Hà Nội: Xã giao 20ha đất hành lang thoát lũ cho tư nhân làm dự án

Đình Việt Thứ ba, ngày 14/08/2018 06:00 AM (GMT+7)
Dù người dân đang sản xuất ổn định và nộp sản đầy đủ nhưng vẫn bị UBND xã Liên Trung (Đan Phượng, Hà Nội) thu hồi đất để giao cho tư nhân làm dự án. Dự án này nằm trên hành lang thoát lũ nhưng vẫn được chấp thuận.
Bình luận 0

Thu hồi đất bằng thông báo miệng

Báo điện tử Dân Việt nhận được đơn của một số hộ dân trú tại xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) phản ánh về việc họ đang canh tác nông nghiệp ổn định tại bãi giữa sông Hồng thì bị UBND xã Liên Trung thu hồi đất để cho tư nhân thuê làm dự án.

img

Khu vực đất sẽ bị thu hồi. Hiện nay vẫn có 19 sản xuất ổn định tại khu đất này.

Theo phản ánh của người dân, từ năm 1975, khu vực đất bãi giữa sông Hồng thuộc xã Liên Trung bị bỏ hoang hoá, không giấy tờ, các hộ dân trong xã cùng nhau sang khai phá và sản xuất.

Tới năm 2000, UBND xã Liên Trung giao toàn bộ diện tích đất bãi giữa cho Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp dịch vụ Liên Trung quản lý và ký hợp đồng cho thuê với những hộ có nhu cầu. Các hộ kí hợp đồng sử dụng và nộp sản  phẩm hàng năm.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Chí (76 tuổi, xã Liên Trung) cho biết, khu đất là nguồn sống duy nhất của gia đình, hiện vợ chồng bà đang thuê để sản xuất hoa màu với diện tích hơn 2 mẫu, làm ổn định từ năm 2000 tới nay.

Theo bà Chí, để giữ được đất, người dân nơi đây đã nhiều lần phải đấu tranh với chủ lò gạch bên cạnh bãi, nhiều đêm thức trắng để chống tàu hút cát.

“Nay có người tới vẽ lên dự án, rồi xã đứng ra thu đất của chúng tôi để cho thuê 20 năm mà không có quyết định gì, như vậy khác hất bát cơm của chúng tôi”, người phụ nữ này bất bình.

Ông Nguyễn Huy Báu, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp và dịch vụ Liên Trung cho biết, khu đất bãi giữa sông Hồng những hộ dân đang ký hợp đồng thuê của HTX và đã được UBND xã giao cho HTX quản lý từ năm 1996 đến nay.

Khu đất rộng khoảng 40ha, nếu dự án được tiến hành sẽ lấy khoảng 20ha, tức là có 19/30 hộ đang sản xuất bị lấy đất.

Giống như những hộ dân khác, ông Báu cũng cho rằng, UBND xã Liên Trung hồi đất và cho tư nhân thuê 20 năm là sai khi không có quyết định thu hồi đất mà chỉ qua thông báo miệng và qua các cuộc họp dân nên người dân bức xúc.

img

Trong một số văn bản, người đứng tên dự án là cá nhân, nhưng khi cắm biển, chủ đầu tư lại Cty CP Nông nghiệp Hà Nội. 

“Nếu muốn thu hồi đất người dân đang sử dụng ổn định, phải được UBND TP Hà Nội chấp thuận, các cơ quan chức năng có quyết định thu hồi đất, nhưng ở đây chỉ có một văn bản thống nhất chủ trương của Sở NN&PTNT, đây không phải là quyết định thu hồi đất mà chỉ là văn bản thống nhất chủ trương”, ông Báu thông tin.

Theo vị Chủ nhiệm HTX, còn một điều nữa làm ông thắc mắc là việc dự án đứng tên cá nhân, nhưng các giấy mời họp dân lại ghi là Cty CP Nông nghiệp Hà Nội.

Còn theo các biên bản họp dân đề triên khai thực hiện dự án, mỗi cuộc họp đều kết thúc với hơn 90% người có mặt đồng ý. Tuy nhiên, tất cả những người đồng ý đều không còn trực tiếp sản xuất ở khu vực bãi giữa.

“Được biết, dự án này thuê đất với giá khoảng trên dưới 700 nghìn đồng/sào/năm, người dân chấp nhận thuê với giá cao hơn với mong muốn được tiếp tục sản xuất nhưng cũng không được chấp nhận”, ông Báu nói.

Dự án xây dựng trên hành lang thoát lũ

Theo tài liệu mà PV Dân Việt tiếp cận, dự án này có tên “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung” do ông Phạm Hải Đăng lập nên, và đứng tên dự án với danh nghĩa cá nhân. Được biết, ông Đăng là Giám đốc Cty CP Nông nghiệp Hà Nội (GFS).

Dù dự án được xin phép dưới danh nghĩa cá nhân nhưng trong một số văn bản của UBND huyện Đan Phượng, UBND xã Liên Trung lại ghi là dự án của Cty GFS. Và theo ghi nhận trực tiếp của PV Dân Việt, khi cắm biển dự án ở khu vực bãi giữa cũng để tên chủ đầu tư là Cty GFS. Điều này khiến người dân hoài nghi về sự minh bạch của dự án.

img

Nhiều khu vực gần dự án này đang bị sạt lở. 

Cũng theo tìm hiểu của PV Dân Việt, cơ sở để UBND xã Liên Trung lấy đất của dân giao lại cho ông Đăng là các quy định, thông báo thông qua về mặt chủ trương về dự án của UBND huyện Đan Phượng, chứ chưa có một quyết định chính thức.

Ngày 20.4.2018 UBND huyện Đan Phượng cũng ban hành Quyết định số 1682/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trên, dự án có diện tích 20ha, với số vốn khoảng 20 tỷ đồng. Thời gian thực hiện 20 năm do ông Phạm Hải Đăng làm chủ đầu tư.

Theo Quyết định này, Dự án của ông Đăng gồm nhà lưới, nhà liên mái, khu bảo quản, sơ chế, đóng gói sản phẩm và công trình phụ trợ (nhà điều hành, kho bãi, trạm nước…).

Điều khó hiểu là dù dự án nằm trong khu vực không gian thoát lũ của sông Hồng, nhưng UBND huyện Đan Phượng vẫn cho phép chủ đầu tư được làm các công trình tạm bằng vật liệu lắp ghép và các công trình phụ.

Căn cứ để đưa ra quyết định trên của UBND huyện Đan Phượng dựa trên văn bản số 2400/SNN-ĐĐ ngày 2.10.2017 của Sở NN&PTNT Hà Nội về thống nhất chủ trương thực hiện dự án do Phó Giám đốc Trần Thanh Nhã ký.

Mời bạn đọc đón xem kỳ 2: Dự án trên hành lang thoát lũ: Dân có thể kiện ra tòa!

Theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18.2.2016, khu vực bãi giữa sông Hồng được xác định là không gian thoát lũ; các hoạt động tại khu vực này phải bảo đảm an toàn, nhất là vào mùa lũ và không ảnh hưởng đến chức năng thoát lũ sông Hồng. Do vậy, việc xây dựng công trình kiên cố như: nhà cấp 4 bằng gạch, nhà khung thép..., trồng cây lâu năm đều vi phạm pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem