Sự kiện có sự góp mặt của 2 diễn giả là cô Phạm Thị Dần - Giám đốc trung tâm Autism Edu, Cử nhân giáo dục đặc biệt Học viên Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên - ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội và cô Đỗ Thị Minh Hiền - giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, bản thân là một người mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ. Bên cạnh đó, "Vì Em Xứng Đáng" cũng nhận được sự tham gia nhiệt tình từ phía gần 50 bậc phụ huynh cùng con em là các bé rối loạn tự kỷ.
Sự kiện mở màn bằng Talkshow dưới sự tài trợ của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) trong khuôn khổ dự án A365 - Chăm sóc thông minh cho trẻ với chủ đề "Chọn trường cho con: Học chữ hay trải nghiệm". Ở đó, cô Phạm Thị Dần đã đem tới rất nhiều chia sẻ về đặc thù công việc, những thuận lợi và khó khăn của cô trong hành trình giúp các em nhỏ tự kỷ hòa nhập và phát triển.
Tiếp nối chương trình, cô Hiền cũng chân thành gợi mở nhiều câu chuyện xoay quanh cuộc sống của chính cô - một người mẹ có con rối loạn phổ tự kỷ, như việc chọn trường công hay trường tư cho con, những can thiệp cần thiết khi con có hành vi bạo lực, bực tức, …
Cô Dần đưa ra những lời khuyên hữu ích dành cho các bậc phụ huynh
Song song với Talkshow, các hoạt động vui chơi bổ ích dành riêng cho các em nhỏ: ném vòng, tô tượng, vẽ tranh, xếp gỗ, ... cũng được các bé hưởng ứng nhiệt tình. Đặc biệt, những bức tranh mà các bé vẽ hôm nay sẽ được trưng bày tại một buổi triển lãm mà BTC "Vì Em Xứng Đáng" ấp ủ trong tương lai gần.
Các bé hào hứng tham gia tô tượng
Những "họa sĩ nhí" tỉ mỉ hoàn thiện tác phẩm của mình
Tổng kết về buổi gặp gỡ ngày hôm nay, một phụ huynh chia sẻ "Chị thấy sự kiện rất thiết thực. Có một số câu hỏi chị không trực tiếp đưa ra nhưng câu trả lời của chị Dần và mỗi phụ huynh lại có một phần của con chị, mỗi đứa giống nhau một tí. Chị thấy bổ ích và có thể chắt lọc cho con của chị".
"Những sự kiện dành cho trẻ tự kỷ được tổ chức bởi các bạn sinh viên đã thể hiện sự đón nhận của xã hội đối với rối loạn này, tương lai của các bạn tự kỷ vì thế chắc chắn cũng ngày càng trở nên tốt hơn, đó là điều khiến cô cảm thấy rất cảm ơn các bạn sinh viên của mình, bởi những điều các bạn ấy nghĩ đến và mang lại cho xã hội" - Diễn giả Đỗ Thị Minh Hiền tâm sự.
Có thể nói, "Vì Em Xứng Đáng" đã khép lại, nhưng những ảnh hưởng và ý nghĩa của dự án đã mở ra nhiều cơ hội và hy vọng cho cộng đồng người tự kỷ nói chung và trẻ em tự kỷ nói riêng, giúp các em được hòa nhập, phát triển bình đẳng, tự tin trong xã hội. Bởi suy cho cùng, "vì em càng xứng đáng được yêu thương".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.