Vi phạm Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 2): Cần chấm dứt vi phạm, làm "sống" lại sông Đáy

Nhóm PV Thứ tư, ngày 15/12/2021 09:29 AM (GMT+7)
Việc để các nhà ở, nhà xưởng "nhảy dù" vào quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy không chỉ vi phạm Luật Đê điều mà con nguy hiểm đến tính mạng người dân. Theo các chuyên gia, cần chấm dứt tình trạng vi phạm và có hành động làm "sống" lại sông Đáy.
Bình luận 0

Video: Hàng loạt nhà ở, nhà xưởng nằm trên hàng lang thoát lũ

Nhà ở, nhà xưởng "nhảy dù" vi phạm Luật Đê điều

Như Dân Việt đã thông tin, dù Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống song Đáy đã được Chính phủ ban hành, nhưng tại Tổ 9 phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông) và một số khu vực huyện Hoài Đức vẫn có tình trạng nhà xưởng xuất hiện trong quy hoạch đê điều.

Liên quan đến nội dung này, phóng viên Dân Việt đã có buổi làm việc với Chi cục Phòng, chống thiên tai (Sở NNPTNT Hà Nội).

Tại buổi làm việc, đại diện Chi cục Phòng chống Thiên tai xác nhận, về cơ bản khu vực tổ 9 và một phần tổ 14 phường Yên Nghĩa thuộc quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy theo Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Đáy.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 2): Hàng loạt nhà ở, nhà xưởng nằm trên hàng lang thoát lũ - Ảnh 2.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, ngay sát nhà họp dân tổ văn hóa số 9 (nhà văn hóa tổ 9), phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông (Hà Nội) có một số hộ dân khi xây nhà đã lấn chiếm ra lòng đường giao thông làm đường dẫn vào nhà, khoảng hơn một mét, thậm chí từ tầng hai ngôi nhà này "vươn" qua đường giao thông rộng hơn 4m để bắc sang tường nhà văn hóa tổ 9 và một cột điện bên cạnh. Ảnh: Quang Minh

Theo đó, Quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, phạm vi thoát lũ hệ thống sông Đáy gồm phần dòng sông để chuyển tải lưu lượng thường xuyên về mùa kiệt và mùa lũ và phần hai bên bãi sông kết hợp với phần lòng sông để chuyển tải lưu lượng 2.500m3/s khi phải chuyển tải lũ từ sông Hồng vào sông Đáy.

Phần bãi sông trong phạm vi 500m (bao gồm hai bên bãi sông và lòng sông) không được xây dựng mới nhà cửa, công trình; đối với công trình, nhà cửa hiện có, xây dựng kế hoạch để từng bước di dời; phần bãi sông ngoài phạm vi 500m được sử dụng theo quy định của Luật Đê điều phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và không vượt quá 15% để đảm bảo không gian thoát lũ, chứa lũ.

Vậy nên, Quyết định số 1821/QĐ-TTg ngày 7/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Đáy đã được phê duyệt chỉ rõ không được cấp phép xây dựng trong phạm vi được quy hoạch từ năm 2014, vậy tại sao nhiều hộ dân vẫn được UBND quận Hà Đông cấp phép xây dựng, những giao dịch nhà đất vẫn được thực hiện?

Việc cấp phép xây dựng nhà ở vào hành lang thoát lũ, xây nhà xưởng trái phép trong khu dân cư (thuộc hành lang thoát lũ) ở phường Yên Nghĩa cũng như việc phổ biến, tuyên truyền chưa sâu rộng dẫn đến nhiều người dân ở xã Đông La dẫn đến người dân không biết nhà của mình đang ở nằm trong quy hoạch và không được phép xây dựng. Việc đã và đang xây dựng nhà ở như hiện nay sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng khi hàng trăm ngôi nhà bị nhà nước thu hồi thì ai chịu trách nhiệm? Người bị thiệt hại chắc chắn là người dân!

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 2): Hàng loạt nhà ở, nhà xưởng nằm trên hàng lang thoát lũ - Ảnh 3.

Cách Nhà văn hóa tổ 9 khoảng 100m, là một khu xưởng rộng khoảng 200m2 đã đi vào hoạt động khoảng 3 tháng nay, có thời điểm nhiều máy móc hoạt động phát ra tiếng ồn lớn. Bên trong nhiều công nhân đang vận hành máy móc. Ảnh: Quang Minh

Quyết định số: 20/2016/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 quy định chi tiết một số nội dung về cấp phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội của UBND thành phố Hà Nội quy định rất rõ nhiệm vụ của các cấp liên quan.

