Vì lý do chiến thuật này, Washington quyết tâm tăng cường vũ khí hạng nặng đến Ukraine

Lê Phương (Aljazeera) Thứ sáu, ngày 22/04/2022 18:07 PM (GMT+7)
8 tuần kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bắt đầu, quyết định của chính quyền Biden trong việc tăng cường cung cấp súng pháo cho Ukraine là dấu hiệu cho thấy cam kết sâu sắc của Mỹ ở giai đoạn then chốt của cuộc chiến.
Bình luận 0
Vì lý do chiến thuật này, Washington quyết tâm tăng cường vũ khí hạng nặng đến Ukraine  - Ảnh 1.

Lựu pháo M777 được bắn bởi quân đội Mỹ tại Căn cứ Hành quân Tiền phương Bostick ở tỉnh Kunar, Afghanistan, ngày 8 tháng 7 năm 2011. Ảnh: AP

"Chúng ta đang ở trong giai đoạn quan trọng của chiến sự", Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/4 cho biết khi thông báo rằng ông đã phê duyệt khoản viện trợ vũ khí bổ sung trị giá 800 triệu USD, bao gồm 72 khẩu pháo 155mm của quân đội Mỹ, cùng với 144.000 viên đạn pháo và hơn 120 máy bay không người lái trang bị vũ khí.

Tổng cộng, Mỹ đã cung cấp 3,4 tỷ USD tiền hỗ trợ an ninh kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch vào ngày 24/2. Đây là số tiền viện trợ rất lớn, đặc biệt đối với một quốc gia mà Mỹ không có nghĩa vụ hiệp ước quốc phòng.

Vì sao việc cung cấp vũ khí hạng nặng đến Ukraine lại quan trọng như vậy?

Các loại vũ khí hạng nặng như pháo đang được sử dụng phổ biến trong trận chiến diễn ra ở khu vực phía đông Ukraine, Donbass. Địa hình tương đối bằng phẳng của vùng này phù hợp với mô hình chiến thuật cơ động - sử dụng xe tăng cùng các lực lượng mặt đất khác được hỗ trợ bởi pháo tầm xa như lựu pháo 155mm.

Những ngày gần đây, Nga đã triển khai thêm pháo binh của riêng họ đến khu vực Donbass, cùng với nhiều bộ binh và các lực lượng khác để hỗ trợ cho cuộc chiến lâu dài với Ukraine.

Các loại pháo mà Mỹ gửi tới Ukraine sẽ là mẫu mới nhất của nước này, được gọi là M777, và được sử dụng bởi Lục quân và Thủy quân lục chiến. Nhỏ hơn và cơ động hơn so với mẫu cũ, M777 có thể được triển khai trên chiến trường bằng trực thăng hạng nặng và di chuyển tương đối nhanh giữa các vị trí bằng xe tải 7 tấn cũng đang được cung cấp bởi Lầu Năm Góc.

John Kirby, thư ký báo chí Lầu Năm Góc, cho biết: "Do địa hình thông thoáng, không nằm trong khu vực đô thị, chính vì vậy nên nhiều khả năng người Nga sẽ dựa vào hỏa lực tầm xa - đặc biệt là pháo binh". 

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết chiếc đầu tiên trong số 72 pháo hạm dự kiến sẽ bắt đầu chuyển đến châu Âu vào cuối tuần này. Trong số 18 khẩu pháo cỡ 155mm khác mà ông Biden phê duyệt vào tuần trước để vận chuyển tới Ukraine, một số lượng không xác định đã nằm sẵn ở châu Âu. Bên cạnh đó, việc đào tạo sử dụng lựu pháo cho các chiến binh Ukraine cũng đã bắt đầu hôm 20/4 tại một quốc gia không được tiết lộ bên ngoài Ukraine.

Liệu những biện pháp này đã đủ để giữ chân Nga?

Có lẽ là không, Tổng thống Biden cho biết ông đang yêu cầu Lầu Năm Góc hỗ trợ bổ sung viện trợ quân sự cho Ukraine. 

Ông Biden cho biết giai đoạn này trong chiến dịch của Nga sẽ "hạn chế hơn về mặt địa lý nhưng vẫn cực kỳ khốc liệt". 

Tổng thống cũng thừa nhận rằng ông cần Quốc hội phê duyệt các khoản tiền cần thiết để tiếp tục cung cấp vũ khí quan trọng cho Ukraine ngoài gói 800 triệu USD mới nhất.

Nhiều quan chức Mỹ nói rằng lực lượng Nga đang cố gắng điều chỉnh cách tiếp cận ở Ukraine sau những thất bại ban đầu, cho thấy cuộc chiến có thể còn kéo dài.

Sau khi không chiếm được thủ đô Kiev trong những tuần đầu của chiến dịch, Nga đã thu hẹp các mục tiêu của mình bằng cách tập trung vào Donbass, nơi những lực lượng ly khai được Moscow hậu thuẫn đã chiến đấu từ năm 2014 và trên một dải lãnh thổ ven biển dọc theo biển Azov từ Mariupol đến bán đảo Crimea. 

Một lợi thế của Nga là khu vực này gần với lãnh thổ Nga, giúp Moscow có thể tận dụng đường tiếp tế ngắn hơn so với các trận chiến trước đó ở phía bắc Ukraine.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem