Dân Việt xin được đăng tải toàn bộ nội dung công văn số 06/CV-LĐBĐVN gửi tới Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về việc làm rõ nội dung Nghị quyết số 426/QN-LĐBĐVN.
Kính gửi: Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF)
Liên quan đến Nghị quyết số 426/QN-NĐBĐVN ngày 28/12/2011,Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) giải thích và làm rõ với VPF những nội dung như sau:
I- VFF là chủ sở hữu duy nhất giải bóng đá vô địch quốc gia và các giải bóng đá chuyên nghiệp tại Việt Nam, căn cứ theo các quy định của pháp luật, dựa trên những quy định cụ thể của Luật Thể dục thể thao và Điều lệ của VFF như sau:
1. Khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục thể thao quy định:
“Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức.”
2. Khoản 7 Điều 71 Luật Thể dục thể thao quy định:
“Liên đoàn thể thao quốc gia có quyền tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia tại Việt Nam”.
3. Điều 52 Luật Thể dục thể thao quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp như sau:
“1. Tham gia thi đấu giải thể thao chuyên nghiệp do liên đoàn thể thao quốc gia, liên đoàn thể thao quốc tế tổ chức…”
4. Điều lệ VFF (sửa đổi, bổ sung) do các thành viên (trong đó có các câu lạc bộ) thông qua, được Bộ Nội vụ phê duyệt theo Quyết định số 224/QĐ-BNV ngày 19/3/2010, quy định:
“Điều 72. Các giải đấu
1. Do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các giải đấu:
a- Hệ thống bóng đá chuyên nghiệp gồm: Giải Vô địch Quốc gia; Giải hạng Nhất Quốc gia, Giải Cúp Quốc gia; Trận Siêu Cúp; Trận Play off và các giải bóng đá chuyên nghiệp khác (nếu có)”
“Điều 4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam
14. Sở hữu tất cả các quyền phát sinh từ các giải đấu và các sự kiện thuộc quyền quản lý, tổ chức, điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, trong đó bao gồm các quyền về tài chính; quyền thu thanh, ghi hình; sản xuất; phát thanh, truyền hình; truyền thông đa phương tiện; quảng cáo, tiếp thị; các quyền khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
15. Trao quyền sử dụng và phân phối hình ảnh, âm thanh và các hình thức dữ liệu khác của các trận đấu và các sự kiện thuộc quyền quản lý, tổ chức và điều hành của VFF.”
“Điều 75. Trao quyền
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dữ liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung, thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý.”
|
Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ |
II- Về việc “chuyển quyền quản lý, tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam” cho VPF là thực hiện theo quy định của Điều 72 Điều lệ VFF, cụ thể sẽ được làm rõ như sau:
Điều 72 Điều lệ VFF quy định:
“2. Ban chấp hành có thẩm quyền ủy quyền cho các cơ quan tổ chức giải cấp dưới để tổ chức các giải đấu…”.
Việc VFF “chuyển quyền quản lý, tổ chức và điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam” (Điều 1 Nghị quyết số 426/QN-LĐBĐVN) là việc VFF ủy quyền cho thành viên của VFF (là VPF) tổ chức thực hiện, quản lý tiêu chuẩn kỹ thuật của giải cũng như quyền lợi nhà tài trợ giải, điều hành giải đấu theo chỉ đạo và quyết định của VFF cũng như thông lệ của FIFA.
Về mặt thủ tục, việc ủy quyền của VFF cho VPF chỉ có hiệu lực sau khi VPF có đủ tư cách đại diện cho VFF. Như vậy, VPF phải đáp ứng được hai điều kiện là:
1. VPF hoàn thành các thủ tục để trở thành thành viên của VFF (Điều 72 Điều lệ VFF) và,
2. VPF phải hoàn tất việc ký kết hợp đồng nhận ủy quyền điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (Điều 3 Nghị quyết số 426/QN-LĐBĐVN) từ VFF.
Đến ngày hôm nay, VPF vẫn chưa đáp ứng cả hai điều kiện này nên việc ủy quyền của VFF cho VPF là chưa đủ hiệu lực pháp lý.
Ngoài ra, VFF chỉ ủy quyền cho VPF khi VPF có đủ các điều kiện sau đây:
Một là, VFF thông báo cho các đối tác liên quan về việc giao cho VPF quyền và nghĩa vụ quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá được chuyển giao và được các đối tác chấp thuận việc giao quyền và nghĩa vụ này bằng văn bản;
Hai là, VFF, VPF và đối tác liên quan sẽ cùng ký kết một bản thỏa thuận (“Thỏa thuận Ba bên”), theo đó các bên đồng ý:
(a) VFF ủy quyền cho VPF thực hiện các quyền và nghĩa vụ trong công tác quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá;
(b) Với tư cách là bên thừa ủy quyền và nghĩa vụ của VFF, VPF sẽ tiép tục thực hiện tất cả các nghĩa vụ, cam kết, cam đoan, bảo đảm liên quan đến việc quản lý, tổ chức, điều hành và khai thác thương quyền các giải bóng đá được chuyển giao được quy định trong hợp đồng đã ký kết giữa VFF và đối tác;
(c) Trừ các quyền thực hiện ủy quyền và nghĩa vụ liên quan được quy định rõ ràng trong Thỏa thuận Ba bên, các quy định khác của hợp đồng giữa VFF và đối tác vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Từ những điểm nêu trên, việc VPF không thừa nhận quyền sở hữu các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam của VFF như vừa qua là việc cố tình không hiểu các quy định tối thiểu cần thiết của pháp luật thể thao và Điều lệ của Liên đoàn cũng như không tôn trọng Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Thường trực BCH VFF đề nghị Hội đồng quản trị VPF nghiêm túc rút kinh nghiệm về những phát biểu mang tính cá nhân của Lãnh đạo VPF trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với VFF trong thời gian qua.
VFF yêu cầu trong khi chờ đợi để hoàn thành các thủ tục để VPF nhận ủy quyền đầy đủ của VFF điều hành, quản lý và tổ chức thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của VFF đối với các giải bóng đá chuyên nghiệp, VPF phải thực hiện theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của VFF, nhất là trong các trường hợp có vướng mắc phát sinh.
Trân trọng.
TM. BCH LĐBĐ Việt Nam
Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ (đã ký)
P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.