớn; có người sắp dựng vợ gả chồng cho con, sắp được làm sui. Nhưng bạn bè con cái họ hoặc phía thông gia, chỉ một nhát tra google là có thể bĩu môi nhìn họ bằng ánh mắt khác.

Một số lần, sau khi thảo luận, lãnh đạo báo đã xoá tên hoặc hình ảnh của họ ra khỏi bài báo cũ. Cũng đôi lần, chúng tôi giải thích khi được cơ quan chức năng hỏi về việc gỡ, sửa bài sau khi đã lưu chiểu điện tử. Dĩ nhiên sau khi giải thích, chưa bao giờ báo bị phạt vì lỗi ấy. Nhưng dù sao đó cũng là những trường hợp đơn lẻ. Và dù chúng tôi có xoá, nó vẫn còn đó trên mạng xã hội, trên những tờ báo, trang tin điện tử khác.

Người đời, thường sợ ai đó quên mình. Nhưng với những người tôi nêu ở trên, họ chỉ muốn quá khứ mình biến mất, đừng trở thành một bóng ma ám ảnh tương lai.

Đôi khi tôi vẫn đọc được một bài trên báo chính thống hẳn hoi, đại ý rằng DN nọ, ca sĩ kia từng có scandal này nọ thế mà bây giờ không biết thân biết phận, còn hãnh tiến, còn tuyên bố này khác. Dường như trong mắt tác giả các bài viết ấy, những ai đã lỡ lầm thì phải gằm mặt sám hối cả đời. Câu chuyện "Ngày mai em sẽ từ trong ra ngoài/ thơm như hương nụ hoa nhài/ sạch như nước suối ban mai giữa rừng" mà ông Tố Hữu viết gần thế kỷ trước về cô kỹ nữ sông Hương là điều không tưởng. Pháp luật cho họ đủ quyền, nhưng có một điều họ không có được, đó là quyền được lãng quên.

Tại Liên minh châu Âu, từ 2016, quyền được lãng quên trên không gian mạng đã được công nhận sau nhiều thập kỷ tranh cãi. Nó cho phép người dùng internet quyền yêu cầu xóa một hoặc nhiều trang chứa thông tin về họ.  Cá nhân có quyền yêu cầu cá nhân hoặc tổ chức kiểm soát công cụ tìm kiếm xóa khỏi danh sách kết quả các liên kết trỏ đến các trang chứa dữ liệu cá nhân của mình khi nhập vào chức năng tìm kiếm.

Tại Việt Nam, quyền được lãng quên mới được tiếp cận ở phạm vi hẹp, về việc lưu trữ, cung cấp thông tin cá nhân trên môi trường mạng. Theo Điều 22 Luật Công nghệ thông tin, các chủ thể dữ liệu có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân lưu trữ thông tin cá nhân của mình trên môi trường mạng thực hiện việc kiểm tra, đính chính hoặc hủy bỏ thông tin đó. Tuy nhiên quyền này không dẫn đến việc huỷ bỏ tham chiếu dữ liệu. Mặt khác vẫn có những tranh cãi bất tận trong giới luật tại VN và nhiều quốc gia khác bởi nhiều người cho rằng việc huỷ tham chiếu có thể vi phạm quyền tự do ngôn luận và vô hiệu hoá tác dụng cảnh báo của thông tin. Theo những ý kiến này,  nếu xoá thì người ta sẽ không biết ai (hoặc tổ chức nào) tốt xấu ra sao mà đề phòng.

Và khi còn tranh luận, thì quá khứ đối với những người không may trên là món nợ trả mãi không dứt, kể cả khi họ đã qua đời. 

Viết đến đây, tôi lại nhớ Nam Cao và những vết sẹo trên mặt Chí Phèo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem