Nam thanh niên 27 tuổi (ngụ tại TPHCM) này có tiền sử bệnh lý tim mạch. Chiều 7/12, khi trận đấu bán kết lượt về giữa Việt Nam và Indonesia trong khuôn khổ giải AFF cúp 2016 diễn ra, anh và một số người thân theo dõi, cổ vũ cho đội nhà qua màn hình tivi.
Khi trận đấu diễn ra căng thẳng đến “nghẹt thở” cũng là lúc nạn nhân bất ngờ ngã ra sàn nhà với biểu hiện ngưng tim, ngưng thở. Ngay lập tức, nam thanh niên được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Vì sao bệnh nhân đột tử khi xem bóng đá?
Phân tích chuyên môn của BS Lê Thành Khánh Vân, Phó Khoa Phẫu thuật Tim, Bệnh viện Chợ Rẫy về những bệnh nhân trẻ tuổi bị đột tử do bệnh tim chỉ ra: Bệnh nhân trẻ tuổi có tiền sử bệnh tim như bệnh bẩm sinh hoặc bệnh lý van tim, mạch vành đều có nguy cơ bị rối loạn nhịp tim khi bị căng thẳng, phấn khích, bị kích động hoặc stress.... quá độ.
Ở trường hợp này, nạn nhân mới 27 tuổi nên nguy cơ của bệnh lý mạch vành, cao huyết áp thấp hơn nhiều so với bệnh nhân lớn tuổi, nhưng có thể bệnh nhân bị tác động bởi bệnh lý tim bẩm sinh.
Khi xem bóng đá, trận đấu vào thời khắc căng thẳng đến tột độ bệnh nhân sẽ đối mặt với những yếu tố khởi động dẫn tới rối loạn nhịp tim. Bệnh phát sinh ngoại tâm thu thất, dẫn tới rung thất (tim chỉ rung, không co bóp, không có mạch nên không thực hiện được chức năng đẩy máu đi nuôi cơ thể).
Tình trạng rối loạn nhịp thường diễn ra cấp tính khiến máu không tưới được đến động mạch vành để nuôi tim cũng như không thể đưa máu đi nuôi toàn cơ thể... khiến nạn nhân đối mặt với nguy cơ tử vong, đột tử cao.
Cách sơ cứu hiệu quả
Thời gian vàng để cứu người bệnh chỉ khả quan trong khoảng 10 phút, nếu quá thời gian trên, nạn nhân sẽ bị chết não do máu không thể lưu thông để đưa ôxy lên nuôi não.
Những trường hợp gặp phải tình trạng rối loạn nhịp, nạn nhân cần được sơ cứu kịp thời ngay tại hiện trường bằng phương pháp hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực kết hợp gọi cấp cứu nhờ hướng dẫn sơ cứu đồng thời đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được hỗ trợ kịp thời về chuyên môn.
Sốc điện là giải pháp tối ưu nhất để cấp cứu những trường hợp bị rối loạn nhịp tim (ảnh: minh họa)
Cũng theo BS Khánh Vân, trước đây tình trạng rối loạn nhịp nếu xảy ra trong bệnh viện, nguy cơ tử vong của người bệnh cũng rất cao. Tuy nhiên, hiện nay với sự phát triển của ngành tim mạch theo hướng chuyên sâu, hiện đại, các bệnh viện chuyên khoa đã được trang bị đầy đủ về dụng cụ chuyên môn cũng như các phương tiện theo dõi. Khi có bệnh nhân bị rối loạn nhịp xảy ra trong bệnh viện, các bác sĩ sẽ cấp cứu bằng dụng cụ sốc điện.
Trường hợp khẩn cấp bác sĩ hoặc người sơ cứu (có kinh nghiệm) thường dùng nắm đấm, đấm vào trước ngực trái của người bệnh với lực mạnh vừa đủ để giúp bệnh nhân thoát khỏi tình trạng rung thất. Nhưng hiệu quả của phương pháp đấm ngực cho nạn nhân rất thấp, sốc tim là giải pháp tối ưu trong trường hợp có rung thất.
Có thể phòng ngừa đột tử?
Để hạn chế tối thiếu nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng, BS Khánh Vân khuyến cáo, những bệnh nhân có biểu hiện bệnh lý tim mạch cần phải đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, hỗ trợ hợp lý về mặt chuyên môn. Thông qua siêu âm và điện tâm đồ, bác sĩ có thể xác định được tình trạng của người bệnh, từ đó có giải pháp hỗ trợ điều trị hợp lý bằng nội khoa (dùng thuốc) hoặc can thiệp nội mạch, phẫu thuật.
Những bệnh nhân được xác định bị bệnh tim, cần tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ. Việc sử dụng thuốc đều đặn theo chỉ định sẽ giúp trái tim bệnh nhân khỏe mạnh hơn, có khả năng chịu đựng tốt hơn trước những căng thẳng, kích động về tâm lý từ tác động của môi trường sống. Tránh những áp lực căng thẳng trong công việc, sinh hoạt... luôn là điều tốt cho người bị bệnh tim nói riêng và cộng đồng nói chung.
Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch giảm nguy cơ bệnh trở nặng ở những người đã có bệnh lý nền, BS Khánh Vân khuyến cáo: người dân cần có chế độ ăn hợp lý khoa học như ăn ít muối, ít nước mắm, ít dầu mỡ; tăng cường ăn nhiều chất xơ từ rau – củ - quả; không sử dụng hoặc hạn chế tối đa đối với các chất kích thích từ rượu – bia – thuốc lá...
Một chế độ vận động thường xuyên, vừa phải với sức khỏe bản thân (không nên gắng sức) là giải pháp để có cơ thể và trái tim luôn ổn định hoặc khỏe mạnh nhất. Mỗi người cần tự trang bị cho mình những kiến thức sơ cấp cứu phổ thông để sẵn sàng cứu chính bản thân và cứu người bị nạn trong những tình huống khẩn cấp.
Vân Sơn (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.