Khi có lũ sẽ tháo dời?
Liên quan đến vụ việc UBND xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội) thu hồi 20ha đất khu vực bãi giữa sông Hồng đoạn đi qua xã Liên Trung (đất khu vực này thuộc hành lang lang thoát lũ của sông Hồng) để giao cho tư nhân làm dự án, PV Dân Việt đã có cuộc làm việc với UBND xã Liên Trung và UBND huyện Đan Phượng.
Trụ sở UBND xã Liên Trung (huyện Đan Phượng, Hà Nội). Ảnh: ĐV
Ông Hoàng Văn Hanh, Chủ tịch UBND xã Liên Trung cho biết, dự án “Sản xuất nông nghiệp hữu cơ công nghệ cao tại bãi giữa sông Hồng, xã Liên Trung” triển khai theo Nghị quyết của Huyện uỷ Đan Phượng; Quyết định phê duyệt chủ trương của UBND huyện Đan Phượng; Sở NN&PTNT Hà Nội.
Theo ông Hanh, đây là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, không phải đất Quỹ 1, không phải của người dân khai hoang, đất do nhà nước quản lý chỉ giao cho HTX khoán lại, cũng không phải đất của các hộ đang sản xuất.
Nên cơ chế, phương pháp xã đang tiến hành lấy lại đất giao cho dự án là hoàn toàn hợp pháp. Vị Chủ tịch xã cho rằng, bất kể người dân nào của xã xây dựng được đề án khả thi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND xã sẽ bố trí đất cho thuê. ''Nếu ai cũng như các hộ dân giữ đất thì lấy đất đâu làm dự án, chủ trương của nhà nước không thực hiện được" - ông Hanh nói.
Ông Hanh cũng khẳng định dự án không ảnh hưởng không gian thoát lũ sông Hồng, vì chỉ làm nhà lắp ghép, khi có lũ sẽ tháo rời, Sở NN&PTNT cũng đã đồng ý chủ trương.
Có thể giải quyết tại tòa
Trái với Chủ tịch xã Liên Trung, ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, khu vực đất bãi giữa là đất Quỹ 1 nên không phải thực hiện các quy trình như đất thông thương, như không phải lập ban giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, đền bù, tái định cư; cũng không cần quyết định thu hồi đất, không phải thông qua đấu giá.
Khu vực đất sẽ bị thu hồi để làm dự án.
Chỉ cần nhà đầu tư không làm ảnh hưởng tới không gian thoát lũ, chỉ làm nhà lắp ghép là có thể thực hiện dự án. Ông này cũng cho rằng, đây không phải đất công, cũng không phải sở hữu của ai, mà tất cả người dân đều có quyền, nên đa số người dân đã đồng ý thực hiện thì thực hiện, chỉ những hộ đang sản xuất ở đó phản đối, nhưng phải theo số đông.
Về việc cho thuê đất 20 năm, theo ông Đạt, đất của toàn dân, nên dân đồng ý uỷ quyền cho xã ký hợp đồng với nhà đầu tư. Với 19 hộ có đất trong dự án bị thu hồi, nếu giờ phân rõ đất của ai phần nào, họ không đồng ý cũng không lấy được.
“Hiện dự án mới thực hiện các bước đầu, còn khi nhà đầu tư muốn sản xuất, xây dựng gì trên đất phải trình đề án cụ thể lên UBND huyện phê duyệt, còn giờ chưa thực hiện”, ông Đạt giải thích.
Cũng giống như Chủ tịch xã Liên Trung, ông Đạt cho rằng, các công trình xây dựng trên đất cũng chỉ lắp ghép, cột thép, nên không ảnh hưởng không gian thoát lũ.
Vị này nhấn mạnh, người dân phải vì cái chung, hơn nữa sau khi bị lấy đất nếu có nhu cầu người dân có thể vào làm thuê cho dự án.
Ngoài ra, cũng theo ông Đạt, vì là đất Quỹ 1 nên không cần được sự đồng ý của Thành phố hay quyết định thu hồi đất, chỉ cần các hộ dân đồng ý là được.
“Đây là hợp đồng dân sự 2 bên giữa cơ quan do người dân uỷ quyền và nhà đầu tư. Nếu người dân không giao đất, việc xử lý tranh chấp sẽ được giải quyết tại toà”, vị Trưởng phòng nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV, hiện nay chưa có các văn bản nào quy định thế nào là đất Quỹ I.
Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, ngày 27.1.2015 của Bộ TN&MT, phần quy định về quản lý, sử dụng đất bãi bồi ven sông, bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển: Nếu người dân đang sử dụng đất bãi bồi vào mục đích nông nghiệp trước ngày 1.7.2014, được tiếp tục sử dụng đất. Khi hết hạn giao đất, cho thuê đất, người dân được tiếp tục thuê đất.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.