Theo đó, đối với Sở NN&PTNT Hà Nội, cụ thể ở đây là Chi cục Phòng chống thiên tai có trách nhiệm cung cấp hồ sơ quy hoạch chỉ giới thoát lũ và phạm vi bảo vệ đê điều cho các cơ quan cấp giấy phép xây dựng; Hướng dẫn, thỏa thuận cung cấp thông tin về lĩnh vực đề điều, phòng chống thiên tai cho các cơ quan cấp phép xây dựng và chủ đầu tư khi được yêu cầu.

Đối với UBND cấp huyện, quận thực hiện trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép xây dựng quy định tại Điều 104, Luật Xây dựng. Đồng thời chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát quy hoạch thuộc địa bàn quản lý, xác định vùng quy hoạch chưa có điều kiện triển khai thực hiện để làm cơ sở cho việc cấp phép xây dựng có thời hạn.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 2): Hàng loạt nhà ở, nhà xưởng nằm trên hàng lang thoát lũ - Ảnh 4.

Bên trong một nhà xưởng ở tổ 9, phường Yên Nghĩa vừa mới được xây dựng và vận hàng từ tháng 8/2021. Ảnh: Quang Minh

Tổ chức chỉ đạo các phòng chức năng và UBND cấp xã phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện các quy định của nhà nước và thành phố về cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng.

Đối với UBND cấp xã, phường cần tổ chức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thực hiện các quy định của nhà nước và thành phố về quản lý và cấp phép xây dựng.

Thế nhưng, khi trao đổi với phóng viên Dân Việt, nhiều người dân ở xóm 3, xóm 4, xã Đông La cho biết đất của gia đình có sổ đỏ, do là địa bàn cấp xã xây dựng nhà ở không cần giấy phép theo Luật Xây dựng mà chỉ cần thông báo cho xã khi xây.

"Giờ tôi không biết ở đây có quy hoạch từ 2014, vậy chúng tôi xây nhà để ở, sau này nhà nước thu hồi mà không đền bù cho tôi ai chịu trách nhiệm, UBND xã Đông La làm gì, ở đâu mà không tuyên truyền, phổ biến cho chúng tôi" - một người dân xóm 4, xã Đông La đã nói lên nỗi lo của nhiều người khác sinh sống trong phạm vi 500m thuộc hành lang thoát lũ sông Đáy.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 2): Cần chấm dứt vi phạm, làm "sống" lại sông Đáy - Ảnh 5.

Nhiều hộ dân đang sinh sống ở tổ 9, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông và xóm 3, xóm 4, xã Đông La, huyện Hoài Đức đang rất lo lắng khi đang sinh sống trên đất nằm trong quy hoạch, dù nhà ở của mình có sổ đỏ, đất ở đô thị. Ảnh: Quang Minh

Còn rất nhiều gia đình trẻ đã mua đất, xây nhà ở tổ 9 và một phần tổ 14, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông cũng đang thấp thỏm, không biết tương lai sẽ đi về đâu, khi cả một thời gian dài tích góp mới có được một "tổ ấm". Hiện nay hàng trăm hộ được cấp phép xây dựng sau quy hoạch sẽ được các cấp chính quyền giải quyết như thế nào nếu toàn bộ tổ 9 và một phần tổ 14 phải di dời.

Cần làm sống lại dòng sông Đáy

Trước những thông tin Dân Việt phản ánh, GS.TSKH Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho hay, sông Đáy là một trong những sông lớn ở Đồng bằng Bắc Bộ. Hiện nay, sông Đáy có đặc điểm là lòng sông mưa, nước sông lớn, có nguy cơ gây ngập lụt cho một số vùng.

Trong nhiều năm qua, người dân đã xây dựng các công trình nhà ở, nhà xưởng ở ven sông Đáy. Việc xây dựng này xuất phát từ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, các công trình này lại chưa theo quy hoạch, chắp vá.

"Chính quyền địa phương là người quản lý, cấp phép cho các công trình nhà ở, nhà xưởng của người dân ở ven sông Đáy. Chính vì vậy, nếu để xảy ra việc các công trình vi phạm hành lang thoát lũ sông Đáy thì trách nhiệm thuộc về địa phương. Việc này, cần phải được chấn chỉnh ngay, xem xét nghiêm túc" - ông Giang chia sẻ.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 2): Cần chấm dứt vi phạm, làm "sống" lại sông Đáy - Ảnh 6.

Dù quy hoạch hành lang thoát lũ đã được phê duyệt từ năm 2014, mốc chỉ giới thoát lũ cũng được cắm và bàn giao cách nay nhiều năm. Ảnh: Quang Minh

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, các công trình nhà ở, nhà xưởng nằm ở ven sông Đáy sẽ rất nguy hiểm. Bởi khi mùa mưa đến, ở các đoạn sông sung yếu có thể bị sạt lở và công trình nhà ở có thể bị nước cuốn đi gây thiệt hại tài sản, thậm chí là về con người.

"Ngoài ra, khi nước sông Đáy dâng cao vào mùa mưa lũ có thể gây ngập lụt, ảnh hưởng tới đời sống của những hộ dân sống ở ven sông Đáy" - GS. TSKH học Phạm Hồng Giang nói.

Đối với một số hộ dân ở Tổ 9 phường Yên Nghĩa mua đất nhưng hiện nay không được cấp phép xây dựng nhà vì nằm trên hành lang thoát lũ sông Đáy. Ông Giang cho rằng, năm 2014, Thủ tướng đã có Quyết định, trong đó nêu rõ phần diện tích nằm trên hành lang thoát lũ phạm vi 500m, không được phép xây dựng.

Chính vì vậy, trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý sông, đề điều là phải thông báo cho người dân được biết, nắm được thông tin này.

Hệ lụy sau Quy hoạch hành lang thoát lũ sông Đáy (Bài 2): Cần chấm dứt vi phạm, làm "sống" lại sông Đáy - Ảnh 7.

Sông Đáy đoạn qua xã Đông La, huyện Hoài Đức đang bị lấn chiếm và ô nhiễm bởi một số cơ sở công nghiệp ven sông xả thải trực tiếp. Ảnh: Quang Minh

Đối với các công trình nhà ở, nhà xưởng đã xây dựng rồi, ông Giang cho rằng, cơ quan chức năng cần phải rà soát lại. Đối với các công trình không phép, nằm trong hành lang thoát lũ, có nguy cơ tiềm ẩn tai nạn phải yêu cầu giải tỏa để đảm bảo an toàn. Còn đối với các công trình xin cấp phép xây mới, nếu vi phạm quy định thì cũng phải tạm dừng.

"Lúc tôi còn làm việc ở Bộ đã có cơ quan đơn vị đến đề nghị là cho làm hệ thống khu dân cư, khu biệt thự ở ven sông Đáy. Tôi nói việc đó là việc không thể chấp nhận được, phải làm sống lại sông Đáy chứ không phải làm cho nó chết hẳn. Hiện nay, Tổng cục Thủy lợi cũng đang có nghiên cứu, đề án, làm sống lại dòng sông Đáy" - GS.TSKH Phạm Hồng Giang cho biết thêm.

Sông Đáy là dòng sông chảy từ phía tây Hà Nội (trước đây là tỉnh Hà Tây), xuyên qua tỉnhHà Nam rồi thành ranh giới giữa Ninh Bình và Nam Định trước khi đổ ra biển đông tại cửa Đáy.

Dòng chảy sông Đáy từ Vân Đình (Hà Nội) tới hạ lưu là tuyến đường thủy quốc gia, riêng đoạn từ thành phố Ninh Bình tới cửa Đáy là tuyến đường thủy quốc gia đặc biệt quan trọng.

Sông Đáy (đoạn từ Hát Môn đến Cầu Mai Lĩnh) có đặc điểm là lòng sông Đáy trũng và thấp so với sông Hồng. Mùa khô, lòng sông khô cạn. Còn mùa mưa, nước ở trên sông dâng cao, có thể gây ngập lụt.

Năm 1937, người Pháp đã làm một con đập đáy ngăn cách giữa hai sông Hồng và sông Đáy, nhằm mục đích điều tiết nước. Tuy nhiên, trải qua 80 năm, đến nay, đập đáy này chưa từng được đưa vào sử dụng do nhiều yếu tố.

(Còn nữa...)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem